Từ đường dây lừa đảo 25.000 tỷ đồng, 'báo động đỏ' cho an ninh mạng Việt Nam

Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá băng nhóm tội phạm chuyên lừa đảo qua mạng với số tiền giao dịch lên tới 25.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo vừa được phát hành bởi hãng bảo mật Kaspersky, các hacker đang không ngừng đổi mới thủ đoạn để đổi phó với các chiến dịch bảo mật. Một số chiến lược tấn công phổ biến nhất vẫn là "drive-by download": Khi người dùng truy cập các trang web đã bị tấn công, hacker sẽ âm thầm cài đặt phần mềm tự động vào thiết bị của nạn nhân.

Một vấn nạn đáng lo ngại khác là sự gia tăng của các cuộc tấn công kỹ thuật xã hội. Thủ đoạn thường gặp là mạo danh các tổ chức uy tín để dụ dỗ người dùng tải về các phần mềm độc hại dưới dạng ứng dụng hợp pháp hoặc thông báo khẩn cấp. Đáng báo động, các cuộc tấn công này ngày càng trở nên tinh vi, dễ dàng “qua mặt” cả những phần mềm bảo mật hiện đại.

Việt Nam ở vị trí thứ 87 trong số những quốc gia dễ bị tấn công mạng nhất.

Chẳng hạn, Công an tỉnh Tây Ninh đã thành công triệt phá mạng lưới tội phạm mạng lớn chuyên lừa đảo qua mạng với số tiền giao dịch lên tới 25.000 tỷ đồng. Nhóm tội phạm này nhắm vào cả đối tượng cá nhân lẫn doanh nghiệp, hoạt động trên quy mô lớn. Vụ án này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy những lỗ hổng, điểm yếu trong môi trường kỹ thuật số tại Việt Nam, và qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp an ninh.

Cũng theo báo cáo, trong quý III/2024, số lượng các mối đe dọa trên không gian mạng gia tăng đáng kể tại Việt Nam. Cụ thể là gần 5 triệu mối đe dọa trực tuyến đã được phát hiện, tương đương trung bình cứ 5 Việt Nam thì có 1 người trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Chi tiết hơn, dữ liệu của Kaspersky cho thấy 18,7% người dùng Internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến trực tuyến, từ đó xếp Việt Nam ở vị trí thứ 87 trong số những quốc gia dễ bị tấn công nhất.

Song song là các mối đe dọa địa phương vẫn không hề giảm sút. Chỉ trong quý III/2024, Kaspersky đã phát hiện hơn 20 triệu sự cố liên quan đến phần mềm độc hại lây lan qua phương thức ngoại tuyến như ổ USB rời và các thiết bị cục bộ khác, ảnh hưởng đến 34,1% người dùng Việt Nam. Con số này đưa Việt Nam đứng thứ 27 toàn cầu trong số những quốc gia dễ bị tấn công và chịu ảnh hưởng từ mối đe dọa cục bộ.

Để tránh trở thành nạn nhân của hacker, Kaspersky khuyến nghị:

- Sao lưu dữ liệu thường xuyên: Doanh nghiệp và cá nhân nên sao lưu dữ liệu quan trọng ra nhiều thiết bị lưu trữ khác nhau hoặc trên nền tảng điện toán đám mây. Cách thức này giúp đảm bảo ngăn chặn việc mất dữ liệu trong trường hợp bị tấn công bằng mã độc ransomware.

- Cập nhật phần mềm thường xuyên: Việc cập nhật phần mềm, ứng dụng và hệ thống với các bản vá bảo mật mới nhất giúp ngăn chặn các cuộc tấn công, khai thác từ những lỗ hổng bảo mật.

- Tăng cường bảo vệ tài khoản: Tạo mật khẩu mạnh với những ký tự đặc biệt cho mỗi tài khoản trực tuyến và sử dụng trình quản lý mật khẩu để dễ lưu trữ mật khẩu. Ngoài ra, người dùng cũng nên bật tính năng xác thực đa yếu tố cho các tài khoản liên quan đến tài chính và công việc.

- Cảnh giác với các nguồn thông tin liên lạc đáng ngờ: Luôn cảnh giác khi nhận được email, tin nhắn hoặc cuộc gọi bất ngờ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Nên xác minh kỹ người gửi hoặc người gọi trước khi cung cấp bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.

An An

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-duong-day-lua-dao-25000-ty-dong-bao-dong-do-cho-an-ninh-mang-viet-nam-204242111150006533.htm