TTK ASEAN đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ứng phó Covid-19

Ông Lim Jock Hoi khẳng định, Việt Nam đã thể hiện 'tầm lãnh đạo mạnh mẽ' trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19.

Sau hai Hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19, Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ứng phó Covid-19 và cho rằng hai hội nghị này minh chứng cho tình đoàn kết trong ASEAN và với 3 nước đối tác láng giềng trong khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ứng phó Covid-19.

Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ứng phó Covid-19.

Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã diễn ra tốt đẹp. Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi cho rằng đây là cơ hội để ASEAN tăng cường mối quan hệ hợp tác ASEAN với 3 nước đối tác để cùng nhau ứng phó với Covid-19.

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh: “Đây là một minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết và tầm lãnh đạo của ASEAN. Đây cũng là cơ hội cơ hội để ASEAN tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối tác ASEAN+3 nhằm cùng nhau ứng phó với Covid-19. Đại dịch đã chỉ ra rằng virus không phân biệt lãnh thổ. Chúng ta cần hợp tác với nhau để đưa ra phản ứng thống nhất trước Covid-19. Một phản ứng tập thể sẽ bổ sung và củng cố cho các phản ứng của cấp quốc gia và địa phương”.

Tổng Thư ký ASEAN cũng cho rằng, ngành y tế là một trong những lĩnh vực đầu tiên cần được ASEAN cụ thể hóa hành động bằng nỗ lực của tập thể. Để giảm thiểu tác động của đại dịch, cần có cách tiếp cận theo hướng huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và hệ thống y tế cùng một phản ứng khu vực mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động của đại dịch.

Về mặt kinh tế, ASEAN đã tái khẳng định các cam kết nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và thanh khoản; đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất và phân phối, nhất là các vật tư thiết yếu như vật tư y tế, thực phẩm và nông sản; giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và cá nhân dễ bị tổn thương, các ngành bị ảnh hưởng, cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Theo Tổng Thư ký ASEAN, hai hội nghị cấp cao đặc biệt này đã tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Việc phục hồi đại dịch cần có sự kết hợp giữa ngành công nghiệp, khu vực tư nhân và các tác nhân khác. Các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác cần tăng cường chia sẻ thông tin và kiến thức không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà còn trong xây dựng chính sách liên quan đến an sinh xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Đánh giá vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung chống dịch bệnh, Tổng Thư ký ASEAN khẳng định: “Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. Chủ đề “Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2 và thông qua hai Hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức trong ngày 14/4. Những phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn là do sự lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác”.

Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi cũng cho rằng việc Việt Nam tổ chức các hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 theo hình thức trực tuyến là một thành tựu theo đúng nghĩa của nó cho thấy, chúng ta có thể vượt qua những thách thức của COVID-19 nếu các quốc gia thành viên trong khu vực làm việc cùng nhau trong sự thống nhất và kiên cường./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ttk-asean-danh-gia-cao-vai-tro-cua-viet-nam-trong-ung-pho-covid19-1037618.vov