Từ đồi chè Long Tỉnh nhìn về Biển Hồ, Bàu Cạn
Trong chuyến tham quan Trung Quốc cách đây không lâu, tôi đã có dịp đến TP. Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Nơi đây có rất nhiều danh thắng tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức UNESCO vinh danh, đưa vào danh sách bảo tồn và một trong những địa điểm tôi đến thăm là làng chè nổi tiếng Long Tỉnh (Longjing). Từ đồi chè Long Tỉnh, nhìn về Biển Hồ, Bàu Cạn (Gia Lai) như học hỏi thêm được đôi điều về cách làm du lịch của nước bạn.
Làng chè Long Tỉnh cách trung tâm TP. Hàng Châu khoảng 20 km. Đây là vùng có khí hậu ôn đới và nằm giữa những núi đồi trùng điệp nên rất thích hợp với cây chè. Muốn vào làng phải đi qua 1 đường hầm dài hơn một cây số, nghe kể trước kia không dễ đến đây bởi phải đi vòng cả ngày để tránh ngọn núi. Khoảng hơn chục năm trước, người dân trong làng đã góp tiền đào đường hầm xuyên núi để đưa làng đến với thế giới bên ngoài nhanh hơn. Buổi chiều, xe chạy êm trên con đường ngoằn ngoèo giữa những nương chè bậc thang xanh mướt, sương phủ bàng bạc. Vẫn còn một vài người dân đội nón rộng đang lom khom hái chè.
Vào làng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là những ngôi nhà cổ kính, mái ngói rêu phong. Vườn nhà nào cũng rất sạch, hoa cỏ xanh tươi, đủ màu sắc. Những quán trà san sát nhau phục vụ du khách dừng chân. Ngoài món trà Long Tỉnh, khách còn được thưởng thức các món đặc sản. Tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè Long Tỉnh-nói chính xác là Bảo tàng trà quốc gia Long Tỉnh-du khách được đón tiếp rất ân cần, lịch sự. Trong không gian ấm cúng, ngoài các sản phẩm chế biến từ chè còn có bánh mứt, kẹo các loại. Những thông tin về làng chè được cô gái trẻ nói tiếng Việt khá sõi cho chúng tôi biết. Làng Long Tỉnh đã có nghề trồng và chế biến chè rất lâu nhưng đến đời nhà Thanh mới thực sự nổi tiếng do có lần Vua Càn Long (1736-1795) ghé qua đây (1762). Sau khi thưởng thức trà, ông rất tâm đắc và đã viết một bài thơ ca ngợi chất lượng chè và cảnh quan làng chè Long Tỉnh. Đặc biệt, ông còn dán nhãn lựa chọn 18 cây chè trong làng như là chè hoàng gia, trà Long Tỉnh nổi tiếng Trung Quốc kể từ ngày đó. Hiện nay, làng có hơn 800 dân, diện tích vườn chè rộng trên 53 ha, được thu hoạch rất công phu. Hái đọt chè và sao chế đều làm bằng tay, phải đủ 80 ngàn đọt chè tươi mới cho ra 1 kg thành phẩm. Chè Long Tỉnh có nhiều giá, loại thấp nhất 100-1.000 nhân dân tệ, cao nhất là 9.000-trên 10.000 nhân dân tệ.
Chè Long Tỉnh ngon đã đành, thế nhưng chính phong cách tiếp thị của làng chè càng khiến tôi quan tâm. Nhân viên trực tiếp thị phạm cho chúng tôi khâu pha chế trà, từ cách làm nóng ấm chén cho đến tỷ lệ lá trà trong một bình, cách rót nước pha trà… Vừa thao tác vừa thông tin về những tác dụng của trà Long Tỉnh, nào là nhờ chế biến thủ công nên chè Long Tỉnh là thức uống rất tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều chất bổ dưỡng, giải độc, lưu thông khí huyết, ngừa tăng huyết áp, ngừa ung thư, chống lão hóa, không mất ngủ...
Đến làng chè Long Tỉnh, tận thấy cảnh quan và đời sống của người dân nơi đây, tôi không khỏi liên tưởng đến vùng chè nổi tiếng của Gia Lai đã có tuổi đời hàng trăm năm là Biển Hồ và Bàu Cạn. Đây là 2 đồn điền chè được người Pháp trồng từ những năm đầu thế kỷ XX (Biển Hồ trồng năm 1919-1920, còn chè Bàu Cạn trồng năm 1923). Nếu như Long Tỉnh nằm giữa vùng núi đồi thì Biển Hồ và Bàu Cạn của ta nằm trên địa hình cao nguyên bằng phẳng, có nhiều hồ nước lớn phục vụ tưới vườn cây và cả góp phần điều hòa tiểu vùng khí hậu. Những vườn chè xanh mướt, rộng bát ngát, không chỉ mang lại nguồn lợi từ việc kinh doanh sản phẩm chè mà còn có thể khai thác du lịch, thu hút du khách đến từ mọi miền trong nước và cả khách quốc tế. Hiện nay, một số vùng chè trong nước như: Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ… đã tổ chức loại hình du lịch trải nghiệm trong vùng chè. Gia Lai chúng ta có đầy đủ điều kiện để phát triển loại hình này. Với quần thể thắng cảnh bao gồm những ngọn núi lửa hùng vĩ, hồ nước, sông suối cùng nhiều dòng thác lớn nhỏ và các làng dân tộc bản địa ôm gọn vùng chè là những lợi thế mà vùng chè Long Tỉnh không thể có được. Bên cạnh việc quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thì liên kết chặt chẽ với ngành du lịch để đưa các tour du lịch về với vùng chè là vấn đề cần quan tâm. Cần đầu tư thêm một số cơ sở hạ tầng để đón du khách như “bảo tàng chè” với những hiện vật (có thể phục chế), hình ảnh cụ thể được sắp xếp một cách khoa học theo trình tự thời gian; nâng cấp đường nội bộ và đường đến các thắng cảnh trong vùng, xây dựng một số nhà nghỉ tạm đủ tiện nghi giữa vườn chè, bảo vệ tốt những gốc chè cổ thụ được trồng trong những năm 40 của thế kỷ trước… Không chỉ tự mình có thể giới thiệu quy trình thu hoạch, chế biến chè mà mỗi người dân vùng chè đều có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách trực tiếp tham gia vào từng công đoạn thu hái, sơ chế chè…
Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Biển Hồ và Bàu Cạn sẽ mang lại lợi nhuận kép từ trồng chè và du lịch canh nông, xứng đáng với tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng.