Từ đứa trẻ xóm xì ke tới CEO công ty thiết bị bay không người lái
Đứa trẻ từng có tuổi thơ tại một xóm đầy rẫy tệ nạn xì ke, trộm cắp, gái mại dâm. Giờ đây, ông là người xuất khẩu thiết bị bay không người lái của Việt Nam ra thế giới.
Tòa nhà trong một con hẻm trên đường Khổng Tử, TP. Thủ Đức (TP.HCM), đặc “mùi” cơ khí chế tạo. Đây là đại bản doanh tạm thời của Công ty TNHH Realtime Robotics Inc (RtR). Trước mặt bàn của mỗi nhân viên công ty là la liệt những cấu kiện tạo nên thiết bị bay không người lái (drone).
CEO công ty, Tiến sỹ Lương Việt Quốc cho biết, ở đây, những cuộc tranh luận tay đôi giữa ông và các kỹ sư trẻ diễn ra như cơm bữa. Đó là bản chất của R&D (nghiên cứu, phát triển) sản phẩm. Cuối năm ngoái, RtR là công ty đầu tiên xuất khẩu được drone HERA 100% “Made in Việt Nam” ra thế giới.
Trong chiếc áo thun cộc tay, quần jean và đôi dép đã cũ, ông Quốc nhìn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 58 của mình. Vị tiến sỹ trở về từ thung lũng công nghệ Silicon (Mỹ) đang nghĩ về những điều không tưởng, dựa trên chất xám Việt.
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Chất lượng chất xám là điều quyết định việc tôi về Việt Nam để sản xuất drone. Cũng có người hỏi tôi có phải vì chi phí nhân công rẻ? Nếu nói chi phí nhân công rẻ, tôi hoàn toàn có thể mở công ty ở nhiều quốc gia khác. Vấn đề ở đây là hiệu quả chất xám, tài năng của kỹ sư người Việt đủ sức R&D các sản phẩm công nghệ.
Sau thời gian sống, làm việc ở thung lũng Silicon, tôi nhận ra, tư duy của các nước phát triển là luôn hướng tới tương lai. Họ tìm hiểu những thứ tương lai cần trong khi hiện tại chưa có giải pháp, từ đó, các công ty tìm cách giải quyết những vấn đề đang vướng mắc.
Phát minh lớn làm thay đổi cuộc sống nhân loại, như: Internet, điện thoại thông minh, Google, gần nhất là ChatGPT... đều xuất phát từ Mỹ. Sẽ thấy, quốc gia này có tầm nhìn hướng về phía trước, họ nghĩ 5-10 năm nữa xã hội sẽ đi về đâu, nhìn xa để tập trung R&D. Đó là điều tôi muốn làm với nhân sự người Việt.
- Nói thì dễ nhưng công nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng “vẫn mãi là người đến sau” so với nhiều quốc gia trên thế giới?
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Xuất phát điểm của công nghiệp Việt Nam rất thấp, đó là thực tế phải thừa nhận. Nhưng sẽ là “tham bát bỏ mâm” nếu chúng ta cứ coi công nghiệp hỗ trợ là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thay vào đó, cần nhìn xa hơn, tìm kiếm thành quả dựa trên những phát minh đã có, để tạo bàn đạp.
Ví dụ như thế này, nếu một sản phẩm điện thoại iPhone được bán ra thị trường với giá 1.000 USD. Giá vốn của điện thoại cao nhất chỉ khoảng 400 USD, trong đó, chi phí lắp ráp là 30 USD. Phần giá trị lớn nhất còn lại là 600 USD được Apple bỏ túi, nó chiếm tới 60% giá trị sản phẩm.
Giả sử, Việt Nam là quốc gia đạt được trình độ nội địa hóa hết 100% các chi tiết của điện thoại Apple từ màn hình, con chip, bộ nhớ... thì sẽ chiếm được trọn vẹn 400 USD. Đó là mục đích của nội địa hóa. Nhưng, cái cần hướng đến là con số 600 USD mà Apple bỏ túi. Đó là thành tựu từ R&D sản phẩm và chất xám trong sáng tạo.
Nếu như trước đây, Hàn Quốc luôn xếp sau Nhật Bản với các sản phẩm tivi thì ngày nay, Samsung của Hàn đã đánh bại thương hiệu Sharp hay Toshiba của Nhật. Vì họ đã có những cải tiến, phát minh đột phá về màn hình tivi. Việt Nam nên đi theo con đường này.
