Xi măng Tân Thắng tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ điện khí thải

Nhà máy Xi măng Tân Thắng chính thức đưa vào vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, giúp tiết kiệm 80 tỷ đồng chi phí, cắt giảm khoảng 40.000 tấn CO2 mỗi năm

Lợi ích kép từ công nghệ giảm phát thải Ngày 20/5, Công ty CP Xi măng Tân Thắng khánh thành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt từ khí thải (WHR) tại nhà máy xi măng ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hệ thống bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 30/4/2025, được đánh giá là bước đột phá về công nghệ giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng, từ đó giải hai bài toán lớn trong ngành xi măng là chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.

Nhà máy Xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương khoảng 1,96 - 2 triệu tấn xi măng/năm.

Nhà máy Xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương khoảng 1,96 - 2 triệu tấn xi măng/năm.

“Đây không chỉ là một bước tiến đáng kể về mặt công nghệ mà còn mang lại giá trị kinh tế cao với thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng 6 năm”, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Thắng cho biết.

Với công suất 8.650 kW, hệ thống giúp Xi măng Tân Thắng tiết kiệm khoảng 25 – 30% sản lượng điện phải mua từ EVN, tương đương 78 – 80 tỷ đồng mỗi năm, giúp giảm áp lực hệ thống truyền tải điện quốc gia trong bối cảnh mùa cao điểm đang đến gần.

Người đứng đầu Xi măng Tân Thắng chia sẻ thêm, hệ thống WHR vận hành theo nguyên lý tận dụng luồng khí thải nhiệt độ cao trong quá trình sản xuất clinker để chuyển hóa thành điện năng.

Các đại biểu cắt băng khánh thành hệ thống điện khí thải ở nhà máy xi măng Tân Thắng.

Các đại biểu cắt băng khánh thành hệ thống điện khí thải ở nhà máy xi măng Tân Thắng.

Cụ thể, với vị trí được tối ưu hóa, nằm ngay cạnh ghi làm nguội clinker và tháp trao đổi nhiệt trong khuôn viên nhà máy, hệ thống giúp tận dụng hoàn toàn nhiệt từ 100% khí thải sinh ra trong quá trình sản xuất để phát điện, giảm phát thải khoảng 40.000 tấn CO2 mỗi năm (tính trên 330 ngày vận hành).

Nồng độ bụi thải ra môi trường giảm mạnh từ 30mg/Nm3 xuống chỉ còn 10mg/Nm3, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của thị trường EU và các nước G7.

Đây là nền tảng quan trọng giúp Xi măng Tân Thắng đạt điều kiện đề nghị cấp nhãn chứng nhận “xi măng xanh”, tiến tới sản xuất và phân phối đại trà các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng bền vững của khách hàng, đối tác.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Dự án WHR tại nhà máy xi măng Tân Thắng do nhà thầu là Công ty TNHH Shanghai Conch Kawasaki Engineering thực hiện, khởi công từ ngày 25/3/2024; hoàn tất xây dựng, lắp đặt và chạy thử không tải vào ngày 30/12/2024.

Hệ thống WHR của Xi măng Tân Thắng ứng dụng hệ thống nồi hơi áp lực cao thế hệ mới, cho ra hiệu suất phát điện cao hơn và giảm phát thải CO2 tối ưu so với nhiều hệ thống hiện có trên thị trường, qua đó đem lại lợi ích kinh tế bền vững.

Hệ thống WHR giúp Tân Thắng giảm phát thải khoảng 40.000 tấn CO2 mỗi năm, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Hệ thống WHR giúp Tân Thắng giảm phát thải khoảng 40.000 tấn CO2 mỗi năm, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hệ thống WHR tại Xi măng Tân Thắng là hệ thống được lắp đặt đồng bộ nhất, cho hiệu suất tốt nhất trong số các hệ thống mà ông từng tham quan tại các nhà máy ở Việt Nam.

“Việc đưa vào sử dụng hệ thống WHR giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiêu thụ điện, bên cạnh góp phần rất lớn cho bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh”, ông Cung đánh giá.

Nhà máy xi măng Tân Thắng có trụ sở tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là một trong số ít nhà máy tại Việt Nam có khả năng sản xuất các dòng xi măng đặc biệt như xi măng siêu dẻo và xi măng bền sunfate. Ngay từ khi thành lập, Xi măng Tân Thắng đã xác định mục tiêu trở thành thương hiệu xi măng hàng đầu Việt Nam về chất lượng và dịch vụ, với mục tiêu “Tạo khác biệt, dựng niềm tin”.

Trên hành trình phát triển bền vững, Tân Thắng tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải.

Nhà máy sử dụng hệ thống lọc bụi kết hợp giữa lọc bụi túi và lọc bụi tĩnh điện, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của EU và G7.

Dự án không chỉ góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cam kết đưa phát thải ròng về "0" (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Công nghệ thu hồi nhiệt phát điện được kỳ vọng sẽ tạo nên mô hình sản xuất tiêu biểu, có thể nhân rộng trong ngành xi măng, một trong những ngành tiêu thụ năng lượng và phát thải lớn tại Việt Nam.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế và môi trường, quá trình xây dựng và vận hành hệ thống WHR còn tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đây là hình mẫu cho các doanh nghiệp xi măng trong việc gắn kết phát triển kinh tế – bảo vệ môi trường – nâng cao đời sống cộng đồng.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/xi-mang-tan-thang-tiet-kiem-hang-chuc-ty-dong-moi-nam-nho-dien-khi-thai-d40302.html