Từ ân tình vươn tới tầm cao
Nhìn lại hành trình phát triển của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) từ những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1997), không thể không nhắc đến nghĩa tình sâu đậm từ những người đồng nghiệp Bình Dương. Họ là những người đã tặng món quà ân tình vô giá, giúp phát sóng trọn vẹn những chương trình đầu tiên trên vùng đất mới.
Từ buổi đầu gian nan…
Sau ngày chia tách tỉnh Sông Bé (năm 1997), Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Phước chính thức đi vào hoạt động trong muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị kỹ thuật lạc hậu, đội ngũ còn non trẻ... mọi thứ đều bắt đầu gần như từ con số 0. Trong bối cảnh ấy, để một chương trình truyền hình lên sóng phục vụ người dân là cả một hành trình gian nan, thậm chí mạo hiểm.
Giai đoạn 1997-2008, tín hiệu phát sóng là analog, vì vậy muốn phủ sóng truyền hình đến người dân, bắt buộc phải phát từ nơi có độ cao. Khi ấy, trung tâm phát tín hiệu được đặt trên đỉnh núi Bà Rá, một ngọn núi cao khoảng 736m so với mực nước biển. Và cũng từ đó, câu chuyện “cõng sóng” lên đỉnh núi mỗi ngày bắt đầu.
Hằng ngày, sau khi dựng xong chương trình tại trụ sở đài, anh em kỹ thuật lại tất tả gửi băng ghi hình lên núi. Có khi là thuê xe ôm, có lúc gửi nhờ xe khách, rồi lại có người phải tiếp tục “cõng” băng từ chân núi lên đến trung tâm phát sóng. Những cuốn băng tuy nhẹ nhưng là cả một quy trình chứa đầy quyết tâm.
Anh Nguyễn Văn Thảo, nguyên Phó Trưởng phòng Chương trình, Đài PT-TH Bình Phước nhớ lại: “Có lần trong lúc đóng gói anh em vô tình để một cái băng từ rớt ra ngoài mà không biết. Khi gói băng được chuyển lên đỉnh núi, anh em trên đó mới phát hiện thiếu 1 cái, mà cái băng đó lại phát sóng đầu tiên của chương trình. Lúc đó, có một em nhân viên tình nguyện chạy xe máy từ trụ sở lên đồi bằng lăng, rồi leo bậc tam cấp lên tới đỉnh trong điều kiện thời tiết dông bão để kịp phát sóng. Có thể nói rằng, thời gian đầu để phát sóng được một chương trình truyền hình rất gian nan và khổ cực”.
Là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đài PT-TH Bình Phước, ông Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập BPTV nhớ lại những ngày tháng gian nan ấy: “Trước khi được Đài PT-TH Bình Dương trao tặng trụ ăng-ten, để phát sóng thì đều phải gửi băng từ cho xe đò lên chân núi Bà Rá. Nhiều lúc xe đò quên giao băng thì anh em phải thuê xe ôm đuổi theo để lấy và quay trở lại leo lên đỉnh núi. Lúc sắp đến giờ phát sóng, anh em chỉ biết chạy làm sao cho kịp mà không có thời gian để nghỉ”.
Bên cạnh công việc chuyên môn, cuộc sống sinh hoạt và trực phát sóng của cán bộ, kỹ sư làm nhiệm vụ trên đỉnh núi Bà Rá cũng đầy vất vả, hiểm nguy. Mỗi ca trực thường có 2 người, kéo dài liên tục trong 2 ngày, 2 đêm. Mỗi lần lên núi, ngoài thiết bị kỹ thuật, băng từ, anh em còn phải gùi theo quần áo, lương thực, thực phẩm và nước để đảm bảo sinh hoạt. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, sấm sét thường xuyên xảy ra, cây cối đổ ngã, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Anh Huỳnh Ngọc Quốc, nguyên Phó Đài tiếp vận PT-TH Bà Rá chia sẻ: “Lên đỉnh Bà Rá khi ấy không phải chuyện đơn giản. Trời nắng còn đỡ, chứ gặp mưa bão là vất vả lắm. Có lần anh em đang trực thì sét đánh gần khu trạm, cả đội phải cắt điện khẩn cấp và trú tạm trong lán. Nhưng quen rồi, ai cũng xác định công việc đặc thù nên luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
Món quà nghĩa tình
Lúc ấy, dù lãnh đạo tỉnh rất quan tâm nhưng nguồn lực quá eo hẹp khiến việc đầu tư một trụ ăng-ten đủ độ cao là bài toán khó. Trong tình thế ấy, sự giúp đỡ chí tình của người “anh em song sinh” tỉnh Bình Dương đã làm nên một bước ngoặt quan trọng. Năm 2005, khi Đài PT-TH Bình Dương đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trụ ăng-ten mới cao 252m, họ đã quyết định trao tặng lại trụ ăng-ten cũ cao 118m cho Bình Phước. Đây không chỉ là một thiết bị kỹ thuật mà còn là món quà ân tình lớn lao, giúp Đài PT-TH Bình Phước gỡ được nút thắt khó khăn nhất trong hành trình phát sóng.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Thỏa (bìa phải) và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Hiệp (bìa trái) ký kết bàn giao trụ ăng-ten cho Đài PT-TH Bình Phước
Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Tháp ăng-ten cao 118m, trị giá khoảng 3 tỷ đồng, một con số rất lớn vào thời điểm đó. Nhưng Bình Dương đã đồng ý hỗ trợ ngay khi đề xuất được đưa ra, không chút đắn đo. Đó là một món quà rất ý nghĩa và thắm tình Sông Bé, Bình Dương - Bình Phước”.
