Từ chuyện nặn nhọt cứu con, bố mẹ vô tình khiến trẻ phải nhập viện, suýt phải cấy máu: Đâu mới là cách xử lý đúng khi trẻ bị mụn nhọt?
Tự ý nặn nhọt cho con, bố mẹ được một phen hú hồn hú vía khi bé lên cơn sốt cao phải nhập viện, bị chẩn đoán bội nhiễm, nguy cơ cấy máu.
Gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao truyền tay nhau câu chuyện bố mẹ nặn nhọt cho con trai. Hậu quả là bé bị lên cơn sốt cao, phải nhập viện và bị chẩn đoán bội nhiễm, nhiễm độc vào máu.
Chủ tài khoản L.N chia sẻ câu chuyện như sau:
Qua câu chuyện này, bà mẹ rút ra những bài học cho bản thân và muốn nhắn gửi đến các ông bố bà mẹ qua đoạn chia sẻ trên Facebook:
- Tuyệt đối không tự ý nặn nhọt. Cái vòng sưng cứng xung quanh nhọt chính là vòng bảo vệ để độc ở nhọt không theo đường máu lan ra.
- Nếu nặn nhọt khi chưa chín sẽ phá vỡ vòng bảo vệ này và gây bội nhiễm. Nặng hơn có thể bị nhiễm trùng máu.
- Cách duy nhất là chờ nhọt chín, phần ở giữa mềm và xuất hiện ngòi trắng thì đưa vào khoa ngoại, bác sĩ sẽ chích ra cho. Nếu nhọt bị vỡ và con bị sốt cao tức là đã nhiễm trùng thì phải đưa vào viện ngay.
"Nói chung bố mẹ thiếu hiểu biết khiến con phải khổ thế đấy. Thương em Mít quá. Trộm vía bác sĩ bảo may nhọt của Mít không phải ở đầu hoặc vùng mặt nguy hiểm nhiều dây thần kinh, may trong lúc sốt cao không bị co giật. May hơn là cũng đáp ứng thuốc nên hôm nay đã hết sốt và ban độc, không phải cấy máu nữa. Hi vọng em yêu mai xét nghiệm lại máu ok để được về nhà", người phụ nữ chia sẻ trên trang cá nhân.
Trẻ thường mọc mụn nhọt ở những vị trí nào?
Theo DS Khuê Vũ (làm việc tại Hà Nội), có 5 vị trí trẻ thường bị mụn nhọt tấn công. Điều quan trọng là cha mẹ cần sớm nhận biết, chú ý theo dõi và có hướng xử lý đúng.
- Trẻ bị mụn nhọt ở đầu: Vùng đầu dễ đổ mồ hôi, tạo môi trường cho vi khuẩn tấn công, sinh sôi và hình thành mụn nhọt.
- Trẻ bị mụn nhọt ở mông: Mông của trẻ thường xuyên bị ma sát với quần hoặc tã. Nếu mặc cho bé quần hoặc tã quá chật, nhất là vào mùa hè, không thay thường xuyên và vệ sinh vùng mông khô thoáng thì mông dễ bị hăm. Từ đó con dễ bị nổi mụn nhọt.
- Trẻ bị mụn nhọt ở chân tay: Trẻ hiếu động, thường xuyên nghịch bẩn. Nếu không được rửa tay thường xuyên đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển, gây mụn nhọt.
- Trẻ bị mụn nhọt ở mặt: Mặt là nơi dễ bị bụi bẩn bám. Nếu thời tiết nóng ẩm, tiết nhiều mồ hôi, trẻ không được vệ sinh mặt đúng cách sẽ dễ bị lên mụn nhọt.
- Trẻ bị mụn nhọt ở nách: Trẻ dễ bị nổi mụn ở vị trí này do tình trạng viêm, nhiễm khuẩn kết hợp với hiện tượng bít tắc lỗ chân lông do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.
Những cách xử lý đúng khi bị mụn nhọt, cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối, tránh gây hại con
Theo giới chuyên gia, để trẻ nhanh khỏi mụn nhọt, tránh bị biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần:
- Lau sạch và vệ sinh da bé bằng nước ấm, băng lại vùng da bị nhọt bằng một miếng gạc vô trùng. Thường xuyên thay băng để tránh lây lan.
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào mụn nhọt, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ ra.
- Cho trẻ dùng khăn mặt riêng, thường xuyên giặt ga giường, khăn tắm, phơi ngoài nắng.
- Không tự ý sử dụng thuốc bôi mụn nhọt cho trẻ mà chưa có sự đồng ý từ bác sĩ.
- Tuyệt đối không sờ, nắn, nặn khiến tình trạng mụn nhọt thêm nặng nề.
- Tuyệt đối không tùy tiện cho con uống kháng sinh. Muốn cho con dùng kháng sinh phải hỏi ý kiến bác sĩ.
- Khi tắm rửa, gội đầu cần cẩn trọng kỳ cọ nhẹ, tránh làm vỡ mụn nhọt.
- Dừng cho trẻ dùng sữa tắm lên vùng da bị mụn nhọt để tránh tình trạng kích thích nặng hơn.
- Cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, dễ chịu.
- Cho trẻ ăn uống khoa học, đủ chất, uống đủ nước để tăng đề kháng.
- Khi con xuất hiện dấu hiệu sốt, mệt mỏi, li bì, mụn nhọt sưng tấy bất thường hoặc không teo nhỏ sau 2 tuần cần đến bệnh viện can thiệp.