Từ 1/10, chủ phương tiện phải chuyển đổi sang tài khoản giao thông
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, về lộ trình triển khai, từ ngày 1/10/2024 đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực hiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông (TKGT) kết nối phương tiện thanh toán.
Chiều 30/9, tại Hà Nội, Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí Viettimes tổ chức Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông".
Xây dựng quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ
Theo ông Tô Nam Toàn, tại Luật Đường bộ quy định riêng một Điều về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (Điều 43). Cụ thể, gồm thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Ông Toàn cho hay, từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. NCC dịch vụ thanh toán GTĐB và NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua TKGT. Từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống CSDL thanh toán điện tử GTĐB.
Để triển khai Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã gấp rút xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (GTĐB) gồm 6 chương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.
Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, theo ông Toàn, Bộ GTVT sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) thanh toán điện tử GTĐB để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ quản lý.
Đối với lĩnh vực Bộ GTVT quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay; đối với CSDL thanh toán điện tử GTĐB sẽ bao gồm: Thông tin TKGT và thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB.
Trong đó, thông tin tài khoản giao thông gồm: Số TKGT, ngày mở TKGT; thông tin chủ TKGT có thể là cá nhân hoặc tổ chức; thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối; thông tin thẻ đầu cuối; thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo nghị định, nhà cung cấp (NCC) dịch vụ thanh toán điện tử giao thông sẽ gồm: NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ làm nhiệm vụ phát hành thẻ đầu cuối, mở TKGT, kết nối, xác định chi phí và thực hiện thanh toán đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc.
Trong đó, NCC dịch vụ thanh toán GTĐB có nhiệm vụ kết nối tài khoản giao thông, kết nối, xác định chi phí, thực hiện thanh toán về phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện như: Giá dịch vụ trông đỗ xe, lệ phí đăng kiểm…
NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có nhiệm vụ mở TKGT cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. TKGT phải được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử GTĐB.
Mỗi TKGT có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một TKGT. Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với TKGT khi thực hiện thanh toán điện tử GTĐB…
Hoàn thành khuôn khổ pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Anh - Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước đã thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và thanh toán trực tuyến, phi tiếp xúc. Hành vi tiêu dùng, nhu cầu khách hàng thay đổi mạnh mẽ, yêu cầu và kỳ vọng cao hơn…
Về hạ tầng kỹ thuật thanh toán không dùng tiền mặt, hiện Việt Nam đã có hệ thống thanh toán liên ngân hàng như IBPS, Napas… ; có khoảng 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, có 21 nghìn ATM, có 678 nghìn POS; 52 Ngân hàng sử dụng Mobile Banking.
Nhờ hệ thống ngân hàng rộng khắp, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt bình quân hơn 820 nghìn tỷ đồng/ngày; khối lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, bình quân xử lý 23 - 25 triệu giao dịch/ngày.
Nêu giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Anh cho hay, sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng; xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).
Về phát triển hạ tầng, sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…/.
Theo ông Nguyễn Trung Anh, về phát triển dịch dịch vụ, sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, Ví điện tử… Bên cạnh đó, khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với Fintech; phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công; thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa.