Từ bài thơ 'Bắt nạt' nghĩ về đổi mới chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn
Nhân chuyện dư luận xã hội xôn xao về bài thơ 'Bắt nạt', giảng viên Nguyễn Trọng Bình (môn Ngữ văn) ở tỉnh An Giang có ý kiến bàn về chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đang được sử dụng ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Giảng viên Nguyễn Trọng Bình nêu ý kiến tương tự các giáo viên dạy Ngữ văn hiện nay khi đối mặt với phương pháp giảng dạy mới và một lần nữa việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lại đặt ra với nhiều nhận định sau sự việc bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa gây xôn xao dư luận.
Thứ nhất, bất cứ một sự thay đổi nào muốn thành công cũng phải xuất phát từ thực tiễn giáo dục. Vậy nên, không thể nói rằng, sách giáo khoa không quan trọng bằng chương trình. Có thể nói, với tình hình hiện nay, chương trình chỉ là cái khung, là bộ xương còn sách giáo khoa là da thịt, là mạch máu.
Thực tiễn giáo dục ở Việt Nam hiện nay, sách giáo khoa càng quan trọng hơn nữa. Vì nền hành chính giáo dục nước ta hiện nay còn nhiều bất cập và lạc hậu, không/chưa cho phép các thầy cô giáo tự do, tự chủ trong dạy học. Đến giáo án còn phải soạn chung mẫu, và các thầy cô giáo còn sao chép, mua bán giáo án và lúng túng trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy.
Thứ hai, Nhà nước đã phải chi hàng trăm nghìn tỷ đồng để đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (về giáo dục) đều tập trung xoay quanh việc đổi mới sách giáo khoa.
Hiện tại, phải huy động hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ để biên soạn sách giáo khoa, chưa kể các nhóm biên soạn còn đang sử dụng chiêu trò để tranh giành thị phần (thể hiện rất rõ chiêu trò trên mạng xã hội). Vài thông tin và con số trên cho thấy sự cấp thiết và rất quan trọng của vấn đề đổi mới sách giáo khoa.
Bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bị dư luận xã hội chỉ trích từ năm 2021 đến nay.
Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp phải được triển khai đồng bộ và phải từng bước tháo gỡ, không thể nóng vội. Nếu không có cái nhìn sâu và bao quát thực tiễn giáo dục này sẽ dễ rơi vào duy ý chí, ảo tưởng.
Nhìn vào cuộc sống của đa phần đội ngũ giáo viên; có thể thấy họ cũng gặp nhiều khó khăn do cơ chế hành chính, chính sách chưa thỏa đáng, khiến số lượng giáo viên bỏ việc ngày càng nhiều vì nhiều lý do. Nếu hô hào thầy cô giáo "chỉ bám vào chương trình thôi", chủ động sáng tạo trong giảng dạy là kiểu hô hào chưa bám thực tế, chưa thấu hiểu và nói cho có phong trào.
Về về mặt pháp lý, không có một văn bản nào khẳng định chương trình mới là "pháp lệnh", còn sách giáo khoa chỉ là học liệu thuần túy, thế nào cũng được. Thực tế hiện nay, ở các địa phương, ngay cả lựa chọn sách giáo khoa, các thầy cô giáo cũng không có quyền chọn.
Thứ tư, văn chương muốn sáng tạo ra sao thì gì trước hết phải là văn chương, phải đẹp, phải hay cái đã. Người ta chỉ chứng minh thơ hay cần gì phải đi chứng minh thơ dở. Người ta có thể cãi nhau về sự hay dở của một quyển tiểu thuyết vài trăm trang chứ một bài như bài "Bắt nạt" mà còn không dám khẳng định nó rất dở (không phù hợp) thì bàn chuyện văn chương, chữ nghĩa làm gì?
Có nhà giáo dục nói khó phân định sự hay dở của một bài mà lẽ ra cũng không nên gọi là thơ như bài "Bắt nạt". Nếu bảo rằng người lớn còn khó phân định thơ hay, thơ dở thì sao lại đưa vào sách giáo khoa bắt trẻ em làm việc này?
Giáo dục là một quá trình gian nan. Không phải cứ nhồi vào đầu con trẻ mấy vần vè, ê a như thế thì nạn bắt nạt trong nhà trường sẽ được giải quyết. Không thể nói, vì để đáp ứng cho chủ điểm giáo dục chống bắt nạt trong trường học rồi tùy tiện lựa chọn những bài thơ kém vào để dạy cho học sinh.
Có rất nhiều lựa chọn và phương án khác tốt hơn để giải quyết vấn đề đặt ra thì hà cớ gì lại chọn phương án kém hiệu quả nhất để rồi tranh cãi, bao biện, lấp liếm và bắt nạt lẫn nhau?
Bài thơ "Bắt nạt" được sáng tác theo thể ngũ ngôn. Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng có khá nhiều bài thơ hay có thể đưa vào sách giáo khoa như: "Lẽ giản đơn", "Thằng bé"... Nhưng với riêng "Bắt nạt" phải nói là một bài thơ dở và ngô nghê (so với nhận thức của học sinh lớp 6).
So với một vài tác giả khác từng có thơ được chọn trong sách giáo khoa, Nguyễn Thế Hoàng Linh là một tác giả mới. Nhưng từ đây mà bảo "cái mới" thường hay bị kỳ thị, định kiến là sự đánh tráo khái niệm giữa tác giả mới (lần đầu có thơ chọn vào sách giáo khoa) và "cái mới" của/trong bài thơ kia.
Thứ năm, nếu nói thơ dở không có tác hại gì càng là một nhận định sai vì có thể không tác hại với người lớn nhưng rất tác hại với trẻ con. Nếu gieo vào đầu óc non nớt của chúng những cái dở quá sớm sau này chúng sẽ bị ám ảnh, mụ mị đi về thẩm mỹ. Không thể tùy tiện muốn vẽ gì thì vẽ lên tờ giấy trắng là nhận thức của trẻ. Tệ hơn nữa là đổ mực, vấy vẩn lên những tờ giấy tinh khôi ấy.
Thứ sáu, giáo dục là một hệ thống, là những mắt xích móc nối, phụ thuộc lẫn nhau. Bất cứ yếu tố nào hỏng cũng tác động và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống chung. Vậy nên, sai lầm nào trong giáo dục cũng cần phản biện, phê phán một cách khách quan, trung thực.