Từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại

Hội thảo khoa học 'Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị - Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay' đã diễn ra hai phiên tham luận chuyên đề và các phiên tọa đàm, trao đổi trực tiếp.

Quang cảnh phiên tham luận chuyên đề.

Quang cảnh phiên tham luận chuyên đề.

Các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình điều hành hai phiên tham luận, tọa đàm chuyên đề.

Các đại biểu tại phiên trao đổi, tọa đàm.

Các đại biểu tại phiên trao đổi, tọa đàm.

Tại phiên tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham luận, phân tích làm rõ những vấn đề chung về nguồn lực, về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư để xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đưa ra các nghiên cứu nhận diện sâu hơn những giá trị bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Các diễn giả cũng mong muốn đặt ra được các tiêu chí để bảo tồn, tạo dựng đô thị di sản cho các thế hệ tương lai, các tiêu chí ấy phải đảm bảo mối tương tác giữa cảnh quan, con người, văn hóa một cách hòa quyện chứ không phải các yếu tố trên rời rạc, chắp vá, từ đó tạo ra một cảm xúc thân thiện với con người. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đưa ra định hướng, chiến lược và các giải pháp để nối tiếp các giá trị của Di sản Thiên nhiên - Văn hóa - Định cư liên tục, nhiều thế kỷ vào phát triển đô thị đương đại, điều này cũng như một giải pháp để bảo tồn di sản thiên niên kỷ độc đáo có một không hai, nơi hội tụ tinh hoa thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam.

TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Dưới góc độ kinh tế di sản, các diễn giả đều nhận định rõ nền tảng để Ninh Bình phát triển kinh tế là nguồn lực di sản. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận di sản như một tượng đài mà phải có giải pháp để biến tài nguyên thành nguồn lực, thành tài sản và có cách tiếp cận khác nhau để tối đa hóa giá trị gia tăng nhưng vẫn đảm bảo được sự tồn tại và phát triển của chính di sản. Cùng với đó, chúng ta cũng không nhìn nhận kinh tế di sản chỉ đơn thuần là kinh tế du lịch mà phải nhìn nhận thấy rõ từ nguồn lực này có thể phát triển đa dạng các loại hình kinh tế mang tính sáng tạo và phụng dưỡng thiên nhiên.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Các đại biểu cũng trình bày những nghiên cứu, minh chứng tài nguyên thiên nhiên, di sản thiên nhiên chính là nền tảng, bệ đỡ của thành phố di sản mà Ninh Bình đang hướng đến. Chúng ta phải có cách ứng xử nào đó phù hợp để giải quyết một bài toán đầy mâu thuẫn giữa phát triển và bênh vực, bảo vệ thiên nhiên, từ đó tạo ra một đô thị đặc sắc riêng có. Trên cơ sở đó, cần phải có những công cụ và cách tiếp cận khác nhau để khai thác tối đa giá trị của di sản nhưng vẫn đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của chính di sản. Quá trình khai thác di sản phải đặt trong bối cảnh tổng thể (xu hướng, tiềm năng, bối cảnh, mục tiêu...) để có các giải pháp phù hợp. Trong đó, thể chế là vấn đề quan trọng nhất, phải thống nhất được về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách từ Trung ương đến cấp cơ sở; phải có chiến lược quy hoạch đồng bộ, kế hoạch cụ thể; phải thống kê, đăng ký và số hóa toàn bộ những tài sản mà chúng ta có; có phương pháp, cách thức tính toán, lượng hóa từng yếu tố giá trị bao nhiêu; xác định được chủ thể thực hiện và những ai được giao sứ mệnh ấy…

Tổng kết tham luận trao đổi tại Hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu rõ: Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đô thị, văn hóa với nội dung tham luận phong phú, đa dạng, nêu lên các quan điểm phát triển khác nhau nhưng đều hướng vào mục tiêu xây dựng đô thị Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ; các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc Cố đô Hoa Lư; khẳng định vị trí chiến lược rất quan trọng của đô thị Hoa Lư - Ninh Bình với giá trị nổi bật toàn cầu là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, các nhà khoa học đã nêu lên những quan điểm, đề xuất về cơ chế, chính sách cho sự phát triển đô thị Di sản dựa trên cơ chế, chính sách từ Trung ương đến cấp cơ sở; phải có chiến lược quy hoạch đồng bộ, kế hoạch hành động cụ thể, hướng đến xây dựng đô thị du lịch mang tầm quốc tế, đô thị sáng tạo. Trên cơ sở những bài tham luận, các ý kiến trình bày tại hội thảo, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh, Tạp chí Cộng sản đánh giá làm rõ nội dung tham luận, trao đổi để ban hành kết luận Hội thảo.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Hội thảo thực sự là một chủ đề chuyên sâu, các chuyên gia đã dành nhiều tình cảm, trách nhiệm cao để phân tích làm rõ những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đã nhận diện sâu sắc hơn giá trị bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư: Từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Đưa ra định hướng trong quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư - đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế, đô thị công nghiệp văn hóa và xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, văn hóa tự nhiên và phát triển đô thị. Đề ra các chiến lược, các giải pháp xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Với kết quả đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tạp chí Cộng sản cùng với tỉnh Ninh Bình tổng hợp những nội dung, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để xây dựng báo cáo tổng hợp Hội thảo để tiếp tục áp dụng, nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn.

Về phía các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, đồng chí đề nghị cần nghiên cứu, ứng dụng trong xây dựng chính sách, cơ chế thực hiện nhằm đưa những mục tiêu xây dựng, phát triển vùng đất Cố đô trở thành hiện thực, đó là: Xây dựng một đô thị “Xanh, bền vững và hài hòa”, phát triển công nghiệp văn hóa, đô thị sáng tạo; lấy di sản làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, lấy đô thị di sản làm cơ sở tạo sự kết nối cộng đồng, kết nối vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế. Từ đó phát triển ngành du lịch, công nghiệp văn hóa và tạo ra giá trị cho sự phát triển toàn diện, bền vững đột phá cho địa phương trong thời gian tới.

Song Nguyễn - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tu-coi-nguon-den-ban-sac-do-thi-mang-tinh-hien-dai-305994.htm