Ngay cả nước láng giềng Trung Quốc cũng vậy, họ đang có những sản phẩm cạnh tranh hàng đầu thế giới chứ không chỉ mang tiếng “copy” như trước. Đơn cử, drone DJI Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về phân khúc cho lĩnh vực quay phim, chụp ảnh. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ không thể nào cạnh tranh được.
- Phải chăng đó là lý vì sao drone HERA được bán với mức giá cao trên thị trường nhưng vẫn được khách hàng tìm đến?
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Đúng. HERA được bán giá 58.000 USD/chiếc trong khi các sản phẩm cùng loại đang có giá khoảng 30.000 USD/chiếc, phần chênh lệch đó đến từ chất xám R&D của kỹ sư Việt Nam. Drone “Made in Việt Nam” có những có tính năng mà những chiếc drone khác không có nên người dùng mới sẵn sàng trả giá cao để mua.
Giá trị chiếc drone nằm ở khả năng của các thiết bị mà nó có thể mang theo. Về mặt vật lý, để nâng được một vật nặng thì động cơ và cánh quạt phải lớn để tạo ra đủ lực nâng. Drone cũng vậy.
HERA giải được bài toán trên. Đây là mẫu drone bỏ vừa ba lô người đeo nhưng có khả năng mang thiết bị nặng tới 15kg khi bay, tức là gấp 7 lần so với các sản phẩm cùng loại. Về không gian, các mẫu drone trên thế giới thường chỉ đủ chỗ để gắn 1 tải hoặc 1 camera, nhưng HERA có thể mang được 4 tải cùng lúc, mỗi tải có tầm quan sát 360 độ. Do đó, khả năng thực hiện nhiệm vụ của HERA vượt trội so với các drone hiện có.
HERA hướng tới thị trường mang tính chuyên nghiệp, sử dụng cho kiểm tra cơ sở hạ tầng như điện gió, điện mặt trời, đường điện cao thế, cầu đường... Từ tháng 12/2022 tới nay, doanh thu bán sản phẩm là khoảng 700.000 USD. Ngoài cung cấp cho thị trường Mỹ, chúng tôi cũng đang trao đổi với nhà mua hàng tại Anh nhằm xuất khẩu HERA sang NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Tư duy “con buôn” sẽ cản trở sự phát triển. Thay vào đó, sáng tạo là điều doanh nghiệp chúng tôi luôn hướng đến.
Đối với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói chung, hãy phát minh những gì có trong cuộc sống hàng ngày... Như ChatGPT, khởi đầu chỉ với khoảng 100 nhân viên, khi hình thành sản phẩm, sẽ có người sẵn sàng đầu tư tiền.
Từ trước tới nay, tại sao chữ “Made in Việt Nam” lại bị đánh giá thấp hơn dòng chữ “Made in Japan”, cần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi, giá trị của “Made in Japan” là kết quả từ hàng thập kỷ, công ty Nhật cung cấp các mặt hàng chất lượng tuyệt hảo ra thế giới như Sony, Toyota, Honda... Do đó, nếu muốn chữ “Made in Việt Nam” có giá trị thì cần những công ty tiên phong, đâu còn cách nào khác?
Sản xuất những sản phẩm mang đẳng cấp thế giới, đây là cách doanh nghiệp góp phần vào xây dựng thương hiệu quốc gia. Kỹ sư người Việt đủ tài tăng để tạo ra phát minh cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế. Nếu doanh nghiệp Việt không làm thì ai sẽ làm?
- Nhìn lại hành trình đã qua, ông có thấy mình may mắn khi có được thành quả hiện tại?
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Tôi có những nhà đầu tư thiên thần, họ đầu tư 4 triệu USD vào công ty từ khi tôi start-up năm 2014. Thiên thần tức là họ đặt niềm tin vào cái mà chúng tôi làm khi đó, được ăn cả ngã về không. Nhưng tôi không nghĩ là do “may mắn”, đó đúng hơn là “nhân quả”. Có bột mới gột nên hồ, anh phải làm gì thì mới thuyết phục được người khác tin và bỏ ra số tiền như vậy để đầu tư chứ? Tôi đã chứng minh mình xứng đáng và đủ khả năng phát minh ra sản phẩm vươn tầm thế giới.
Nhân nói về sự hỗ trợ, thật tiếc, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp theo kiểu rủi ro như vậy. Bởi, khi anh đổ tiền vào R&D, không có gì đảm bảo sẽ ra kết quả. Tỷ lệ thành công có lẽ chỉ dưới 10% khi đầu tư vào phát minh. Chúng ta chưa có cơ chế để lĩnh vực công dám chấp nhận rót tiền cho một doanh nghiệp, rồi thành quả phát minh có thể chỉ là con số 0. Khi đó, ai chịu trách nhiệm?
- Nếu ở Mỹ, vấn đề trên được Chính phủ giải quyết như thế nào?
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Họ có một quỹ gọi là America's Seed Fund, “seed” là hạt giống, đây có thể được hiểu như quỹ ươm mầm. Quỹ này được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, chuyên tài trợ cho các doanh nghiệp vừa nhỏ, có phát minh đột phá trong mọi lĩnh vực.
Chính phủ biết doanh nghiệp có những ý tưởng xuất sắc nhưng họ không có tiền để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Lúc này, nhà nước tài trợ và không chiếm bất kỳ quyền sở hữu, tỷ lệ sở hữu nào đối với công ty đó cả. Như vậy, Nhà nước sẵn sàng tài trợ và chấp nhận mất tiền. Một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp sẽ thất bại, nhưng chỉ tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp thành công, họ sẽ trở thành các kỳ lân công nghệ, đóng lại tiền thuế cho Nhà nước, nền khoa học quốc gia được phát triển. Đó là mục đích sâu xa của tài trợ từ nguồn vốn công.
Tôi biết, Việt Nam chưa có cơ chế theo kiểu đầu tư công mạo hiểm như vậy, nhưng chúng ta có thể đi tắt đón đầu. Hãy hình dung như thế này đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần tiền.
Phương án thứ nhất, Nhà nước kêu gọi doanh nghiệp nộp hồ sơ các phát minh. Sau đó, thành lập một hội đồng chuyên môn thẩm duyệt để chọn ra dự án được rót vốn. Ở phương án này, vấn đề phụ thuộc vào sự công tâm của hội đồng đánh giá. Không loại trừ việc các thành viên trong hội đồng có quen biết doanh nghiệp, chưa kể tình trạng “đi đêm” trong thẩm duyệt.
Phương án thứ hai, hãy để thị trường quyết định. Nếu một doanh nghiệp có sáng chế được các quỹ uy tín như của Mỹ chấp nhận thì Nhà nước có thể căn cứ vào đó để quyết định tài trợ lại số tiền bao nhiêu % giá trị dự án.
Ví dụ, nếu dự án được quốc tế công nhận thì Nhà nước tài trợ khoảng 20-30% số tiền. Như vậy, chúng ta không cần mất công đoạn tìm doanh nghiệp tài năng. Nếu bằng sáng chế đó tiếp tục được thương mại hóa thành công, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thì tỷ lệ số tiền tài trợ cho doanh nghiệp có thể tăng lên. Hoặc, Nhà nước hỗ trợ công ty đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất…
Hãy cứ để thị trường là giám khảo. Nếu có được cơ chế này thì nhiều doanh nghiệp sẽ chấp nhận đầu tư vào sáng tạo.
- Với những gì đang có, dự định của Realtime Robotics trong tương lai là gì?
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Điều quan trọng đối với một công ty công nghệ là phải liên tục cập nhật bởi dòng đời sản phẩm ngắn, thay đổi rất nhanh. Nếu chúng tôi cứ ăn bám theo thành công của HERA thì sẽ tụt hậu. Trong năm nay, chúng tôi sẽ nộp tiếp 4 bằng sáng chế trong trong lĩnh vực máy bay không người lái, sẽ có sản phẩm ứng dụng, hỗ trợ cho nông nghiệp.
Realtime Robotics sẽ là một trong những công ty về drone có mức độ sáng tạo, đáng tin cậy cao trên thế giới. Sáng tạo trong phát triển sản phẩm và minh bạch về quản trị dữ liệu thông tin.
Khi chúng tôi hoàn thành việc xây dựng nhà máy trong Khu công nghệ cao TP.HCM thì công suất sản xuất có thể tăng từ 10-20 lần, lợi nhuận khoảng 10 triệu USD/năm, tăng trưởng hàng năm. Đó là mục tiêu.
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Đúng vậy, đó là những tháng năm không thể quên. Gia đình tôi có 9 anh chị em, cùng sống và sinh hoạt trên một diện tích sàn nhà khoảng 10m2. Căn nhà nằm trên nhánh rạch của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một dòng nước “chết” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là nơi tôi sống.
Bây giờ đã có nhiều thay đổi, nhưng trước đây, đó là xóm nghèo dưới đáy xã hội với nạn trộm cắp, xì ke, gái mại dâm. Nhiều gia đình mưu sinh bằng nghề trộm cắp. Cuộc sống khiến họ phải vậy.
12 tuổi, tôi nhặt rác kiếm sống trên dòng nước đen đó. 13 tuổi, tôi bán chanh, ớt kiếm tiền. 15 tuổi, tôi móc giun chỉ dưới lòng kênh để bán cho các tiệm nuôi cá cảnh. Có những đêm dầm nước móc giun 5-6 tiếng, bán giun chỉ đủ tiền mua được 1kg gạo.
Cuộc đời tôi thay đổi khi tôi nhận ra giá trị của giáo dục. Tôi hoàn thành hết chương trình lớp 12 nhưng không đậu được đại học, tôi chọn học trung cấp tại trường Trung học Tài chính TP.HCM. Sau đó, tôi học tiếp lên hệ đại học và dành 2 năm để học tiếng Anh.
Từ một người không biết gì về ngoại ngữ, tôi đạt điểm TOFEL đứng thứ 6 trong số 150 thí sinh tại kỳ thi năm 1994. Năm 2002, tôi được học bổng sau đại học Fulbright (Mỹ). Tôi giành được học bổng tiến sỹ tại Mỹ những năm tiếp theo. Sau những gì đã trải qua, tôi thấy cuộc đời này thật diệu kỳ. Những điều không tưởng đã trở thành hiện thực đối với mình. Kể cả trong giấc mơ tôi cũng không nghĩ đến.
Năm 2002, đêm đầu tiên, tôi thuê được căn hộ không đồ đạc tại thành phố Ithaca, New York. Tôi cuốn mền quanh người và nằm ngủ dưới sàn nhà cách xa gia đình nửa vòng trái đất. Nhưng tôi hạnh phúc với thời khắc đó, vì ngày hôm sau tôi được tiếp tục được đi học ở một trong những ngôi trường top của nước Mỹ.
Tiến sỹ Lương Việt Quốc: Mỗi câu chuyện anh hùng được kể luôn tạo nguồn cảm hứng để khích lệ, động viên con người vươn lên trong nghịch cảnh. Nhưng, câu chuyện của tôi là một tảng băng chìm.
Hãy tượng tượng, hình ảnh của tôi và một số cá nhân thành công khác nữa nằm ở phần chóp của tảng băng, tức là được mọi người nhìn thấy. Vì chúng tôi nổi trên bề mặt nước. Nhưng phần còn lại của tảng băng, phần chìm dưới nước lớn hơn rất nhiều. Tỷ lệ những người thành công như chúng tôi là rất thấp trong xã hội, có thể nói là một trên hàng nghìn đứa trẻ. Chúng tôi là ngoại lệ chứ không phải là quy luật.
Bởi vậy, khi ai đó nói về chúng tôi như những anh hùng thì ngoài kia có quá nhiều đứa trẻ đang sống trong một thế giới trái ngược. Câu chuyện này ở quốc gia nào cũng vậy, không phải chỉ riêng Việt Nam.
Đến giờ, những người bạn thời thơ ấu của tôi trên dòng kênh “đen”, vẫn đang mắc kẹt trong thế giới đó. Họ không thoát ra được. Họ lao động tự do, có chút tiền thì ngồi nhậu, say xỉn, oánh lộn và vòng đời lặp cứ thế trôi. Ngay trong gia đình, ngoài tôi ra, chỉ có duy nhất 1 người chị làm giáo viên, những đứa em còn lại đều có học vấn đứt đoạn dở chừng.
Do đó, nếu cứ chú trọng kể về những tấm gương anh hùng thì chúng ta sẽ quên rằng, cứ một tấm gương anh hùng xuất hiện, sẽ có hàng nghìn, chục nghìn đứa trẻ khác còn bị trói buộc trong thế giới nghèo khổ. Không bao giờ được quên những đứa trẻ này, xã hội phải giải quyết được vấn đề của chúng, đó mới là điều cần hướng tới.
Một quốc gia mà có quá nhiều tấm gương anh hùng, đồng nghĩa, phần chìm của tảng băng còn rất lớn. Vậy nên, khi nói về tôi hay những tấm gương thành công khác, nếu có thể, xin đừng gọi chúng tôi là “anh hùng”.
- Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!