TTXVN - Nguồn tin chính thống, dòng tin chủ lực

Trong suốt chặng đường 79 năm đồng hành cùng đất nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã ghi lại những dấu ấn và những trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; trở thành tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại với đủ các loại hình thông tin.

Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: VNTTX

Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: VNTTX

Trong suốt chặng đường 79 năm đồng hành cùng đất nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã ghi lại những dấu ấn và những trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; trở thành tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại với đủ các loại hình thông tin, một hãng thông tấn uy tín trong khu vực và quốc tế; cung cấp kịp thời thông tin chính thống cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước, đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền đối nội, đối ngoại; xứng đáng là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Không chỉ ghi lại lịch sử mà còn góp phần làm nên lịch sử

Ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) - tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - đã phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua bản tin tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là sự kiện chính thức đánh dấu sự ra đời của cơ quan thông tấn của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, ngày 15/9 trở thành ngày truyền thống của TTXVN.

Trong suốt chiều dài lịch sử 79 năm, TTXVN luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên những chiến thắng lịch sử. Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sĩ. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, mà họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy.

Ngày 19/12/1946, VNTTX (nay là TTXVN) phát đi toàn quốc và thế giới tin thực dân Pháp bội ước, gây lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với số ít cán bộ thông tấn vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng phát triển và bảo đảm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. VNTTX đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ với 21 lần di chuyển địa điểm để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, hàng chục lần phá vòng vây giặc đánh vào căn cứ, vừa chiến đấu để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển máy móc thiết bị, bảo đảm thông tin phục vụ tin tức cho Ðảng và Bác Hồ. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, trong đó có đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin, người phụ trách đầu tiên và cũng là người đầu tiên của VNTTX hy sinh (năm 1947).

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam và cũng là sự kiện đánh dấu một sự thay đổi về chất trong việc truyền phát tin của VNTTX với những máy thu, phát tin lưu động được trang bị cho các tổ phóng viên có mặt trên chiến trường. Thông tin về sự kiện tướng Pháp De Castries cùng toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống được VNTTX phát đi trong các ngày 7, 8 và 9/5/1954 đã gây chấn động dư luận trong nước và thế giới.

Sau năm 1954, VNTTX bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với việc đưa tin, ảnh về công cuộc khôi phục và xây dựng CNXH ở miền Bắc, VNTTX còn đảm trách việc đưa tin về cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chống Mỹ-ngụy. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, VNTTX vừa tổ chức lực lượng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cơ sở, vừa chuẩn bị cơ sở dự phòng, tăng cường trang thiết bị, từng bước lên chính quy; đồng thời mở rộng thông tin đối nội và đối ngoại.

Đầu năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn đồng khởi. Cùng với nhiệm vụ thu, phát tin, VNTTX đã tiến hành chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ để thành lập một cơ quan thông tin chính thức của cách mạng miền Nam. Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) - cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - đã ra đời.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc, VNTTX đã không bỏ sót một sự kiện trong nước và quốc tế quan trọng nào, kể cả khi ác liệt nhất. Phóng viên của VNTTX đã xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất để ghi lại những hình ảnh chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta.

VNTTX còn chi viện cho chiến trường miền Nam trên 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Không một chiến trường, không một hướng tiến công, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của VNTTX. Nhiều tấm ảnh, bản tin của VNTTX đã trở thành những nhân chứng lịch sử.

Liệt sĩ - nhà báo Lương Nghĩa Dũng, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: VNTTX

Liệt sĩ - nhà báo Lương Nghĩa Dũng, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: VNTTX

Tại chiến trường miền Nam, cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXGP đã bám trụ kiên cường trên những địa bàn vô cùng khốc liệt, bám trụ cùng với nhân dân ở những vùng còn bị kìm kẹp, kịp thời đưa tin, ảnh về các phong trào đấu tranh, góp phần cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước đấu tranh chống Mỹ xâm lược. TTXGP còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam, phục vụ đắc lực công việc đàm phán, đồng thời tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế, cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975.

Trong ngày 30/4/1975, VNTTX vinh dự, tự hào phát đi những dòng tin, bức ảnh lịch sử về thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, non sông về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng CNXH trên cả nước.

