Từ cái 'hố nhạc'
Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Lớn Hải Phòng và Nhà hát Lớn Hà Nội là 3 công trình được xây dựng bởi người Pháp và luôn được xem là những công trình văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Cả ba đều được thiết kế tráng lệ, với các tính toán về âm thanh đủ để có thể trình diễn các vở nhạc kịch, các đêm diễn thính phòng mà không cần dùng đến thiết bị tăng âm.
Nói nôm na, 3 nhà hát ấy được thiết kế âm học đặc biệt dành cho các phần trình diễn mộc (acoustic) đúng theo tiêu chuẩn của châu Âu thế kỷ 19.
Vừa qua, ở Nhà hát Lớn Hà Nội, vở opera “Công nữ Anio” có 3 buổi công diễn ra mắt và toàn bộ ca sĩ, diễn viên cũng như dàn nhạc đều chơi mộc đúng nghĩa, không dùng bất kỳ trợ giúp tăng âm điện tử nào. Dưới khán phòng, khán giả vẫn có thể nghe rõ mồn một từng giọng ca, từng âm thanh của từng loại nhạc cụ. Điều đó cho thấy, để thiết kế một nhà hát không chỉ cần mỗi khả năng đưa ra được một thiết kế đẹp mà còn đòi hỏi cả trình độ vật lý (âm học) của kiến trúc sư để từ đó tạo nên một không gian có cộng hưởng vừa đủ nhằm làm bật lên được mọi dải tần. Và một trong những thứ góp phần tạo nên thiết kế tuyệt vời như vậy chính là cái “hố nhạc”, nơi dàn nhạc ngồi trình diễn.
“Hố nhạc” thường được đặt ngay trước sân khấu, âm xuống so với mặt sàn nhà hát. Nhờ có hố nhạc này, nhạc công có nơi để làm việc và không gian sân khấu cũng rộng rãi hơn, đồng thời khả năng cộng hưởng âm thanh cũng tốt hơn. Sau 3 buổi công diễn của “Công nữ Anio”, không ít người luyến tiếc đặt ra câu hỏi “Tại sao không có đêm nào diễn ở TP Hồ Chí Minh?”. Có thể, việc không lựa chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi trình diễn là toan tính của nhà sản xuất nhưng cũng phải thừa nhận rằng, nếu vở diễn được đưa vào TP Hồ Chí Minh, địa điểm tổ chức là một câu hỏi khá đau đầu. Nhà hát TP Hồ Chí Minh hiện nay đã không còn cái ''hố nhạc'' đặc trưng của một nhà hát nữa. Hơn 10 năm trước, ''hố nhạc'' ấy không hiểu sao đã bị lấp đi. Do đó, mỗi chương trình cần có dàn nhạc lớn, chỉ còn 2 lựa chọn để đặt vị trí cho dàn nhạc. Nếu đòi hỏi về trình diễn sân khấu không cần quá nhiều không gian, dàn nhạc sẽ được đưa lên sân khấu. Nếu đòi hỏi không gian sân khấu cho trình diễn, dàn nhạc sẽ được đưa xuống ngồi ở hai hàng ghế khán giả đầu tiên. Nói chung, nhìn vô cùng luộm thuộm.
Biên chế một dàn nhạc luôn đông về nhân sự và hố nhạc được thiết kế luôn đáp ứng đủ mức độ cho một biên chế vừa. Việc khai tử cái hố nhạc cũng đồng nghĩa không cần quan tâm đến chuyện dàn nhạc sẽ được đặt ở đâu. Tới nay, cũng chưa ai dám đưa ra đáp án cho việc đó.
Từ gần 20 năm trước, Nhà hát TP Hồ Chí Minh từng cho thuê 1 phần để làm quán bar. Bây giờ, khi nhu cầu nghe, xem âm nhạc kinh viện bắt đầu tăng trưởng tích cực, nhà hát đã không còn đủ chất lượng để đáp ứng cho các buổi trình diễn nữa. Thêm vào đó, sự lạm dụng nhà hát cho các hoạt động ngoài văn hóa khác đã khiến nhiều đoàn diễn gặp khó khăn. Vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” gần đây được chuẩn bị kỳ công nhưng tiếc thay chỉ được diễn 1 đêm duy nhất vì… không có suất thuê thêm. Thậm chí, việc vào tập quen với sân khấu cũng vô cùng khó khăn. Tình trạng tối diễn, sáng vào làm quen sân khấu là chuyện quá phổ biến bấy lâu nay rồi.
Nghe nói, sắp tới Nhà hát TP Hồ Chí Minh sẽ tạm ngưng phục vụ để trùng tu. Có lẽ, đây là lúc nghiêm túc cần trả lại không gian nguyên bản, với các tính toán khoa học về âm học. Không thể nào một trung tâm văn hóa của thành phố có một cái nhà hát biểu tượng nghèo nàn đến như vậy.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tu-cai-ho-nhac-i710201/