Từ 'đánh nhanh, thắng nhanh' sang 'đánh chắc, tiến chắc'
Ngày 26.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm 'Đánh nhanh, thắng nhanh' sang phương án 'Đánh chắc, tiến chắc'. Quyết định trên được Đảng ủy mặt trận trao đổi, đồng ý và ngày 30.1.1954 được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị phê chuẩn.
"Đánh nhanh, thắng nhanh" là quá mạo hiểm
Hạ tuần tháng 12.1953, Bộ Chính trị chỉ định Ðảng ủy mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Ðảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Theo kế hoạch, quân ta sẽ nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 25.1.1954 và hy vọng sẽ giành chiến thắng sau 2 ngày 3 đêm. Bởi lúc đó cả đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc và ta đều nhận định Pháp mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chưa được tăng cường lực lượng, bố trí còn sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố. Lợi dụng sơ hở đó, ta xác định phương châm tác chiến là “đánh nhanh, thắng nhanh”.
Tuy nhiên, theo Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Thiếu tướng Trần Minh Tuấn, khi chiến dịch gần đến ngày nổ súng đã xuất hiện những thay đổi lớn về địch và những khó khăn của ta. Đối với ta, công tác chuẩn bị trên mặt trận chưa được hoàn tất, do địa hình Điện Biên Phủ hiểm trở, phức tạp, có những nơi đèo dốc lên tới 60 độ, nên một số pháo binh của ta chưa đưa được vào trận địa, một số đã vào trận địa thì bố trí nơi địa hình trống trải, dễ bị lộ. Hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần vẫn chưa được chuẩn bị chu tất so với một chiến dịch lớn như vậy.
Đối với địch, với tiềm lực quân sự và sự hậu thuẫn khổng lồ từ phía Mỹ, chỉ trong thời gian ngắn, tận dụng lợi thế sân bay đã có sẵn tại cứ điểm, thực dân Pháp sử dụng không quân áp chế các con đường vận chuyển chính của ta như đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, xây dựng cầu hàng không vận chuyển một khối lượng vật chất quân sự khổng lồ để xây dựng một tập đoàn cứ điểm mà tất cả tướng lĩnh quân sự của cả Mỹ và Pháp đều phải công nhận là "không thể công phá".
Thiếu tướng Trần Minh Tuấn đánh giá, với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sớm nhận ra một số khó khăn của bộ đội ta. Thứ nhất, bộ đội chủ lực của ta đến thời điểm tổ chức chiến dịch mới chỉ đánh tiêu diệt địch cao nhất là tiểu đoàn tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, bộ đội ta đánh vào vị trí cấp tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có trận không thành công và bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai, chiến dịch này tuy ta không có hiệp đồng với máy bay, xe tăng, nhưng là lần đầu hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh trên quy mô lớn, mà lại chưa qua diễn tập, không tránh khỏi lúng túng. Thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những nơi địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng rất rộng với kẻ địch có ưu thế tuyệt đối về máy bay, xe tăng.
Những khó khăn đó ta chưa bàn bạc kỹ và tìm ra cách khắc phục. Do đó, nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thương vong sẽ rất lớn và khó bảo đảm “chắc thắng”. Phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" là quá mạo hiểm.
Chuẩn bị lại theo phương châm tác chiến mới
Theo Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, trải qua nhiều ngày đêm bám sát chiến trường, cân nhắc mọi mặt, trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, ngày 26.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến quyết định, thay đổi ngay cách đánh, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm tác chiến mới.
Thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến mới, sau hơn 2 tháng chuẩn bị, vào 17 giờ ngày 13.3.1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai ngày sau trận đánh mở đầu, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, nêu rõ: “Trung ương và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Trung ương và Bác có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”, “Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Ngày 29.3.1954, trước khi mở cuộc tiến công đợt 2, Tổng Quân ủy có một văn bản gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ: “Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu, dũng cảm chiến đấu của những người đảng viên Đảng Lao động, nhất là trong những giờ phút gay go quyết liệt. Tất cả các đồng chí chúng ta trong cuộc chiến đấu sắp tới đều phải kiên quyết, dũng mãnh, đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng giao cho...”.
Ngày 30.3.1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ra lệnh tiến công đợt hai vào các ngọn đồi phía Đông theo chủ trương “đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão” của Tổng Quân ủy. Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất cam go, quyết liệt. Riêng tại đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất ở phía Đông, ta với địch giành nhau từng tấc đất.
Đặc biệt, phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được thể hiện trong thư của Ban Bí thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp, ngày 21.4.1954, có đoạn: “… Bộ Chính trị nhắc anh chú ý mấy điểm: Vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể rút kinh nghiệm chống giữ đồi A mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm; tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa ta; ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điểm. Mục đích của chúng là cố giữ đến mùa mưa, cho rằng lúc đó quân ta phải rút vì không khắc phục được những khó khăn về cung cấp. Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhảy dù thì khi cần, chúng có thể nhảy dù ở sau trận địa ta hoặc ở một điểm nào có thể giữ trên tuyến cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng. Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”; mặt khác bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, từ cơ quan của Chính phủ đến các khu ủy, tỉnh ủy, ủy ban hành chính các cấp thuộc Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã động viên nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tình nguyện vào bộ đội, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến (kể cả nhân dân ở những vùng còn bị tạm chiếm). Những hành động thiết thực và nguồn cổ vũ to lớn của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ngoài mặt trận càng tin tưởng, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh để đánh thắng quân thù, tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.