Từ đại ngàn về phố thị...
Tạm gác lại bộn bề mưu sinh thường ngày, từ các bản làng xa xôi nơi mọi miền Tổ quốc, gần 900 nghệ nhân đã có dịp hội ngộ ở TP. Đông Hà trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024. Với tâm hồn phóng khoáng đậm chất núi rừng, nghệ nhân các đồng bào dân tộc anh em đã mang về miền phố thị những bản sắc văn hóa đặc trưng, độc đáo. Mỗi dân tộc với mỗi sắc thái từ trang phục, ẩm thực cho đến làn điệu âm nhạc truyền thống riêng đã có dịp giao lưu, tỏa sáng và tạo nên không khí ngày hội đầy ấn tượng.
Muôn sắc màu hội tụ
Những ngày cuối năm, tiết trời Quảng Trị mưa phùn và gió rét. Vượt qua thời tiết bất lợi và gió bụi đường xa, nghệ nhân của 16 đoàn văn nghệ quần chúng các tỉnh, thành phố nô nức về với miền đất lửa. Với tâm hồn nghệ sĩ đậm chất đại ngàn, những nghệ nhân đã mang theo làn điệu dân ca, tinh túy ẩm thực và nếp sống, sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình về phố thị để giao lưu, trình diễn.
Từ đôi bàn tay thô mộc thường ngày lên nương rẫy, những nghệ sĩ trẻ tỉnh Lâm Đồng đã luyến láy điêu luyện trên cây đàn đá kết hợp với những điệu nhạc trong trẻo, vui tai vang lên từ cây đàn T’rưng trong dàn hợp xướng đã níu chân nhiều người đứng xem ở một góc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Ở phía trong gian trưng bày, các nữ nghệ nhân lớn tuổi say sưa bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm đủ màu sắc sặc sỡ và bắt mắt.
Kế bên cạnh, gian trưng bày của tỉnh Đắk Lắk diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu các món ăn truyền thống. Tại đây, thành viên các đoàn và người dân, du khách có dịp thưởng thức rượu cần cùng các món ăn như gà đồi nướng, canh cá suối, xôi nếp ngũ sắc, thịt nướng được chế biến mang hương vị đặc trưng địa phương.
Phía bên ngoài, chị Hờ Thiên Uông (48 tuổi), người dân tộc Ê Đê ở buôn Yok Đuôn, xã Yang Tao, huyện Lắk cùng một nghệ nhân khác say sưa trình diễn chế tác đồ gốm. “Tôi được mẹ dạy nghề làm gốm từ hồi còn thiếu nữ nên có thể làm được các vật dụng như nồi, niêu, bình hoa và các đồ lưu niệm để bán cho khách du lịch. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã mang được những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với ngày hội”, chị Uông vui vẻ cho biết .
Anh Bạc Cầm Pâng (22 tuổi), đoàn văn nghệ quần chúng tỉnh Sơn La tranh thủ biểu diễn xong đã dành thời gian tham quan không gian trưng bày ảnh các dân tộc và chụp hình lưu niệm. Anh Pâng cho biết đoàn mình đã vượt hơn 800 km từ vùng đất Tây Bắc tỉnh Sơn La đến với tỉnh Quảng Trị dự ngày hội.
“Chúng tôi tự hào mang theo những bản sắc của người Thái trắng, Thái đen đến từ xã Ngọc Chiến, huyện Mường La như áo cóm, váy nhung, chiếc khăn Piêu và nhiều làn điệu dân ca, ẩm thực truyền thống để giao lưu, thi diễn với các dân tộc anh em khác trong cả nước. Tôi cảm thấy rất vui mừng, xúc động vì đã có một ngày hội ý nghĩa như thế này để các dân tộc anh em thể hiện sự đoàn kết, hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau”.
Trong khi đó, nghệ nhân Triệu Thị Bình (65 tuổi), dân tộc Dao đến từ huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang trong bộ trang phục lễ hội truyền thống bắt mắt với màu đỏ và màu trắng chủ đạo, tỉ mẩn ngồi thêu hoa văn lên tấm vải thổ cẩm.
Bà Bình kể trang phục truyền thống của phụ nữ người Dao ở Sơn Động có họa tiết, hoa văn được dệt nên từ những sợi với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng”. Trang phục cũng là niềm kiêu hãnh, tự hào của người Dao. Dịp này, đoàn chúng tôi mang theo nhiều món ẩm thực ngon, lạ như xôi ngũ sắc, trứng kiến, nhộng ong, rượu ngô... để giao lưu với bè bạn”, bà Bình chia sẻ.
