Từ đam mê cá nhân… đến lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu đến cộng đồng

Trần Thùy Linh (hiện đang sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh) đã dành cả trái tim và tâm huyết của mình để lan tỏa tình yêu ngôn ngữ ký hiệu đến cộng đồng.

Hành trình ‘làm quen’ với ngôn ngữ ký hiệu

Biết đến ngôn ngữ ký hiệu từ nhỏ, khi xem thời sự và thấy phiên dịch viên ký hiệu ở góc màn hình, Linh quyết tâm học ngôn ngữ ký hiệu. Với tinh thần học hỏi, cô đã tự “học lỏm” trên mạng. Tuy nhiên, nhận ra việc “sống” cùng cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là cách tốt nhất để nắm bắt ngôn ngữ này, Linh đã quyết định tham gia Trung tâm Đào tạo ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội. Ở đây, cô được học hỏi trực tiếp từ người điếc.

Thùy Linh vẫn đang nỗ lực chặng đường đưa ngôn ngữ ký hiệu đến gần hơn với cộng đồng.

Thùy Linh vẫn đang nỗ lực chặng đường đưa ngôn ngữ ký hiệu đến gần hơn với cộng đồng.

Cộng tác tại Trung tâm Đào tạo ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội một thời gian, cô có cơ duyên kết nối với Chi hội Người điếc Hà Nội (HAD). Cô tham gia một số buổi tập huấn bên họ để hiểu hơn về cách họ tiếp nhận và truyền thông, nâng cao năng lực cho cộng đồng người điếc. “Mình cũng là một thành viên “part-time” của Làng Ký hiệu - nơi nuôi dưỡng và đồng hành cùng những con người đam mê học tập, trải nghiệm cuộc sống bằng ngôn ngữ ký hiệu. Mình hướng dẫn một số tiết hoạt động trải nghiệm cho các học viên của Làng”, Linh chia sẻ thêm.

Để ghi lại hành trình học của mình, Thùy Linh bắt đầu “kể chuyện” về ngôn ngữ ký hiệu trên TikTok @ptapnnkh và đến nay đã được gần 2 năm. Cô tâm sự: “Ban đầu, mình lập TikTok để kết bạn với người điếc và tập ký hiệu với họ. Dần dà, mình muốn lan tỏa sự thú vị của loại hình ngôn ngữ này nữa”. Những video của Linh đã thu hút sự quan tâm và yêu mến của nhiều người, mở ra cơ hội để cộng đồng biết đến và tìm hiểu sâu hơn về ngôn ngữ ký hiệu cũng như cuộc sống của người điếc.

Ngôn ngữ ký hiệu của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều khác nhau. Với Thùy Linh, việc học ký hiệu không khó lắm về mặt từ vựng, ngữ pháp, nhưng để giao tiếp được, người học phải vượt qua chính mình. Vì thế, điều thử thách nhất với cô trong quãng thời gian học là “bộc lộ cảm xúc”.

Thùy Linh (ngoài cùng, bên phải) đang trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu với các bạn trẻ.

Thùy Linh (ngoài cùng, bên phải) đang trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu với các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, cô cũng nhận ra một khó khăn nữa, đó là việc nhớ các ký hiệu bởi người nghe đã quen với việc nói mà không cần phải cử động cơ thể nhiều, nên khi dùng ký hiệu sẽ khá lúng túng. “Có thể chúng ta chỉ nói một cách rất tự nhiên mà không cần phải liên tưởng gì nhưng khi học ngôn ngữ ký hiệu, loại hình thiên về liên tưởng hình ảnh, thì não bộ chúng ta cũng chưa quen và gây khó khăn trong ghi nhớ”, Linh cho biết.

Muốn lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu đến cộng đồng

Khi những video TikTok của Thùy Linh được biết đến, cô nhận ra có nhiều bạn biết quá ít về ngôn ngữ ký hiệu và cả về người điếc, người khiếm thính. “Những gì ta biết đa số là truyền miệng, ít bàn luận về những thông tin có cơ sở khoa học, và thực tình rằng, chính ta cũng không chủ động quan tâm và tìm hiểu về nó. Nhưng đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, mình đã thấy có người tìm hiểu một cách cặn kẽ hơn”, cô bộc lộ.

Vốn là giáo viên, Thùy Linh cũng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong hoạt động giảng dạy của mình. Về cơ bản, tư duy của chúng ta được hình thành từ hệ thống ký hiệu hóa, thế nên những đứa trẻ hợp tác với cô vô cùng nhiệt tình và hào hứng.

Linh đang hướng dẫn các bạn cách làm thẻ “CCCD” của Làng Ký hiệu.

Linh đang hướng dẫn các bạn cách làm thẻ “CCCD” của Làng Ký hiệu.

Trong việc học, công việc hay đời sống, ngôn ngữ ký hiệu đều cho Thùy Linh thêm một góc nhìn mới, mà với Linh thì đó là góc nhìn “kích thích mình quan sát từ bao quát đến cụ thể với mỗi sự vật. Với một người thiên về tư duy hình ảnh như mình thì đây là một công cụ luyện tập khả năng liên tưởng, tưởng tượng hữu hiệu và thú vị”. Ngoài ra, ngôn ngữ ký hiệu cũng dần thúc đẩy Thùy Linh vượt qua những trở ngại giao tiếp, khiến ngôn ngữ cơ thể của cô bạn trở nên mềm mại và tự nhiên hơn.

Tháng Bảy năm trước, Linh có cơ hội được đồng hành cùng một lớp học nhỏ cho trẻ điếc. Giữa không gian lớp học bé xinh, Linh chìm trong tinh thần ham học hỏi của những đứa trẻ đang hiếu kỳ về thế giới rộng lớn. Cô chia sẻ: “Giáo viên của các em cũng là người điếc, nuôi dưỡng trái tim đam mê, nhiệt huyết, nỗ lực khai phá tài năng của mỗi cá nhân; hết mình hỗ trợ, động viên từng học trò tìm tòi và khám phá. Từ đội ngũ dự án này, mình cảm thấy tự hào về bản thân vô cùng”.

Được gặp gỡ những con người đang hết mình vì giáo dục, vì tương lai không bỏ lại ai ở phía sau, Linh cảm thấy bản thân như được tiếp thêm động lực trên hành trình lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu đến cộng đồng.

Nói về mong ước tương lai của mình, Thùy Linh hy vọng, nhiều người quan tâm đến cộng đồng người điếc hơn: “Từ việc quan tâm đến con người, chúng ta mới phát triển được các vấn đề xung quanh. Và rồi nhiều người biết đến ngôn ngữ ký hiệu hơn, có chuyên ngành nghiên cứu riêng, được giảng dạy trong chương trình học phổ thông...”.

Thùy Linh (hàng trước, thứ ba, từ trái qua) tham gia sự kiện “Làng gieo hạt”.

Thùy Linh (hàng trước, thứ ba, từ trái qua) tham gia sự kiện “Làng gieo hạt”.

Trong tương lai, Thùy Linh mong muốn có thể mở lớp tiếng Việt cho trẻ điếc, điều mà cô đã ấp ủ từ những ngày đầu học ngôn ngữ ký hiệu và nung nấu những khát khao được đồng kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Quỳnh Như

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tu-dam-me-ca-nhan-den-lan-toa-ngon-ngu-ky-hieu-den-cong-dong-post1664665.tpo