Góp phần vào những thắng lợi đó, gần 260 nhà báo, kỹ thuật viên của ngành đã ngã xuống trong tư thế của người chiến sỹ, nhiều người để lại một phần thân thể ở chiến trường và không ít người mang trong mình bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hóa học. Ðó là sự hy sinh to lớn nhưng cũng là niềm tự hào vì sự đóng góp của TTXVN cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành hãng thông tấn quốc gia với tên gọi TTXVN, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nỗ lực không ngừng để dòng tin chảy mãi

Phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Nghệ An Nguyễn Văn Tý ghi hình lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tháng 10/2022. Ảnh: TTXVN

Phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Nghệ An Nguyễn Văn Tý ghi hình lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tháng 10/2022. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, TTXVN là “Cơ quan Thông tấn Quốc gia - cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; Công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự; chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia; phản bác, cải chính những thông tin sai lệch; khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc” (1).

TTXVN hiện là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo truyền hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ 958 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.000 cán bộ, công nhân viên toàn ngành). Với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Đây là một ưu thế riêng có và cũng là trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho TTXVN.

Trong gần 40 năm cùng đất nước thực hiện sự nghiệp đổi mới, TTXVN luôn giữ vị trí tiền tiêu, xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng, kịp thời tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm đổi mới kinh tế đất nước, cổ vũ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những thành tựu to lớn đạt được của công cuộc đổi mới đất nước. Bằng những sản phẩm thông tin của mình, TTXVN đã đóng góp hiệu quả vào việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị - xã hội. TTXVN trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, mặt trận thông tin, truyền thông.

Những năm gần đây, hàng loạt các sự kiện "nóng" của Việt Nam và thế giới, từ các thông tin chính trị - xã hội nổi bật như thông tin đại dịch COVID-19, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng… cho đến các sự kiện thể thao khu vực và thế giới, đều được TTXVN thông tin một cách toàn diện, đầy đủ, đa chiều và chính xác, giúp dư luận hiểu rõ và hiểu đúng về mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam cũng như thế giới.

Thông tin của TTXVN được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, giới báo chí, người dân đánh giá là chuyên sâu và bám sát cuộc sống, phản ánh nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng.

TTXVN còn là kho tư liệu ảnh quốc gia lớn nhất với một triệu kiểu phim tư liệu có giá trị, trong đó có hàng vạn kiểu phim gốc về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, hơn 5.000 kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Cùng với đó, trong chặng đường phát triển, TTXVN luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực. Thông tin đối ngoại không ngừng được cải tiến về hình thức và ngôn ngữ thể hiện. Bản tin nguồn phát ra thế giới bằng 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung, Pháp, Tây Ban Nha và Nga), góp phần mang tiếng nói chính thức của Việt Nam đến với đông đảo công chúng khắp thế giới, nâng cao vị thế của đất nước. TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA) và một số tổ chức báo chí khu vực, quốc tế khác. Đó là sự khẳng định vị thế không ngừng lớn mạnh của TTXVN tại các diễn đàn báo chí khu vực và thế giới.

Để có được những thành tựu trên, “những người làm báo Thông tấn luôn nêu cao bản lĩnh, trí tuệ của những chiến sĩ trên mặt trận thông tin truyền thông. Ở nơi đầu nguồn tin tức, dù trước mặt là hiểm nguy của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh hay trong vùng chiến sự nóng bỏng, nơi hải đảo, biên viễn xa xôi, các phóng viên Thông tấn không quản ngại hiểm nguy, truyền đi những dòng tin, hình ảnh nóng hổi tính thời sự. Những tác phẩm thể hiện sự dấn thân, bản lĩnh của các phóng viên, biên tập viên TTXVN luôn được xướng tên ở những hạng mục cao nhất trong các giải báo chí quy mô quốc gia và cả những cuộc thi mang tầm khu vực... Đội ngũ những người làm báo Thông tấn luôn tuân thủ phương châm nghề nghiệp: mỗi dòng tin, hình ảnh được phát đi là nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị cao cả: xây dựng Đảng, bảo vệ hệ thống chính trị, vì lợi ích của nhân dân”. (2)

Hòa nhập mạnh mẽ xu thế chuyển đổi số

Với hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp tại 63 tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Đây là một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào ở nước ta có được. Trong ảnh: Nhà báo Đỗ Quyên, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Jakarta (Indonesia), tác nghiệp tại trụ sở Ban thư ký ASEAN (năm 2016). Ảnh: TTXVN

Với hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp tại 63 tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Đây là một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào ở nước ta có được. Trong ảnh: Nhà báo Đỗ Quyên, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Jakarta (Indonesia), tác nghiệp tại trụ sở Ban thư ký ASEAN (năm 2016). Ảnh: TTXVN

Với chức năng của Hãng Thông tấn Quốc gia - bất chấp việc sự xuất hiện ngày càng nhiều các nguồn thông tin đa dạng với nhiều thể loại đặc biệt trên môi trường không gian mạng - TTXVN vẫn luôn giữ vững vai trò là nguồn cung cấp thông tin chính thức, chính thống, tin cậy, kịp thời, phong phú… cho các cơ quan báo chí khác cũng như cho toàn bộ người dân trong và ngoài nước.

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số, sự ra đời và cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông dẫn đến nhu cầu sử dụng thông tin của các cơ quan báo chí cũng như cách tiếp nhận thông tin của công chúng đã có nhiều thay đổi. Điều này đã thúc đẩy và làm thay đổi sâu sắc cả về nội dung, hình thức thể hiện, phương thức truyền tải thông tin của TTXVN.

TTXVN đã sớm hình thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện với nhiều loại hình thông tin, đăng phát trên các nền tảng. Với sự nhanh nhạy và tập trung đầu tư về nhân lực và kỹ thuật, đến nay, TTXVN đã phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Hệ thống xử lý thông tin đã chuyển sang mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường kết nối giữa các sản phẩm thông tin.

Liên kết nội dung và quảng bá chéo đã mở rộng độ bao phủ và hiệu quả tuyên truyền của thông tin thông tấn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đăng tải thông tin trên mạng xã hội đã giúp thông tin chính thống của TTXVN nhanh chóng lấn át được các luồng thông tin trái chiều, xấu độc trên mạng xã hội, bởi công chúng không chỉ sử dụng thông tin mà họ cũng chính là một kênh hữu hiệu lan tỏa thông tin của TTXVN.

TTXVN cũng đã phát triển kênh phân phối nội dung bằng việc đưa thông tin của TTXVN lên các bảng điện tử tại nhiều địa điểm công cộng, mang thông tin đến gần hơn với bạn đọc, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận nguồn tin chuẩn xác, kịp thời định hướng tư tưởng công chúng đối với các vấn đề “nóng” của xã hội.

Cùng với đó, việc kiên trì số hóa thông tin tư liệu nhiều năm qua cũng đã giúp TTXVN dần hình thành các cơ sở dữ liệu số. Đây chính là nền tảng để TTXVN thử nghiệm và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tạo giá trị gia tăng cho các loại hình báo chí.

Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ, các sản phẩm thông tin kết hợp nhiều loại hình của TTXVN ngày càng thu hút độc giả bởi tính tổng hợp vấn đề cao, những bài phân tích, bình luận chuyên sâu, tích hợp nhiều hình ảnh phản ánh sinh động các chủ đề thông tin... Sự kết hợp công phu giữa thông tin dữ liệu và thông tin thời sự đã mang lại chiều sâu thông tin và tăng độ hấp dẫn đối với bạn đọc.

Với những thay đổi tích cực cả về nội dung và hình thức thể hiện, thông tin của TTXVN giữ vững vị trí là nguồn tin chính thống, tin cậy được báo chí trong và ngoài nước khai thác, đăng tải rộng rãi, qua đó nâng cao vai trò thông tin chủ lực của TTXN trong hệ thống truyền thông quốc gia.
--------------------------------------------------
(1) Nghị định 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam
(2) Trích Bài phát biểu của Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2023)

Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nguon-tin-chinh-thong-dong-tin-chu-luc-20240913221454658.htm