Trải nghiệm “hồn rừng” nơi phố thị
Thay vì tự tìm đến cộng đồng dân tộc ở các địa phương để tìm hiểu, trải nghiệm thì ngày hội được tổ chức tập trung đã tạo cơ hội cho nghệ nhân ở nhiều vùng miền có dịp giao lưu với nhau, với người dân và du khách. Cả nghệ nhân trình diễn lẫn người dân, du khách đều có cảm nhận mới lạ về những tinh túy của núi rừng được phô diễn trong không gian phố xá đông vui.
Là đội chủ nhà, đoàn văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Trị đã khuấy động không gian bằng những âm thanh của chiêng, trống rộn rã và điệu Ra Zóc trong ngày hội Ariêu, A Za truyền thống của người Pa Kô và những làn điệu dân ca đằm thắm của dân tộc Vân Kiều. Nhiều nghệ nhân, diễn viên của các tỉnh cũng nhanh chóng hưởng ứng, hòa vào cùng hát múa giao lưu với đoàn tỉnh Quảng Trị. Mọi người cùng hòa ca, vui vẻ mời nhau những món ăn đặc sản và chúc nhau trong tình đoàn kết, gắn bó.
“Lâu nay tôi chỉ biết văn hóa các dân tộc qua sách báo, mạng internet. Nhưng hôm nay, được hòa vào không gian lễ hội thực tế, tôi cảm nhận được đời sống văn hóa độc đáo, phong phú của các dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng bà con đồng bào các dân tộc đã bảo tồn rất tốt bản sắc của mình”, ông Phan Tấn Khải, đến từ tỉnh Quảng Nam vui vẻ nói. Trong khi đó, nhiều người dân Quảng Trị, trong đó có nhiều bạn trẻ cũng thích thú hòa mình vào ngày hội để tìm hiểu và có những trải nghiệm mới mẻ.
Nguyễn Thị Ngọc Cảm, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, chia sẻ: “Tôi chưa có điều kiện đi các nơi để tìm hiểu văn hóa, truyền thống các dân tộc. Vì vậy, hôm nay được hòa mình vào không gian lễ hội ngay tại Quảng Trị, tôi thật sự rất tự hào và ấn tượng. Qua đây tôi hiểu thêm về trang phục, ẩm thực, lễ hội truyền thống độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam”.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của ngày hội Nông Quốc Thành đánh giá rất cao sự nỗ lực của các đoàn. Đặc biệt ghi nhận các đoàn đã đưa nghệ nhân là những người đang thực hành giá trị di sản tại cộng đồng đến tham gia, trình diễn trích đoạn lễ hội thật sự đặc sắc và có sức sống.
Các dân tộc đã bảo tồn rất tốt từ trang phục cho đến nghi lễ tín ngưỡng. Từ đó giúp mọi người biết thêm những nét văn hóa truyền thống trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Qua ngày hội như thế này, chúng tôi tin rằng các giá trị văn hóa sẽ luôn được gìn giữ trường tồn.
Lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc
Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi, hào hứng và thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 chính thức khép lại.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH,TT&DL, Phó Trưởng Ban Tổ chức ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung khẳng định: Các chương trình nghệ thuật đặc sắc của 16 đoàn với hơn 64 tiết mục vừa đa dạng, vừa phong phú cả nội dung và hình thức. Những tiết mục trình diễn của nghệ nhân với các loại nhạc cụ kết hợp trang phục truyền thống thực sự lay động tình cảm của người dân, du khách.
“Chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật lần này, vai trò chủ thể của các nghệ nhân đã được khẳng định và ghi nhận thông qua sự đón nhận của công chúng và sự thẩm định, đánh giá của hội đồng nghệ thuật. Các đoàn thông qua sự lựa chọn nét đẹp đặc trưng văn hóa ở từng địa phương đã làm nổi bật các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình với tinh thần hội tụ, tỏa sáng trong ngày hội”, bà Nhung cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức ngày hội Hoàng Nam cho biết: Lễ hội diễn ra sôi nổi, hào hứng và đúng ý nghĩa là ngày hội của các dân tộc. Đây là nơi giao lưu, học hỏi, thể hiện và tỏa sáng các giá trị, tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số trong kho tàng di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
Qua ngày hội, các dân tộc hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của nhau, từ đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết. Đây cũng là cơ hội nhìn nhận lại những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại; để ý thức hơn việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong giai đoạn phát triển và hội nhập.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tu-dai-ngan-ve-pho-thi-190532.htm