Từ bỏ hủ tục lạc hậu, đồng bào trên đèo Lò Xo tích cực cứu hộ TNGT
Họ là những y sĩ, thợ sửa xe mô tô, thanh niên đồng bào... tập hợp thành Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo.
Chuyện về hủ tục “ sợ ma áp” nên không cứu người bị nạn
Trở lại đèo Lò Xo, nghe anh A Chải nói chuyện cứu hộ, tôi càng khâm phục người dân nơi đây đã vượt qua những hủ tục để cứu người bị nạn.
Vốn ám ảnh bởi "ma xấu", không bao giờ đến gần người chết do tai nạn, thế nhưng khi tham gia Đội ứng cứu nhanh TNGT Đăk Man, những thanh niên người Giẻ Triêng chân chất đã vượt qua được quan niệm hủ tục lạc hậu.
Nhân viện đội cứu hộ tình nguyện đang sơ cứu cho nạn nhân TNGT trên đèo Lò Xo
Theo A Chải, khó khăn nhất của anh em tham gia đội là vượt qua hủ tục. Nhớ vụ tai nạn ngày 21/5/2005, ô tô chở 31 cựu chiến binh từ phía Bắc về thăm chiến trường xưa lao xuống vực sâu tại đèo Lò Xo, thiệt mạng 29 người. Khi ấy, chỉ có CSGT, công an, bồ đội và đội ngũ y tế tham gia cứu nạn. Còn người đồng bào Giẻ Triêng chỉ đứng xa nhìn xem, không ai dám lại gần đưa những người xấu số ra khỏi hiện trường.
Anh Xiêng Var Thiên, Nguyên trưởng công an xã Đắk Man tâm sự, anh sinh ra và lớn lên trên đỉnh đèo Lò Xo nên biết tấm lòng người dân nơi đây rất tốt. Nhưng ngày xưa, có phong tục cổ hủ, nên lòng tốt người dân không được thể hiện bằng công việc cụ thể.
Clip: Đội cứu hộ SOS tham gia cứu hộ cứu nạn trên đèo Lò Xo
“Khoảng 15 năm về trước, bà con trên đỉnh đèo có quan niệm người chết vì tai nạn, như TNGT, bom mìn, thú rừng cắn chết… là không được ai cứu giúp, trừ người nhà nạn nhân. Nếu mình cứu giúp, cái hồn oan uổng đó sẽ nhập vào mình, bắt mình đi theo nó.
Thậm chí, có làng còn không cho khiêng người chết qua địa phận làng mình. Có người không may bị chết trong rừng, nếu đưa về đường gần nhất chỉ mất vài ba giờ thôi, nhưng do không được đi qua làng khác, người nhà nạn nhân phải mất cả ngày, cắt rừng mở lối, đi qua những ngọn núi cao để đưa người thân xấu số về nhà làm lễ an táng. Vì vậy, trước đây người dân rất sợ cứu giúp nạn nhân TNGT trên đường Hồ Chí Minh qua đỉnh đèo Lò Xo này”.
Thượng tá Âu Ly Uấn, Phó trưởng Công an huyện Đắk Glei, cũng là người sinh ra, lớn lên gắn với đèo Lò Xo cho biết: “Người đồng bào trên đèo Lò Xo chúng tôi, ngày trước có quan niệm hủ tục, ma nhà nào nhà ấy lo. Đôi khi nhà hàng xóm có người chết, những người trong bản không qua thăm vì sợ “cái ma nhà đó theo về nhà mình”. Nhà có đám tang mà mượn dụng cụ, như dao, xoong nồi là họ cho luôn không lấy về, vì sợ ma theo về.
Vì vậy, khi thấy người khác gặp tai nạn, họ thường bỏ đi chứ không cứu, vì sợ lỡ người gặp nạn chết, ma đó sẽ theo về nhà mình. Từ ngày có con đường Hồ Chí Minh thông thoáng, họ thấy những anh công an cứu người, những cán bộ địa phương cứu người, rồi thấy cả Đội cứu hộ cứu nạn, dần dần tầng lớp trẻ đã thay đổi nhận thức để cứu người gặp TNGT".
