Từ 'Bãi Cát' đến Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế
Mảnh đất Sa Pa những ngày đầu tiên chỉ là bãi cát rộng mà cư dân các dân tộc bản địa thường quây quần họp chợ, nên tên gọi Sa Pa còn có nghĩa là 'Bãi Cát'. Từ vùng núi non hoang sơ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Sa Pa được người Pháp phát hiện và thành lập một trạm nghỉ dưỡng. Trải qua 120 năm với bao thăng trầm của lịch sử, Sa Pa đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành khu du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, thu hút hàng triệu khách du lịch tới tham quan mỗi năm.
Nhắc tới Sa Pa không thể không kể tới sự hình thành ngọn núi Fansipan huyền thoại – “Nóc nhà Đông Dương”, gắn với truyền thuyết “3 anh em hóa rồng”.
Chuyện kể rằng: “Một ngày nọ, trên thảo nguyên mênh mang, xanh ngát, đẹp như bức tranh thủy mặc, từng tảng mây trắng bồng bềnh cuộn trôi nhẹ nhàng, phút chốc xuất hiện 3 chú rồng vàng rực rỡ đẹp lạ thường. 3 chú rồng uốn tấm thân dài quấn quýt nhào lộn, lượn bay kỳ ảo và hiện hình thành 3 chàng trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Từ trên trời cao trong xanh, chàng cả vén mây ngó nhìn thảm hoa dưới mặt đất và ngoái đầu vẫy gọi rồi sà mình bay xuống, hai em thấy vậy cũng vẫy đôi chân và tung thân lao theo.
Cả 3 anh em mải mê vui đùa với muông thú cỏ cây, hoa lá, bỗng nhiên trời tối sầm, những vòng lửa vần vũ trong không trung, những vệt sáng vun vút bay qua bay lại, bỗng có tiếng nổ kinh hoàng, 3 anh em hoảng loạn, vội vã hối thúc và kéo nhau cùng chạy.
Núi lửa ầm ầm phun trào, cơn đại hồng thủy tràn tới nhấn chìm tất cả. 3 anh em nhà Rồng đã hóa thân, tạc vào thiên nhiên kỳ vĩ. Người anh cả hóa thành đỉnh núi cao nhất - Fansipan, người anh thứ hai cũng hóa núi, người em út hóa thành núi Hàm Rồng, mặt luôn hướng về phía 2 người anh như vẫn còn muốn vẫy gọi đợi em. Sự hình thành đỉnh núi Fansipan trên cao nguyên Lồ Suối Tủng đã đi vào huyền thoại như thế.
Mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương sau nhiều ngày khảo sát đã phát hiện cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn đã đặt tên cao trạm khu vực là Sa Pa. Đây được coi là mốc hình thành khu du lịch Sa Pa (trước đây người dân địa phương vẫn gọi khu vực này là Sa Pả, nghĩa là “bãi cát” nhưng do người phương Tây phát âm không có dấu nên gọi là Sa Pa).
Với phát hiện ấy, địa danh này đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về địa lý, khí hậu Pháp, đồng thời tiếp tục cử các đoàn công tác đến khảo sát kỹ lưỡng về cao nguyên Lồ Suối Tủng. Đến năm 1905, người Pháp đã hoàn thiện bản vẽ về cao nguyên Lồ Suối Tủng và xác định đỉnh Fansipan cao 3.143 m. Những kết quả nghiên cứu ban đầu mặc dù mới chỉ dừng lại ở cấp độ nhỏ, báo cáo chưa đầy đủ nhưng với khí hậu mát mẻ và vẻ đẹp của thiên nhiên, vùng đất này đã bắt đầu thu hút nhiều người biết tới như một điểm nghỉ dưỡng tiềm năng.
