Từ Buôn Ma Thuột, chúng tôi tiến về Sài Gòn
Cuối năm 1974, từ Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ (Nghệ An), Sư đoàn 316 của chúng tôi hành quân vào Mặt trận Tây Nguyên và sau đó được vinh dự nổ súng mở màn cho trận đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 10-3-1975. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, giành giật với địch từng ụ súng, cuối cùng, chúng tôi đã giành chiến thắng và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Sau đó, theo lệnh của cấp trên, chúng tôi cấp tốc hành quân ngày đêm để bao vây, tấn công thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông). Khi ấy, tôi là Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Dưới sự chi viện của hỏa lực sư đoàn và mặt trận, sau 30 phút, chúng tôi đã làm chủ thị xã Gia Nghĩa và bàn giao cho đơn vị bạn thuộc Quân khu 5. Rồi chúng tôi lại nhanh chóng chấn chỉnh đội hình, cấp tốc hành quân về Đường 22 (từ Tây Ninh đi Sài Gòn) nhằm chia cắt đội hình địch. Với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, có thể nói, chúng tôi vừa chạy vừa chuẩn bị đánh địch, gian nan, vất vả nhưng phấn chấn vô cùng. Gần đến Đường 22, chúng tôi tiếp tục nhận được lệnh của trên: Phải tập trung lực lượng để nhổ bằng được các căn cứ của địch là Bàu Nâu, Bến Cát... trên Đường 22 để quân ta tiến về Sài Gòn, cách đánh do đơn vị tự chọn. Lúc này đã khoảng cuối tháng 4-1975, nhóm chỉ huy chụm nhau lại để nhanh chóng thống nhất cách đánh. Thời gian lúc ấy không cho phép trinh sát và chuẩn bị kế hoạch chi tiết mà chỉ kịp sắp xếp lại đội hình và chọn hướng tấn công chủ yếu, thứ yếu với hỏa lực chủ yếu là của đơn vị.

Quân giải phóng tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu
Khi xác định được mục tiêu tấn công, chúng tôi báo cáo vắn tắt qua điện thoại với sư đoàn và mặt trận. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (sau này là Thượng tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng) và Đại tá, Sư đoàn trưởng, Anh hùng LLVT nhân dân Đàm Văn Ngụy (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1) nhất trí đánh ban ngày. Chúng tôi chọn đánh Bàu Nâu trước vì lực lượng địch tại đây không đông, cứ điểm lại nhỏ. 9 giờ sáng hôm ấy, chúng tôi dùng cối 120mm, 82mm và DKZ, đồng thời đề nghị Sư đoàn chi viện bằng lựu pháo 122mm bắn vào cứ điểm. Do trận đánh diễn ra ban ngày, ta vận động dưới rừng cao su và bờ ruộng, bờ mương nên có tổn thất, nhưng bộ đội vẫn hăng hái xung phong và chỉ trong 40 phút, chúng tôi đã làm chủ trận địa, bắt sống hàng chục tù binh, thu nhiều vũ khí giao cho bộ đội địa phương đi cùng quản lý.
Tiếp đó, đơn vị nhanh chóng vận động bao vây Bến Cát. Lực lượng địch ở đây có khoảng vài trăm tên và có hỏa lực mạnh, công sự vững chắc kèm hàng rào dây thép gai. Thế nên chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn và đề nghị mặt trận chi viện pháo tầm xa, sư đoàn chi viện hỏa lực. Ngoài ra còn có bộ đội địa phương hỗ trợ dẫn đường và vận chuyển đạn dược, lương thực; đạn súng cối, DKZ cũng tương đối đủ theo cơ số chiến đấu. Dẫu vậy, đây vẫn thực sự là thử thách lớn.
Sau khi bám sát căn cứ địch, chúng tôi chia thành 3 hướng đánh, trong đó có hướng theo trục Đường 22 về Sài Gòn và bắt đầu phát hỏa tấn công. Quân địch chống trả quyết liệt và ngoan cố nên suốt từ đêm đến mờ sáng, chúng tôi mới chiếm được một phần của căn cứ Bến Cát. Theo lệnh cấp trên, chúng tôi quyết tâm nhổ căn cứ bằng mọi cách để mở đường cho quân ta, nhất là các khí tài quân sự như pháo binh, xe tăng, pháo phòng không, phát triển về Sài Gòn. Giành giật đến 8 giờ sáng, khi chúng tôi đang tiếp tục nổ súng tấn công thì thấy một tốp người không có vũ khí từ trong căn cứ Bến Cát kéo cờ trắng đi ra...
Là người chỉ huy trực tiếp, tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 ngừng nổ súng nhưng phải sẵn sàng, các lực lượng bí mật tại chỗ, đồng thời tổ địch vận gọi loa yêu cầu địch ra hàng. Khi thấy 3-4 người tiếp tục kéo cờ trắng đi về phía tổ địch vận, tôi bí mật cùng 2 trinh sát bám sát tổ địch vận và nghe họ nói: “Chúng tôi là lính tại căn cứ Bến Cát, xin hỏi các ông từ Bắc vào hay ở tại đây?”. Tổ địch vận trả lời: “Chúng tôi là quân chủ lực của miền Bắc”. Họ yêu cầu xin gặp chỉ huy, tôi trả lời thay cho tổ địch vận: “Các ông về báo với chỉ huy, chúng tôi sẵn sàng gặp, với điều kiện các ông bỏ lại vũ khí, đưa cả đơn vị ra”. Họ đồng ý.
Chờ đợi căng thẳng khoảng 20 phút, địch kéo ra khoảng vài trăm người không có vũ khí. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Trì giao cho tôi: “Chú gặp!”. Đắn đo vài giây, chắc thấy tôi trẻ quá, anh lại bảo: “Thôi để tôi gặp, chú sẵn sàng cho bộ đội nổ súng khi có biến...!”. Thế là cuộc gặp ở rừng cao su diễn ra. Anh Trì tuyên bố dõng dạc: “Tôi, Đỗ Văn Trì, Anh hùng LLVT nhân dân, Trung đoàn trưởng thuộc sư đoàn chủ lực của bộ, vừa chiến thắng các ông ở Buôn Ma Thuột và Gia Nghĩa...”. Chỉ huy phía bên kia đáp: “Xin đầu hàng và hứa nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định của các ông”.
Báo cáo cấp trên xong, chúng tôi bàn giao số tù binh và vũ khí thu được cho bộ đội địa phương và tổ công tác của mặt trận, còn đơn vị nhanh chóng chấn chỉnh đội hình để tiến về Sài Gòn theo mục tiêu đã định. Và thật vinh dự, tự hào khi chúng tôi là những người có mặt ở Sài Gòn trưa 30-4-1975.