Anh em đội cứu hộ trên đèo Lò Xo tâm sự với phóng viên Báo Giao thông về công tác cứu hộ
Đội cứu hộ tự nguyện trên đèo Lò Xo
Trên một chuyến xe, chúng tôi được anh Mai Văn Phương, phụ xe khách lật đèo Lò Xo ngày 23/6/2015 kể lại: “Tôi đã theo nghề xe này mấy chục năm, gặp TNGT cũng mấy vụ, xe hỏng nằm đường nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi thấy người dân ở đâu tốt vậy.
Khi đó, xe lật xuống đèo, tiếng la, tiếng khóc ỉ ôi. Tôi ngồi dậy, thấy mình còn sống. Bò ra khỏi xe, nhìn lên trên đường cao thấy 2 người đàn ông đang bò xuống. Họ hỏi tôi có sao không, rồi một anh cầm điện thoại gọi, nói giọng dân tộc thiểu số tôi không biết.
Một lúc sau, người dân nam có nữ có, người lớn tuổi cũng có tới cứu chúng tôi. Rồi Công an cũng tới, họ hỗ trợ đưa từng người bị thương lên mặt đường. Khi cứu người xong họ lại chuyển hành lý lên hết mặt đường, bàn giao lại cho công an quản lý. Hơn 40 người không ai bị mất hành lý tư trang. Một trong 2 anh đầu tiên đã cõng đến 4 người bị thương lên mặt đường. Tôi có ngụ ý thay mặt chủ xe bồi dưỡng tiền công cho người dân ở đó, nhưng anh ấy dứt khoát không nhận. Hỏi tên tôi mới biết anh là A Chải, và anh cùng đến đầu tiên là anh Hoàng.
Giây phút ăn tạm bữa cơm đêm sau khi cứu hộ mệt nhọc của anh em tình nguyện
Kể về những lần tham gia cùng Đội đi cứu người, đội trưởng A Chải không thể nhớ hết từng vụ việc và đã cứu được bao nhiêu người. Bởi anh cùng thành viên trong Đội đã tham gia rất nhiều, nhưng không có thông kê báo cáo nào cả.
A Chải tâm sự: Năm 2014 Huyện đoàn Đăk Glei và xã Đăk Man đã thành lập Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo gồm 10 người. Trong 5 năm thành lập, Đội cứu nạn trên đèo Lò Xo đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn, từ anh tài xế xe tải, đến xe khách, xe máy và cả những anh Tây "ba lô" chạy xe máy bị nạn trên đèo đã được họ cứu kịp thời. Theo A Chải, Đội của anh ngày đêm đều có người trực cứu nạn trên đèo. Khi CSGT trực chốt trên đèo Lò Xo báo có TNGT, người trực của đội cứu nạn thông tin hết cho các thành viên và đi đến ngay đến điểm cứu nạn bất cứ thời gian nào.
Cũng theo A Chải, "trận" cứu người số lượng lớn đầu tiên của Đội lại không thuộc đất Kon Tum mà ở địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Đó là vụ TNGT vào ngày 18/4/2015. Vụ này, Đội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cấp cứu 29 nạn nhân, trong đó tử vong 2 người, 17 người bị thương. Tiếp đến ngày 23/6/2015, Đội lại tham gia cứu nạn vụ TNGT xe khách, rớt xuống vực trên đèo Lò Xo cũng phía huyện Phước Sơn, có 34 nạn nhân, trong đó tử vong 1 người, 6 người bị thương nặng.
Đội phó Đội cứu nạn, anh Lê Huy Thanh (Trạm trưởng Trạm y tế xã Đăk Man) cho biết: Thời gian đầu, Đội tham gia ứng cứu nhiệt tình có thừa, nhưng rất thiếu kinh nghiệm, lúng túng. Nhưng sau vài vụ có kinh nghiệm hơn nên ứng cứu tốt hơn, vì vậy số lượng người tử vong cũng ít hơn.
Đội cứu hộ SOS nhận được bằng khen, thư khen ngượi của lãnh đạo tỉnh Kon Tum
“Khi đưa nạn nhân thoát khỏi hiện trường đầu tiên phải sơ cứu, băng bó tại chỗ, mới đưa đi bệnh viện. Nếu đưa người bị nạn ra khỏi xe rồi xốc đi liền sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân, có khi gây ra vết thương còn nặng hơn, nhất là với trường hợp gãy xương tay, chân…", Đội phó Thanh nói.
Hỏi về những thanh niên điển hình trong đội, A Chải giới thiệu chúng tôi gặp anh Đinh Văn Hoàn là người sửa xe trên đèo Lò Xo.
Dù mưa hay nắng, đêm hay ngày, hễ cứ nghe thấy TNGT trên đèo Lò xo là Đinh Văn Hoàng và các thành viên tất bật, vội vàng đến hiện trường vụ tai nạn. Họ đến để cứu những người bị nạn. Việc làm này đã được Hoàng âm thầm làm cả chục năm nay trên đỉnh Lò Xo vì lương tâm, vì tình người…
Với Hoàng đã bao năm nay đã trở thành thói quen, mọi người đi ngủ tối đều tắt điện thoại để cho giấc ngủ sâu, còn Hoàng máy điện thoại không bao giờ tắt.
"Ban đêm cả nhà ngủ say. Em nghe điện thoại có người cần hỗ trợ là cầm đồ nghề (búa, xà beng, kích) rồi đi. Vợ em quen cảnh này rồi nên không bao giờ nói gì", Hoàng cho biết.
Khi chúng tôi hỏi Hoàng có nhớ đã tham gia cứu nhiều người chưa, Hoàng chỉ cười và lắc đầu. Suốt 10 năm qua Hoàng không nhớ mình tham gia cứu nạn bao nhiêu vụ, bao nhiêu người, chỉ biết có TNGT ở đèo Lò Xo là anh đều có mặt.
Theo A Chải, chính những việc làm xả mình tham gia cứu nạn của Hoàng và một số anh em trên đèo Lò Xo, Huyện đoàn đã quyết định thành lập Đội cứu hộ, cứu nạn từ năm 2014.
Đến năm 2018, Đội cứu hộ có tài khoản truy cập nhóm công khai SOS ĐÈO LÒ XO trên facebook. Bất cứ ai cũng tận mắt thấy hàng trăm vụ TNGT trên đèo Lò Xo được đội cứu hộ này tham gia cứu hộ, cứu nạn miễn phí.
Lời giới thiệu trên nhóm đã nói rõ về tiêu chí hoạt động của đội: "Đội SOS ĐÈO LÒ XO được thành lập với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ anh chị em lái xe, chủ xe và phối hợp các cơ quan chức năng trong hoạt động cứu hộ xe gặp tai nạn hoặc sự cố không mong muốn tại khu vực đèo Lò Xo (Đăk Glei, Kon Tum).
Đội SOS ĐÈO LÒ XO phát triển trên tinh thần tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận. Việc cứu hộ là hoàn toàn miễn phí! Group này được lập ra để đội SOS ĐÈO LÒ XO kết nối với những người bạn, từ đó giúp hoạt động cứu hộ hiệu quả hơn thông qua việc giao lưu giữa các thành viên, các nhóm hội, cùng nhau trao đổi các kinh nghiệm về xe, cũng như việc thông tin chính xác và kịp thời các trường hợp cần hỗ trợ, cứu hộ cho đội SOS ĐÈO LÒ XO…”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết: “Tôi đánh giá cao tinh thần tự nguyện đối với những đội cứu hộ, cứu nạn trong cộng đồng.
Đặc biệt đội SOS Đèo Lò Xo đã hoạt động hiệu quả rất cao. Đội SOS chủ động hoạt động nhưng vẫn tuân thủ quy định pháp luật, và luôn luôn chủ động phối hợp với chính quyền, với lực lượng chức năng để hỗ trợ các phương tiện va chạm gia thông, TNGT. Đội SOS đã không kể ngày đêm làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT”.