Dần dần, người ta truyền bá nhau về một trạm dừng chân nghỉ dưỡng lý tưởng, với cảnh quan hùng vỹ, khí hậu mát mẻ vào mùa hè. Tuy nhiên, trong suốt thập niên sau đó, người Pháp chưa quá quan tâm đến Sa Pa, họ đang đặt mục tiêu đến Vân Nam (Trung Quốc). Vì vậy, Sa Pa chỉ dừng lại ở hình hài một trạm nghỉ dưỡng nhỏ trên vùng núi Hoàng Liên.
Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa. Năm 1918, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Đồng thời nhà máy thủy điện đầu tiên ở Sa Pa và đập ngăn nước thác Cát Cát do người Pháp xây dựng cũng hoàn thành năm 1925.
Tới năm 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, tòa chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng sa mu. Điều này làm cho Sa Pa mang nhiều dáng dấp của một thị trấn châu Âu xinh đẹp…
Đặc biệt, hệ thống nhà nghỉ dân sự phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đã được đầu tư khá mạnh, đặt nền móng cho khu nghỉ dưỡng núi Sa Pa dành cho du khách. Đầu tiên phải kể đến khách sạn Chapa được ông Miveille xây dựng trên phần đất thuộc trang trại của ông được cấp bởi Công sứ Lào Cai – ông Toures. Năm 1924, khách sạn Chapa của Míeville được chuyển nhượng cho người chủ mới là M. Jourlin, ông này đã đổi tên thành Hôtel du Domaine de Chapa. Mặc dù khách sạn Chapa sau đó đã được nâng cấp chút ít nhưng về cơ bản, chưa vượt khỏi quy mô một dãy nhà nghỉ thông thường. Nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách ngày càng tăng, trong khi ông Jourlin không xin được kinh phí để nâng cấp khách sạn. Do đó, ông Jourlin đã bán lại khách sạn này cho ông Fouyer. Từ năm 1927 đến năm 1930, ông Fouyer đã nhận được các khoản trợ cấp từ ngân sách địa phương và ngân sách của chính quyền Đông Dương để nâng cấp và mở rộng khách sạn Hôtel du Domaine de Chapa.
Nhu cầu nghỉ dưỡng của khách dân sự ngày càng tăng cao đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng hệ thống khách sạn tư nhân tại Sa Pa. Năm 1929, nhà kinh doanh khách sạn Pháp - ông Michel đã xây dựng một khách sạn hạng sang đầu tiên tại Sa Pa có quy mô lên tới 50 phòng với các trang thiết bị hiện đại có tên gọi là L’hotel Metropole, thuộc Tập đoàn khách sạn Metropole có trụ sở tại Hà Nội. Năm 1937, nhà đầu tư người Việt là Nguyễn Văn Kỳ đã nâng cấp một khách sạn nhỏ được xây dựng từ năm 1924 trở thành khách sạn lớn, có quy mô 32 phòng. Cũng trong năm này, khách sạn Trung tâm với quy mô 20 phòng do Jean Ernst Chaperon làm chủ sở hữu được đưa vào sử dụng.
Những năm đầu thập niên 30 thuộc thế kỷ XX, ở Sa Pa, bắt đầu xuất hiện các nhà nghỉ dưỡng do các tổ chức hoặc công ty đầu tư xây dựng dành cho công chức, như Tập đoàn Than Hồng Gai, Nhà máy Xi măng Porland Hải Phòng. Ngoài ra, ở Sa Pa thời kỳ này còn có rất nhiều tòa nhà, biệt thự của công chức, thương gia giàu có tự bỏ tiền ra xây dựng. Hệ thống biệt thự này cũng góp phần mở rộng thị trấn Sa Pa. Tính đến năm 1943, Sa Pa đã có khoảng 200 biệt thự do người Pháp xây dựng, trong đó biệt thự của Magne có quy mô lớn và trang bị hiện đại. Du lịch Sa Pa phát triển rực rỡ so với các điểm nghỉ dưỡng khác trên toàn xứ Đông Dương.