Về phía Bình Dương, ông Nguyễn Đức Trường, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương xúc động nhớ lại: “Khi Đài PT-TH Bình Dương đầu tư trụ ăng-ten mới, chúng tôi nghĩ ngay đến việc trao lại trụ cũ cho Bình Phước, không đơn thuần là chuyển giao một thiết bị kỹ thuật, mà là gửi gắm tình cảm, tấm lòng. Chúng tôi hiểu rằng anh em Bình Phước lúc đó đang rất cần một hạ tầng phát sóng ổn định để phục vụ bà con, để giữ mạch thông tin thông suốt trong thời kỳ đầu tái lập tỉnh. Việc trao tặng trụ ăng-ten cao 118m ấy, với chúng tôi, không chỉ là trách nhiệm mà còn xuất phát từ tình cảm chân thành, từ sự gắn bó keo sơn giữa 2 địa phương từng chung một mái nhà. Đó là nghĩa tình, là sự tiếp sức để cùng nhau vượt khó và phát triển”.

Nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước Phan Minh Hoàng (bìa trái) nhận bàn giao cây ăngten từ nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương Nguyễn Đức Trường
Những tháng ngày lắp dựng trụ ăng-ten tại trụ sở Đài PT-TH Bình Phước đã để lại nhiều cảm xúc khó tả cho toàn thể anh em trong cơ quan. Từ cán bộ lãnh đạo đến kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên… ai cũng cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Từ đây, chương trình PT-TH của tỉnh đã được phát sóng ổn định, liên tục, không còn nỗi lo “trễ sóng”, “mất băng”.
Ông Phan Văn Thảo chia sẻ: “Chúng tôi mừng lắm, vì từ lúc đó anh em không còn phải “cõng băng”, chạy đua với thời gian mỗi chiều nữa. Chương trình PT-TH của tỉnh được lan tỏa đúng lúc, đúng giờ đến bà con mọi miền. Đây là niềm vinh dự và tự hào của cán bộ, nhân viên Đài PT-TH Bình Phước lúc đó”.
…đến trưởng thành
Từ mốc son ấy, Đài PT-TH Bình Phước tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh. Hệ thống dàn dựng PT-TH phi tuyến nối mạng được trang bị. Máy phát thanh 10kW, máy phát hình 10kW kênh 25 UHF được đưa vào hoạt động. Cùng với đó là máy phát điện dự phòng 550kVA, cải tạo máy phát hình 10kW do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tặng...

Tháp ăng-ten cao 118m tại trụ sở BPTV là biểu tượng của nghĩa tình, sự đồng hành, tương trợ giữa 2 tỉnh Bình Dương - Bình Phước
Cùng với xu thế phát triển của xã hội, Đài PT-TH Bình Phước không ngừng phát triển lớn mạnh. Năm 2019, Đài PT-TH Bình Phước hợp nhất với Báo Bình Phước, trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, hiện đại. Hiện nay, BPTV có 1 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình, 1 tờ báo in phát hành 5 kỳ/tuần và tờ tin ảnh dân tộc phát hành 2 kỳ/tháng. Ngoài ra, các thông tin còn được phát trên các hạ tầng số: YouTube, Facebook, Tiktok… Đặc biệt, BPTV cũng là đơn vị duy nhất trong khu vực Đông Nam Bộ có chương trình PT-TH bằng tiếng S’tiêng và tiếng Khmer.
Nhưng với những người làm báo Bình Phước, dù đã có nhiều đổi thay, hiện đại hơn rất nhiều, thì ký ức những ngày gian khó buổi đầu vẫn chưa bao giờ phai mờ. Nhất là mỗi lần ngẩng nhìn tháp ăng-ten cao vút trong khuôn viên BPTV, ai cũng nhớ đến “tầm cao nghĩa tình” ấy, tấm lòng chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp Bình Dương năm nào.
Không chỉ là một thiết bị kỹ thuật, trụ ăng-ten cao 118m còn là biểu tượng sinh động của sự đồng hành, gắn kết giữa 2 tỉnh. Công trình đã truyền cảm hứng, tiếp sức cho thế hệ những người làm báo hôm nay và mai sau, những người đang ngày đêm giữ vững tiếng nói, hình ảnh và tâm hồn của vùng đất Bình Phước nghĩa tình, kiên cường. Đây cũng chính là tiền đề, nền tảng để BPTV vững bước hội nhập, vươn mình bước vào kỷ nguyên mới và thích ứng linh hoạt trong giai đoạn phát triển mới.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/172713/tu-an-tinh-vuon-toi-tam-cao