Từ đề xuất 'sở hữu nhà chung cư có thời hạn': Nhiều ý kiến không đồng tình

Tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 17-2, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn của Chính phủ. Vấn đề này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quan tâm, phản biện.

Chung cư Dreamhome Residence tọa lạc tại phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Đức Trung

Chung cư Dreamhome Residence tọa lạc tại phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Đức Trung

Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM): Chỉ nên quy định về thời hạn sử dụng

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này quy định: Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Dù chưa hết thời hạn sử dụng nhưng nếu nhà chung cư thuộc diện hư hỏng, bị phá dỡ, sẽ đồng thời chấm dứt quyền sở hữu của người dân. Điều này không phù hợp và trái với quy định của Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, theo Bộ luật Dân sự, phần diện tích, trang thiết bị và các tài sản khác dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung hợp nhất của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không phân chia, trừ trường hợp luật quy định khác hoặc tất cả chủ sở hữu có thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng quy định khi nhà chung cư bị tiêu hủy, phá dỡ thì quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn còn tồn tại. Như vậy, theo tôi, chỉ nên quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư chứ không nên đồng nhất khái niệm và áp dụng các quy định về giới hạn quyền sở hữu nhà chung cư.

Ông PHẠM ĐỨC TOẢN, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property): Cần đánh giá tác động một cách thận trọng

Tâm lý của người Việt Nam chúng ta, nhà là tài sản lớn và có tính thừa kế. Do vậy, chung cư có thời hạn sử dụng thì càng về sau, giá trị sẽ càng giảm. Chung cư có hay không có thời hạn sử dụng thì chi phí xây dựng vẫn như nhau, chỉ khác là tiền sử dụng đất sẽ giảm đi, trong khi khoản này chỉ chiếm một phần trong tổng chi phí thực hiện một dự án. Giá chỉ rẻ đi khoảng 10%-15% thì không hấp dẫn người mua, thay vào đó, người dân sẽ bỏ thêm tiền để mua những tài sản có giá trị lâu dài như nhà đất trong hẻm và nhà ở vùng ven, khiến giá bất động sản loại này tăng cao. Về ngắn hạn, chung cư có thời hạn sử dụng sẽ khó thực hiện. Bên cạnh đó, tính hấp dẫn sẽ thấp đi đối với người mua nhà, khiến các chủ đầu tư không còn mặn mà thực hiện.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Vì vậy, cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng và kỹ càng.

Bà BÙI THỊ DUYÊN, cư dân chung cư Dreamhome Residence (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM): Chủ sở hữu không an tâm

Căn hộ chung cư là tài sản lớn đối với gia đình tôi cũng như nhiều người khác. Nó không chỉ để ở mà còn để tặng lại cho con cháu sau này, khi vợ chồng tôi về già. Nhưng nếu quyền sở hữu có thời hạn, chúng tôi thà bán căn hộ rồi mua đất nền để được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài. Không ai đảm bảo được sau 50 năm hay 70 năm, tòa chung cư vẫn sẽ đảm bảo chất lượng để được tiếp tục gia hạn cả. Thêm nữa, việc áp thời hạn sử dụng cho các căn chung cư khiến nhiều chủ sở hữu luôn có tâm lý đây không phải là tài sản của bản thân mình mà có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể việc áp thời hạn sử dụng cho các căn chung cư sẽ khiến giá trị căn hộ theo từng năm sẽ bị khấu hao và khi muốn bán lại, giá cũng sẽ giảm nhiều so với thời điểm mua.

Ông LÂM TẤN HIẾU, quận 1, TPHCM: Cần có một loại phí xây dựng lại chung cư

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này đã thể hiện việc sở hữu gắn với tuổi thọ công trình. Theo tôi, như vậy chưa ổn. Nên chăng cần quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư và không nhất thiết giới hạn thời gian sở hữu của chủ căn hộ. Bởi lẽ, thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ được thể hiện trong hồ sơ thiết kế. Đúng niên hạn, cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện và có kết luận gia hạn thời gian sử dụng hay không. Nếu phải tháo dỡ, di dời dân thì quyền sở hữu đất ở vẫn còn đó. Có không ít trường hợp, như một chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM vừa đưa vào sử dụng không bao lâu, nhưng nền đã bị nứt, nghiêng…, có dấu hiệu sụp đổ bất cứ lúc nào. Chính quyền quận 1 đã khẩn cấp di dời người dân về các căn hộ chung cư khác. Chung cư đã được tháo dỡ, nhưng cư dân vẫn còn quyền sở hữu căn hộ đó.

Để hài hòa các lợi ích và đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống trong các chung cư, theo tôi, cần quy định người mua chung cư phải đóng một số tiền mỗi năm. Và đó chính là khoản tiền xây dựng lại chung cư khi tòa nhà đó không an toàn hay hết thời hạn sử dụng.

Luật sư LÝ THỊ NGỌC HIỆP, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai: Quy định gây hoang mang cho người mua nhà chung cư

Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quyền sử dụng đất ở chung đối với chung cư mà hộ gia đình cá nhân đã mua được sử dụng lâu dài, không có thời hạn. Đối với công trình xây dựng trên đất có quy định niên hạn nhằm đảm bảo an toàn thì khi hết hạn, quyền thanh lý, tháo dỡ, vật tư vật liệu cũng là tài sản chung. Việc xác định chung cư có thời hạn là để đảm bảo về an toàn chứ không mất đi quyền sở hữu tài sản theo quy định pháp luật dân sự. Vì vậy không nên nhầm lẫn giữa thời hạn để đảm bảo an toàn trong xây dựng và quyền sở hữu trong dân sự. Nếu quy định quyền sở hữu chung cư là 50 năm thì mâu thuẫn với thời hạn sử dụng đất ở trong Luật Đất đai, tước đoạt quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu chung cư trái pháp luật dân sự, gây hoang mang cho người mua nhà, không khuyến khích được chế định phát triển nhà ở chung cư, vì nếu không được sở hữu thì họ thuê nhà sẽ có lợi hơn.

NHÓM PV ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-de-xuat-so-huu-nha-chung-cu-co-thoi-han-nhieu-y-kien-khong-dong-tinh-post682652.html