Từ báo cờ đỏ, Việt Nam Độc lập đến Báo Cao Bằng
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và Cao Bằng gắn liền với lịch sử cận hiện đại và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Cao Bằng, năm 1932, đồng chí Hoàng Đình Giong lúc đó là Bí thư Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) được Trung ương Đảng (trực tiếp là đồng chí Lê Hồng Phong) giao nhiệm vụ về nước nắm tình hình để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.
Tại hang Kéo Lứng (Kẻ Ngả), đồng chí Hoàng Đình Giong thảo luận với các đồng chí Lê Mới, Lã xuất bản Báo Cờ Đỏ (tiền thân của Báo Cao Bằng ngày nay) để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn phong trào cách mạng. Sau gần một năm chuẩn bị, ngày 1/4/1932, Báo Cờ Đỏ ra số đầu tiên tại hang Bó Ghẻp (Bản Nưa), xã Phúc Tăng (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An). Báo Cờ Đỏ trở thành công cụ quan trọng của Đảng để tuyên truyền đường lối cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, căm thù bè lũ thực dân, phong kiến, vận động đồng bào các dân tộc tham gia cách mạng, cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Địa điểm in báo phải di chuyển nhiều nơi để bảo đảm bí mật. Lúc đầu ở hang Bó Ghẻp, sau đã sang Vàn Phăng, Cốc Goọng, cuối cùng đến hang Tốc Rù. Do có nội phản đem nộp tờ báo Cờ Đỏ cho mật thám Pháp lấy thưởng, năm 1935, để tránh tổn thất vì địch khủng bố, lùng sục, Báo Cờ Đỏ dừng xuất bản.
Năm 1936, Tỉnh ủy chỉ đạo xuất bản tờ báo “Chuông giải phóng”, Châu ủy Hòa An được Tỉnh ủy giao phụ trách việc in ấn, phát hành. Đến năm 1937, báo “Chuông giải phóng” ngừng hoạt động thì Báo Lao động ra đời dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nơi đặt in Báo Lao động tại hang Phja Toọc, làng Nà Goại, nay thuộc thị trấn Thông Nông (Hà Quảng).
Do phải hoạt động bí mật, địch bao vây khủng bố, kiểm soát các loại giấy mực có thể dùng in báo, truyền đơn, tài liệu cách mạng, đồng thời do yêu cầu của phong trào cách mạng, nhiều cán bộ làm báo được điều động về các vùng, nên Báo Lao động chỉ ra được một thời gian ngắn thì ngừng xuất bản.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939 - 1945), thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng ở thuộc địa. Giữa lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Tại Pác Bó, Người có nhiều hoạt động quan trọng. Từ ngày 10 - 19/5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, hội nghị đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo xuất bản tờ Báo Việt Nam Độc lập do Người trực tiếp phụ trách.
Báo Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên ngày 1/8/1941, được đánh số 101 xuất bản tại lán Khuổi Nặm 2, Pác Bó, trang nhất có bài xã luận nêu rõ Tây cốt làm cho dân ta ngu hèn. Báo Việt Nam Độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do. Trang nhất số 103 đăng bức tranh cổ động do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẽ một người cầm loa, dáng kêu gọi, hình người và loa hợp thành tên báo, đăng 4 câu thơ: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ kể lại những ngày đầu làm Báo Việt Nam Độc lập trong bí mật ở căn cứ địa cách mạng Cao Bằng: “Năm 1941 bí mật về nước. Theo lời dạy của Lê-nin là: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò…”.
Báo Việt Nam Độc lập ra 10 ngày một kỳ, mỗi kỳ 400 tờ; năm1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển cơ quan từ Pác Pó về vùng núi Lam Sơn, Hồng Việt (Hòa An) là khu căn cứ địa Lam Sơn. Báo Việt Nam Độc lập cũng từ Pác Bó chuyển về vùng này ở Lũng Hoài, Bó Hoài... và xuất bản số báo 120 (số 20) ra ngày 10/3/1942.
Lúc đầu, Báo Việt Nam Độc lập là của Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng từ số 101 - 128. Khi địa bàn hoạt động của cách mạng mở rộng, liên hoàn hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Báo Việt Nam Độc lập trở thành cơ quan của liên Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng - Bắc Kạn từ số 129 - 186. Phong trào cách mạng tiếp tục lên cao, mở rộng nối liền 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Báo Việt Nam Độc lập trở thành cơ quan của Liên bộ Việt Minh 3 tỉnh từ số 187 - 225. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, sau khi nhân dân ta giành chính quyền, Báo Việt Nam Độc lập tiếp tục xuất bản, là cơ quan ngôn luận của 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Phong trào cách mạng phát triển nhanh, số lượng phát hành có thời kỳ lên tới 700 tờ/kỳ vẫn không đáp ứng được yêu cầu, do đó phải tạm ngưng bán báo cho cá nhân mà chỉ phân phối cho cơ sở để tổ chức đọc báo theo nhóm.
Tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng về xuôi lãnh đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa, tờ báo được giao lại cho Cao Bằng tiếp tục xuất bản. Sau Cách mạng Tháng Tám, Báo Việt Nam Độc lập chỉ còn đảm nhiệm chức năng là cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Tháng 11/1946, Đại hội đại biểu toàn tỉnh bầu Tỉnh bộ Việt Minh mới, đồng chí Bế Tùng Dũng trúng cử Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Minh, nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Thường trực Tỉnh bộ Việt Minh, cùng đồng chí Nguyễn Khánh Kim củng cố lại Báo Việt Nam Độc lập, có thêm mục “Sinh hoạt mặt trận và các đoàn thể”.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Báo Việt Nam Độc lập đăng tải nhiều nội dung quan trọng, đồng thời cùng cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh tới nhiều địa điểm, gặp nhiều khó khăn về nơi làm việc, song giữ đúng kỳ ra báo. Cuối năm 1948, các đồng chí Nguyễn Khánh Kim, Nông Ích Đạt, Bế Nhật Liêm được điều công tác khác, báo bàn giao lại cho Thường vụ Tỉnh bộ Việt Minh do đồng chí Tùng Dũng phụ tránh.
Tháng 12/1949, Mặt trận Việt Minh tỉnh hoàn thành sứ mệnh lịch sử và hòa vào Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Tỉnh hội Liên Việt Cao Bằng cử đồng chí Tùng Dũng làm Phó Hội trưởng kiêm phụ trách Báo Việt Nam Độc lập, cơ quan của Tỉnh hội Liên Việt Cao Bằng.
Cuối tháng 8/1950, Tỉnh ủy chỉ thị cơ quan báo chuyển sang huyện Quảng Uyên để phục vụ Chiến dịch Biên giới, sau đó chuyển về gần Đông Khê. Hơn một tháng đi chiến dịch, tuy gian nan, vất vả nhưng báo ra đúng kỳ.
Cùng với Báo Việt Nam Độc lập, Mặt trận Liên Việt tỉnh còn có tờ “Thông tin - Tuyên truyền” do Ty Thông tin (sau này còn có tên gọi khác nhau...), xuất bản với danh nghĩa của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, ra mỗi tháng 4 kỳ, năm 1947 là 500 tờ/kỳ, các năm 1948, 1950 tăng lên 1.000 tờ/kỳ. Sau Chiến dịch Biên giới ngừng xuất bản.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Báo Việt Nam Độc lập phải di chuyển nhiều nơi để giữ bí mật và phòng tránh máy bay địch bắn phá, lúc thì ở Nà Việt, Lũng Quang, Cốc Chia (Háng Tháng, Thông Nông), sau đó chuyển xuống Mỏ Sắt, Nà Đán, Nà Hoàng (Hòa An), lên Đào Ngạn (Hà Quảng) cho tới khi phục vụ Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Báo Việt Nam Độc lập và tờ Thông tin - Tuyên truyền có vị trí, vai trò quan trọng về thông tin, tuyên truyền, song một mảng công tác quan trọng là vấn đề xây dựng Đảng chưa được nêu một cách đều đặn và sâu sắc, đặc biệt là cuộc kháng chiến đang chuyển giai đoạn. Từ yêu cầu đó, Tỉnh ủy quyết định ra tờ “Tin Nội bộ”, giao cho Ban Tuyên truyền 372 (mật danh của Ban Tuyên huấn thời kỳ chống Pháp) phụ trách. Đồng chí Nguyễn Đống, Trưởng Ban trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản. Tin Nội bộ có thể coi là tờ báo kế tiếp Báo Cờ Đỏ của Đảng bộ tỉnh. Tin Nội bộ ra đều kỳ hằng tháng 4 trang, khổ 20 x 30 cm, khi có yêu cầu mới hoặc đột xuất ra tháng hai kỳ, số lượng in 300 tờ/kỳ, báo ghi rõ “chỉ lưu hành nội bộ”. Đối tượng của Tin Nội bộ là các chi, đảng bộ cơ sở nông thôn và đảng viên cơ sở.
