Từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn
Sáng ngày 21/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc 'Tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm'.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn cả an sinh xã hội. Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện. Bước đầu, công tác này đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra tại một số địa phương, gây lo lắng cho người dân và bức xúc cho xã hội.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc xảy ra ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả với các nước có hệ thống quản lý tiên tiến. Tuy nhiên để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm phù hợp cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Bên cạnh đó có cả nguyên nhân chủ quan như sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt dẫn đến tình trạng cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩn nông sản do ngành nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm; hay cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Đối với các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm nhận định đã cơ bản đầy đủ; sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương đã rõ ràng... tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.
Chia sẻ tại hội nghị về một số khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết: Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phối hợp tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng hóa nhập lậu với mặt hàng thực phẩm tại khu vực cửa khẩu, biên giới và thị trường nội địa, đặc biệt sau các đợt dịch bệnh, đã mang lại những kết quả khả quan, trong đó có nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu với số lượng lớn tang vật vi phạm.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn đối tượng buôn lậu thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm không đảm bảo chất lượng của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn vì đối tượng thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức giao hàng, vận chuyển và triệt để lợi dụng địa hình hiểm trở tại các khu vực biên giới. Thực phẩm nhập lậu được các đối tượng trà trộn, ngụy trang thực phẩm bẩn với nhiều loại hàng hóa, vật liệu ít ai ngờ tới trên đường vận chuyển.
Tại khu vực cửa khẩu, biên giới, phương thức nhập lậu của các đối tượng không chỉ được thực hiện bằng những thủ đoạn gian lận thương mại, lợi dụng chính sách thông thoáng trong nhập khẩu để nhập lậu thực phẩm vào thị trường nội địa, mà còn lợi dụng chính sách cư dân biên giới để tách lẻ hàng hóa, xách hàng hóa nhập lậu qua biên giới để tập kết đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Với thị trường nội địa, lực lượng chức năng cũng thường xuyên phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp từ nông thôn đến thành thị, từ những vụ việc vận chuyển, tàng trữ hàng tấn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đến những vụ việc kinh doanh nhỏ kẻ tại các chợ dân sinh.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng thương mại điện tử xuyên biên giới để nhập lậu thực phẩm vào thị trường trong nước. Các đối tượng "đầu nậu” luôn lợi dụng nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu của người dân cũng như sự “hám lợi” của một số tiểu thương để kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng…
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của một số địa phương về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm; nhận diện nguyên nhân mất an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức của người tiêu dùng, chủ sản xuất về an toàn thực phẩm, như: tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Sóc Trăng...
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu: Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Công điện số 44/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Công văn số 2487/BYT-ATTP của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đối với các Bộ, ngành, UBND các cấp, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp), không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động. Ngành Nông nghiệp, Công Thương tăng cường kiểm soát sản phẩm nông sản: thịt, rau, củ, quả... và các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NÐ-CP; không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, Công Thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các địa phương, Bộ, ngành: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phấm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn.
Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty kiên quyết không ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống với những cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, thậm chí có ca tử vong. Mới đây nhất, chiều tối ngày 15/5, tại Đồng Nai xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai nhập viện.
Trước đó, trong tuần đầu tháng 5 cũng liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có vụ hơn 500 người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì...