Từ đây đến năm 2025, Kiên Giang cắt giảm 2.550 tàu cá
Dự kiến từ tháng 7-2023 đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang cần cắt giảm khoảng 597 tàu cá và điều chỉnh cơ cấu nghề theo hướng giảm tàu ở nhóm nghề lưới kéo, lưới rê, nghề câu, nghề khác và theo hướng tăng tàu ở nhóm nghề vây, nghề lồng bẫy.
Sáng 6-4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị sơ kết thực hiện dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, đề xuất sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (gọi tắt là dự án).
UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt dự án ngày 6-7-2021. Theo lộ trình, việc thực hiện cắt giảm tàu cá theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2021-2022, Kiên Giang tiến hành rà soát lại toàn bộ tàu cá chưa đăng ký, xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ hỗ trợ cắt giảm tàu thuyền, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản, các mô hình thí điểm chuyển đổi nghề nghiệp cho các đội tàu bị cắt giảm… phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu nghề trong giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2023-2025, tỉnh sẽ tiến hành cắt giảm toàn bộ 2.550 tàu cá để đạt số lượng tàu cá khai thác bền vững là 9.219 tàu.
Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh rà soát số lượng tàu cá chưa đăng ký, cho đăng ký tàu cá theo đề xuất của dự án; tiến hành xóa đăng ký tàu cá đối với các tàu mất, hư hỏng, không còn trên thực tế để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Đến ngày 6-3-2023, Kiên Giang đã thực hiện cho đăng ký đối với 458 tàu cá trên tổng số 2.347 tàu cá chưa đăng ký, xóa đăng ký đối với 1.053 tàu cá.
Dự kiến từ tháng 7-2023 đến năm 2025, số lượng tàu cá cần cắt giảm khoảng 597 chiếc và điều chỉnh cơ cấu nghề theo hướng giảm tàu ở nhóm nghề lưới kéo, lưới rê, nghề câu, nghề khác và theo hướng tăng tàu ở nhóm nghề vây, nghề lồng bẫy.
Về phân vùng quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân vùng quản lý hoạt động khai thác thủy sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi, quy định khu vực cấm khai thác quanh năm ven biển 3 hải lý, ven đảo 1 hải lý, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời gian tại vịnh Rạch Giá, đảo Hòn Tre, quần đảo Bà Lụa và quần đảo Hải Tặc.
Bên cạnh một số nghề, ngư cụ cấm khai thác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, UBND tỉnh Kiên Giang đã bổ sung một số nghề cấm khai thác như nghề cào banh lông, cấm phát triển số lượng tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê; quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với một số đối tượng thủy sản đặc thù như ghẹ xanh, nghêu lụa, sò lông, sò huyết, hến….
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, khó khăn hiện nay dự án đang gặp phải đó là các chính sách, cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác còn đang trong giai đoạn xây dựng. Ngoài số lượng tàu cá hiện có 11.537 chiếc bao gồm 8.888 chiếc đã đăng ký (sau khi xóa 1.053 chiếc) và 2.649 chiếc chưa đăng ký đã được UBND tỉnh Kiên Giang cho chủ trương đăng ký mới, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm 2.486 tàu cá do ngư dân tự ý đóng mới, chưa đủ điều kiện giấy tờ hoạt động theo quy định, gây nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp cơ cấu nghề khai thác của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đề nghị đối với số lượng tàu phát sinh, các địa phương cần phối hợp ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát, đối chiếu, kiểm điếm và loại trừ các tàu cá trùng lắp giữa 2 danh sách tàu cá gồm số tàu đã cho chủ trương đăng ký và số lượng tàu cá mới phát sinh.
Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ các xưởng đóng tàu không đủ điều kiện trên địa bàn; tuyên truyền, giáo dục người dân không tự phát đóng tàu ra khơi, từng bước thực hiện chuyển đổi nghề.
Đồng chí Lâm Minh Thành đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Trước mắt, Kiên Giang chuyển đổi một số nghề phù hợp với người lao động đi biển như: Nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, dịch vụ hậu cần nghề khai thác thủy sản. Để thực hiện việc chuyển đổi nghề, tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân chuyển đổi từ hoạt động khai thác thủy sản sang nghề khác thân thiện với nguồn lợi và môi trường sinh thái. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch hệ thống cảng phục vụ nghề khai thác thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường lặp lại trật tự tàu ra vào cảng, đồn, trạm biên phòng; phối hợp các lực lượng, địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tàu cá, xử lý vi phạm hành chính tàu cá vi phạm.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, phường, thị trấn tăng cường hơn nữa trong việc rà soát tàu cá, tăng cường công tác quản lý tàu cá, tuyệt đối không phép phát sinh đóng mới phương tiện; phối hợp với ngành nông nghiệp nghiên cứu, đề xuất vận dụng lồng ghép với các chương trình giải quyết việc làm ở địa phương để thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản sang ngành nghề khác...
Tin và ảnh: THÙY TRANG