Thế nhưng, chặng đường phát triển rực rỡ của du lịch Sa Pa bị gián đoạn. Từ tháng 3/1945 đến tháng 3/1951, Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung trải qua thời kỳ chiến tranh liên miên, các hoạt động du lịch ở Sa Pa bị ngừng lại, thậm chí cơ sở vật chất phục vụ du lịch bị hủy hoại. Tháng 4/1951, người Pháp rút khỏi Sa Pa, sau đó họ đã cho máy bay rải bom và phá hủy hầu hết công trình đã được xây dựng trước đó. Khu nghỉ dưỡng Sa Pa trở về hình hài gần 50 năm trước.
Từ thập niên 1950 đến năm cuối những năm 80, Sa Pa cùng với Lào Cai trải qua 3 cuộc chiến tranh và những thăng trầm của đất nước. Khu nghỉ dưỡng Sa Pa đã bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai tưởng chừng như không bao giờ khôi phục được.
Vào khoảng năm 2004, một số khách sạn ở Sa Pa, như Violet, Royal, Vitoria... được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Các dịch vụ du lịch của Sa Pa được du khách nước ngoài đánh giá cao.
Nhắc đến Sa Pa, không chỉ có đỉnh Fansipan huyền thoại mà còn có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, như thác Bạc, cầu Mây, cổng trời Ô Quy Hồ, rừng trúc, động Tả Phìn; bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa...
Tự hào với miền đất linh thiêng, huyền thoại, cộng đồng các tộc Sa Pa luôn đoàn kết, vươn lên bằng tinh thần làm chủ, những dấu ấn văn hóa được xác lập vững chắc, tạo sự đa dạng trong sắc màu cuộc sống thường ngày của người dân. Sa Pa hôm nay đã có nhiều đổi thay, đã và đang tự hào là điểm đến được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu mến.
Năm 2017, thị xã Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Sa Pa. Năm 2018, Bộ Xây dựng công nhận khu vực thị trấn Sa Pa mở rộng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đạt tiêu chí đô thị loại IV. Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử dành cho sự phát triển của Sa Pa và là cơ hội mở ra để xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu du lịch quốc gia, vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Với lợi thế điều kiện tự nhiên, cảnh quan, khí hậu và nét đặc sắc, đa dạng của văn hóa các dân tộc ít người, Sa Pa có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch toàn diện và bền vững với các loại hình du lịch đặc trưng, như tham quan, nghỉ dưỡng gắn với du lịch cộng đồng; khám phá, mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Hiện nay, thị xã Sa Pa có 13 điểm du lịch được công nhận, các điểm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm trong thung lũng Mường Hoa; vùng danh thắng ruộng bậc thang; các tuyến du lịch cộng đồng gắn với truyền thống văn hóa dân tộc… Trong đó, địa điểm du lịch đặc sắc là Quần thể khu du lịch Cáp treo Fansipan, với các hoạt động vui chơi, giải trí, ngắm cảnh đặc sắc, khai thác sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Các điểm du lịch tâm linh được công nhận là di sản văn hóa, gồm đền Mẫu Sơn, đền Mẫu Thượng và đền Hàng Phố; các điểm du lịch được công nhận là di tích cấp Quốc gia, như Khu di tích chạm khắc đá cổ Sa Pa, khu danh thắng ruộng bậc thang... Ngoài ra, du lịch cộng đồng phát triển mạnh mang đặc trưng riêng gắn với 5 dân tộc (tiêu biểu như du lịch cộng đồng tại xã Mường Hoa gắn với dân tộc Mông, du lịch cộng đồng tại xã Tả Van gắn với dân tộc Giáy, du lịch cộng đồng tại xã Liên Minh gắn với dân tộc Xa Phó, du lịch cộng đồng tại xã Tả Phìn gắn với dân tộc Dao đỏ…).
Bên cạnh những thế mạnh về khí hậu, cảnh sắc, bản sắc dân tộc, Khu du lịch quốc gia Sa Pa còn có lợi thế nằm ngay trung tâm của vành đai Đông Bắc - Tây Bắc và trên trục Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Hệ thống hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng nói chung, với Sa Pa nói riêng ngày càng được quan tâm đầu tư, như dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, Cảng Hàng không Sa Pa đang được triển khai, trong tương lai sẽ tạo nhiều thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, đưa Sa Pa trở thành trung tâm và có sự cộng hưởng, gắn kết bền chặt với các khu du lịch trong vùng và cả nước.
Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã và đang có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Năm 2019, thị xã đón gần 3,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 9.300 tỷ đồng. Năm 2020 và 2021, ngành du lịch - dịch vụ của thị xã Sa Pa chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên lượng khách du lịch giảm mạnh, chỉ đón từ 1,2 - 1,5 triệu lượt khách.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của Sa Pa đang dần được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đến nay, Sa Pa có 1.373 cơ sở kinh doanh du lịch - dịch vụ, trong đó có 711 cơ sở lưu trú với 8.107 phòng, 21.238 giường; 283 cơ sở dịch vụ ăn uống; 90 cơ sở dịch vụ lưu niệm và quà tặng du lịch; 67 cơ sở dịch vụ massage, tắm lá thuốc; 27 đơn vị vận tải khách; 40 điểm du lịch đã được công nhận và dịch vụ check-in… đảm bảo đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của khách du lịch.
Để phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, thị xã Sa Pa đang đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan trên nguyên tắc phát triển gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên (khí hậu, cảnh quan); bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Sa Pa chú trọng liên kết với các khu du lịch khác để tạo tuyến du lịch liên hoàn, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch; ưu tiên nguồn lực và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hình thành được những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, gắn với thế mạnh về tài nguyên du lịch đặc trưng, riêng có.
Sa Pa đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc với chủ đề “Sa Pa – Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”. Theo đó, thị xã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Phát triển sản phẩm du lịch "Thiên đường nghỉ dưỡng núi". Trong đó, có chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, uy tín trong nước và nước ngoài đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô trên 400 phòng nhằm xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa thành Trung tâm du lịch MICE cấp quốc gia, quốc tế hiện đại, có dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc và đạt tiêu chuẩn điểm du lịch MICE ASEAN. Đồng thời, khai thác đặc trưng khí hậu của Sa Pa phát triển mô hình các khu nghỉ dưỡng núi cao cấp với mật độ và tầng cao thấp theo mô hình biệt thự, nhà vườn cao cấp, làng du lịch, khu du lịch cao cấp, biệt lập. Xây dựng những dự án du lịch chất lượng cao, có kiến trúc đặc biệt, sử dụng đá - gỗ - tre, khai thác văn hóa truyền thống và cảnh quan ở những điểm khác biệt để tạo tính độc đáo và đặc trưng cho Sa Pa.
Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt nhằm thu hút khách, như sản phẩm “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”; sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” (đỉnh Fansipan và Ngũ Chỉ Sơn...); sản phẩm du lịch "Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe", du lịch sự kiện quốc tế, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp - sinh thái; du lịch thực tế ảo trên cơ sở tận dụng những ưu việt của công nghệ 4.0 gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Sa Pa là điểm đến du lịch nổi tiếng, có thương hiệu đối với du khách trong và ngoài nước, là một trong những điểm đến nổi bật nhất của du lịch Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền thị xã Sa Pa đã đặt quyết tâm xây dựng Sa Pa thành Khu du lịch trọng điểm của quốc gia mang tầm quốc tế; trở thành đô thị du lịch sạch ASEAN vào năm 2025.