Sau Chiến thắng Biên giới năm 1950, Cao Bằng chỉ còn lại tờ Báo Việt Nam Độc lập. Tháng 10/1951, Tỉnh ủy quyết định chuyển Báo Việt Nam Độc lập sang Ty Thông tin quản lý xuất bản và xác định rõ là tờ báo Đảng, song về danh nghĩa công khai vẫn là cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Liên Việt tỉnh.
Từ năm 1953 - 1955, có thêm hai ấn phẩm quan trọng phục vụ nhiệm vụ lớn, đó là cải cách ruộng đất và tờ Nội san sản xuất phục vụ kế hoạch phục hồi kinh tế, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp. Hai tờ nội san chỉ tồn tại một năm, sau đó toàn bộ nội dung thông tin về các mặt hoạt động trong tỉnh chuyển vào Báo Việt Nam Độc lập. Đến tháng 7/1956, tờ Báo Việt Nam Độc lập được chuyển về khu tự trị Việt Bắc, trở thành cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Liên Việt khu tự trị Việt Bắc.
Trong khi chờ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xuất bản báo chí trong nước, Tỉnh ủy quyết định ra tờ Tin Cao Bằng xuất bản số đầu ngày 21/7/1956. Do Phòng Tuyên truyền (Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) quản lý xuất bản. Tờ Tin Cao Bằng thời kỳ đầu (1956 - 1958) ra 2 trang khổ lớn (bằng nửa tờ Báo Nhân dân). Sau này rút gọn lại 4 trang khổ 27 x 37 cm. Tờ Tin Cao Bằng xuất bản 169 số, số 169 ngày 27/3/1964 là số xuất bản cuối cùng.
Năm 1961, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 5-NQ/TW ngày 19/1/1961 về công tác báo chí. Nêu rõ hợp nhất các báo, bản tin và tập san xuất bản trong địa phương lại để xây dựng cho Đảng bộ… một tờ báo hoặc một tờ tin tốt và “Cần chuẩn bị cho một số tỉnh và khu trung tâm công nghiệp trực thuộc Trung ương quản lý, có đủ ba điều kiện, chuyển bản tin thành tờ báo của địa phương...”.
Thực hiện nghị quyết của Ban Bí thư, để chuẩn bị cho Báo Cao Bằng ra đời, Ban Tuyên huấn tỉnh (nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cử một số đồng chí đủ tiêu chuẩn văn hóa đi học lớp đào tạo phóng viên ngắn ngày (6 tháng, 12 tháng) và cử một đồng chí dự hai lớp bồi dưỡng biên tập viên do Ban Tuyên huấn Trung ương mở (mỗi lớp 5 tháng).
Đồng thời với những chuẩn bị đó, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh xác minh ngày tháng thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Đồng chí Thân Văn Lư, Phó ban Thường trực Ban Đảng sử tỉnh cùng Ban Tuyên huấn tỉnh thống nhất: Nếu tìm được ngày thành lập Đảng bộ thì đề nghị với Tỉnh ủy lấy ngày đó để ra số Báo Cao Bằng đầu.
Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xác định được ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 01-NQ/TU “Chuyển tờ Tin Cao Bằng thành Báo Cao Bằng” - Cơ quan tuyên truyền trực thuộc Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Cao Bằng…”. Nghị quyết quy định rõ: “Báo Cao Bằng là cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy Cao Bằng do Ban Thường vụ trực tiếp lãnh đạo. Ban Tuyên giáo tỉnh có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ chỉ đạo báo”. Cùng với quy định rõ tính chất nhiệm vụ, vị trí, nội dung và hình thức tổ chức phát hành, nghị quyết giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành đối với tờ báo của Đảng bộ tỉnh, đó là: “Các ngành, các cấp cần phải giúp đỡ xây dựng một cách thiết thực cho báo của Đảng bộ tỉnh về mọi mặt từ việc cung cấp bài vở, tin tức, tuyên truyền cổ động thêm độc giả mua báo đến tổ chức đọc và làm theo báo và nhận xét về báo...”.
Báo Cao Bằng ra số đầu vào ngày 1/4/1964, đúng dịp kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Chi bộ Nặm Lìn - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tu-bao-co-do-viet-nam-doc-lap-den-bao-cao-bang-3168364.html