Tự chủ công nghệ để chuyển đổi số thành công

Cần xây dựng hệ thống dùng chung cho các cơ quan báo chí về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu

Chiều 25-6, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 6 với chủ đề "Chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí". Tại sự kiện, các chuyên gia đã trao đổi về thực trạng và đề xuất những giải pháp hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số (CĐS).

Giảm lệ thuộc vào các dịch vụ công nghệ

Theo ThS Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, CĐS báo chí là xu hướng tất yếu của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay. Các cơ quan báo chí TP HCM đã từng bước thực hiện CĐS theo điều kiện của mình và đạt được những kết quả bước đầu. Điển hình, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã triển khai việc gửi và biên tập tin - bài qua hệ thống CMS; Báo Tuổi Trẻ đã thành lập Trung tâm Phát triển nội dung số; Báo Người Lao Động đã triển khai đề án thu phí bạn đọc báo điện tử tại chuyên mục "Dành cho bạn đọc VIP", bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ.

Theo ông Nguyễn Minh Hải, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các cơ quan báo chí TP HCM vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện CĐS. Trong đó có khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu… "Các cơ quan báo chí đều thống nhất việc cần thiết phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ về CĐS từ các cơ quan quản lý của trung ương và thành phố nhằm giúp các báo đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng tránh bị tấn công mạng" - ông Hải nói. Ông cũng nhìn nhận báo chí của TP HCM thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Điều này làm yếu tố bảo mật và năng lực thương mại của các cơ quan báo chí đối với sản phẩm của mình bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Hải cho rằng cần xây dựng các hệ thống dùng chung hoặc giải pháp dùng chung cho các cơ quan báo chí về cơ sở hạ tầng kỹ thật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn… thay vì để từng cơ quan thực hiện rời rạc, manh mún. "Cần tạo điều kiện để các cơ quan báo chí TP HCM được đưa cơ sở dữ liệu về đặt tại máy chủ của Công ty Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), với mức phí dịch vụ hợp lý, thay vì từng đơn vị chọn đối tác riêng. Việc đưa về đặt máy chủ tại đây một cách tập trung sẽ giúp cơ quan báo chí thuận tiện trong việc xử lý nội dung và bảo mật" - ông Hải phân tích.

ThS Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP HCM, cũng cho rằng rất ít cơ quan báo chí hoàn toàn tự chủ được máy chủ, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và chi phí vận hành. "Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin. Các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ" - ông Khanh nói.

Từ đây, ông Khanh kiến nghị TP HCM cần chỉ đạo cho các công ty công nghệ chủ lực xây dựng một hệ thống quản trị nội dung báo chí (CMS) dùng chung, sau đó chia sẻ và phân cấp cho các cơ quan có báo điện tử/trang tin điện tử tổng hợp sử dụng. Việc hỗ trợ này nhằm chấm dứt sự lệ thuộc vào các công ty dịch vụ công nghệ về lập trình, coding...

Các đại biểu chia sẻ về thực trạng và giải pháp của chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí

Các đại biểu chia sẻ về thực trạng và giải pháp của chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí

AI: Sử dụng, không lạm dụng

Tại chương trình, ông Phạm Tấn Anh Vũ - Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty VAIS.VN, nguyên Phó Thư ký Tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - chia sẻ về việc áp dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tối ưu quy trình sản xuất tác phẩm báo chí.

Theo ông Vũ, nếu phóng viên, biên tập viên áp dụng các công cụ AI sẽ tăng hiệu suất làm việc thêm 50%; giảm áp lực với công việc xử lý và thu thập nội dung; tăng thêm giá trị và lợi ích cho nội dung. Ngoài ra, không sợ cạn kiệt đề tài, tạo thêm nhiều nguồn dữ liệu nội dung mới để AI tham mưu hỗ trợ ra quyết định. Ông Vũ cũng đã giới thiệu về ứng dụng chuyển giọng nói thành văn bản "memobot" của Công ty VAIS.VN giúp chuyển đổi file ghi âm thành văn bản, chỉnh sửa văn bản trên máy vi tính để phù hợp mục đích sử dụng. Tính đến nay, đã có 670 phóng viên, biên tập viên ứng dụng các công cụ AI này vào quá trình tác nghiệp và tạo ra sản phẩm báo chí. 80% học viên tham gia các lớp học đánh giá ứng dụng này là giải pháp tích cực, hiệu quả và ứng dụng được ngay vào quá trình sản xuất tin - bài.

Theo PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho rằng không phải lúc nào AI cũng chính xác nên phóng viên, biên tập viên cần trang bị kiến thức, có độ hiểu biết sâu, rộng và luôn thẩm định những nội dung được lấy từ AI để sử dụng cho tác phẩm báo chí của mình.

Ông Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh phóng viên, biên tập viên không được lạm dụng và lệ thuộc vào AI mà cần phải trang bị "bộ lọc" cho mình. Bộ lọc này được tạo ra từ quan điểm chính trị, góc nhìn, tầm hiểu biết của phóng viên, biên tập viên. Từ đó, vận dụng AI để tạo ra những sản phẩm báo chí phù hợp.

Hỗ trợ tài chính cho các cơ quan báo chí

Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP HCM Nguyễn Văn Khanh cho rằng cần nhanh chóng cụ thể hóa việc hỗ trợ về chính sách, tài chính với cơ quan báo chí thành phố. Để hỗ trợ tốt nhất cho việc các cơ quan báo chí CĐS một cách chủ động và đồng bộ cần phải có những chủ trương cụ thể, thậm chí có thể lập ra một "Tổ công tác về CĐS các cơ quan báo chí" nhằm rà soát quá trình CĐS của cơ quan báo chí, qua đó thúc đẩy và kiểm soát quá trình CĐS.

Bài và ảnh: LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-chu-cong-nghe-de-chuyen-doi-so-thanh-cong-196240625220833291.htm