Quyết tâm của Sa Pa sẽ được hiện thực hóa, bởi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch xây dựng gồm: Trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa có diện tích khoảng 6.090 ha, trong đó bao gồm diện tích đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu (5.525 ha) và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian (565 ha); 4 phân khu kết nối với trung tâm của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa gồm: Ngũ Chỉ Sơn (285 ha); Tả Phìn (185 ha); Tả Van (306 ha) và Thanh Bình (330 ha). Theo quy hoạch chung, đến năm 2040, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa được xây dựng thành Khu du lịch quốc gia, trung tâm giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc, là điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, văn hóa, trải nghiệm…
Định hướng trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa: Tái thiết khu vực lõi trung tâm Sa Pa, phát triển các chức năng hỗn hợp đô thị dịch vụ du lịch. Cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu bổ sung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Mở rộng không gian đô thị về phía Đông Bắc, suối Hồ, phía Bắc tuyến tránh Quốc lộ 4D, Mường Hoa, Trung Chải để hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch mới. Phát triển các khu chức năng đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với chủ đề văn hóa Sa Pa dọc thung lũng Mường Hoa, suối Hồ. Gìn giữ, cải tạo mở rộng các bản làng truyền thống trong đô thị kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc, như danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, núi Hàm Rồng, nhà thờ đá…
Định hướng 4 phân khu du lịch: Xây dựng các trung tâm du lịch vệ tinh hỗ trợ, chia sẻ chức năng cho trung tâm Khu Du lịch Quốc gia tại các xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van và Thanh Bình. Khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa, thiên nhiên của từng khu vực phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, thể dục thể thao chất lượng cao… Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong khu vực.
Định hướng nông thôn (10 xã thuộc thị xã Sa Pa): Bảo vệ, khai thác thế mạnh đặc trưng về bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống đa dạng các dân tộc để phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp của từng xã. Cải thiện, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường nông thôn. Bảo vệ, gìn giữ không gian sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của từng xã, đặc biệt là bảo vệ hệ thống ruộng bậc thang nông nghiệp; ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao, quảng bá sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm. Khuyến khích, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho cộng đồng, tạo cơ hội, điều kiện cho Nhân dân tham gia trong hoạt động phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường, cảnh quan và không gian văn hóa truyền thống. Hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các xã trong toàn thị xã.
Đối với các trung tâm xã: Cải tạo, nâng cấp chỉnh trang, bổ sung xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn xã. Cải tạo, bổ sung xây dựng hệ thống sân chơi văn hóa, thể thao, vườn hoa cây xanh tại trung tâm xã. Phát triển quỹ đất xây dựng chợ dân sinh xã kết hợp không gian văn hóa, trưng bày quảng bá sản phẩm địa phương, hấp dẫn phát triển du lịch, tổ chức bãi đỗ xe trung tâm xã.
Đối với các điểm dân cư thôn, bản truyền thống: Cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội và vệ sinh môi trường, quy hoạch quỹ đất xây dựng dự trữ phát triển mở rộng, đáp ứng nhu cầu Nhân dân từng thôn, bản về ở và sinh hoạt. Phát triển du lịch cộng đồng (lưu trú homestay, trải nghiệm văn hóa truyền thống bản địa), khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng tại khu vực xã, thôn cho phát triển du lịch sinh thái. Tổ chức các hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tập quán văn minh, kiến trúc truyền thống của các dân tộc tại các thôn, bản.
Khai thác, duy trì, nâng cấp hạ tầng và dịch vụ đồng bộ các điểm du lịch cộng đồng nổi bật, như bản Cát Cát, Lao Chải (văn hóa dân tộc Mông), Bản Dền (văn hóa dân tộc Tày), Nậm Cang, Tả Phìn (văn hóa dân tộc Dao); Nậm Sài (văn hóa dân tộc Dao, Xa Phó), Sín Chải, Lý Lao Chải, Tả Van và các bản dọc theo các tuyến Tỉnh lộ 155 và 152.
Theo tính chất và chức năng, Sa Pa được quy hoạch trở thành Khu du lịch Quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, đô thị và nông thôn bền vững. Đô thị trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và dịch vụ du lịch, đồng thời là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, là khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Quy hoạch phát triển Sa Pa không đơn thuần là một bản quy hoạch mở rộng theo “chiều ngang” mà hướng tới phát triển theo “chiều sâu”, trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.
Với bề dày 120 năm hình thành và phát triển ngành du lịch, với tầm nhìn chiến lược, lâu dài, dáng dấp của một khu du lịch quốc gia hiện đại, vươn tầm quốc tế của Sa Pa sẽ sớm thành hiện thực.