Tư duy 'âm lịch' và những giấc mơ bằng giấy
Ngoài khởi công, động thổ, khai trương bị tạm hoãn, các cửa hàng thời trang vắng vẻ, các sàn giao dịch bất động sản ảm đạm, tại một số nơi, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cũng không diễn ra vào 'tháng cô hồn'.
Đốt vàng mã là một tập tục tốt đẹp tưởng nhớ người đã khuất nhưng đang bị biến tướng gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: TL
1. Những năm gần đây, chuyện đốt vàng mã trong tháng Bảy âm lịch đã xuất hiện nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy”, người ta đã dâng cúng người âm những vật phẩm không giống ai theo hướng to, đẹp, hiện đại, đắt, hoành tráng. Xem như đó là thước đo lòng thành đối với người đã khuất. Rằng lễ vật càng lớn, lòng thành càng cao và tỷ lệ thuận với sự phù trợ của người đã mất dành cho người đang sống.
Từ cuối tháng Sáu âm lịch, nhiều khu phố bị biến thành phố… hàng mã, nhiều làng nghề truyền thống tấp nập những chuyến xe chuyên chở… hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người chết.
Ngó sang các khu chợ, trong khi hàng hóa phục vụ người sống ế ẩm thì hàng hóa dành cho người chết rực rỡ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng, trao đổi, bán mua tấp nập, sôi động.
Không quá lời khi nói rằng, có hẳn một thị trường “âm phủ” diễn ra đều đặn hằng năm vào tháng Bảy âm lịch. Nơi mà mặt hàng phục vụ người chết phong phú, đa dạng không kém hàng hóa của người sống.
Không chỉ có mũ, ngai, lọng, ngựa, hài, người ta đua nhau sản xuất, cung ứng những thứ hàng mã xa xỉ, gắn mác những thương hiệu lớn, hiện đại, mang đậm dấu ấn thời công nghệ 4.0. Từ Iphone, Ipad đến siêu xe, du thuyền, USD, EURO... và xem như một cách để tiếc thương, tri ân người đã khuất.
Chưa có thống kê đầy đủ xem mỗi năm vào tháng Bảy âm lịch, người Việt đã đốt bao nhiêu tiền thật vào những món tiền vàng địa phủ và hàng mã.
Chưa có đánh giá đầy đủ những ảnh hưởng, tác động của tục đốt vàng mã đối với môi trường, nguy cơ cháy nổ như thế nào. Tất cả chỉ dừng lại ở góc độ khuyến cáo về ứng xử sao cho có văn hóa của cơ quan chức năng.
Nhưng chắc chắn những giấc mơ bằng giấy của người Việt đang "bốc cháy" là có thật.
2. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, chưa có cơ sở nào khẳng định tháng Bảy âm lịch là tháng “cô hồn”, nghĩa là tháng của người âm. Vì thế việc kiêng cữ quá mức trong quãng thời gian này cũng là những quan điểm lệch chuẩn, không có căn cứ dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống. Và vì thế, càng không thể xem đó là một tập tục. Một số vị chức sắc tôn giáo cũng lên tiếng khẳng định, tháng Bảy, theo đạo Phật chỉ có lễ vu lan báo hiếu. Đó không chỉ là nghi lễ tôn giáo mà còn là nét truyền thống tốt đẹp của người Việt, thể hiện lòng biết ơn của mỗi người đối với đấng sinh thành.
Cũng theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, tập tục đốt hàng mã là một nét đẹp văn hóa nhưng những năm gần đây có dấu hiệu biến tướng, gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng đến môi trường. Một số cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng thậm chí đã cấm đốt vàng mã, hạn chế đốt nhang ở các ban thờ để giữ gìn môi trường, cảnh quan văn hóa và sự tôn nghiêm.
Như vậy, từ góc độ văn hóa đến tâm linh, tín ngưỡng, có thể khẳng định không có “tháng cô hồn”. Càng không có chuyện cứ tháng Bảy âm lịch người sống phải chạy đua mua sắm hàng mã dâng cúng cho người chết.
Việc kiêng cữ trong tháng Bảy âm lịch nếu có là xuất hiện từ yếu tố thời tiết. Bởi đó là khoảng thời gian chuyển mùa, mưa nắng thất thường nên cần kiêng đi lại hoặc đối với những công việc dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
3. Về mặt pháp luật, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã quy định rõ mức phạt đối với hành vi đốt vàng mã không đúng quy định. Theo đó người nào đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, chưa có quy định về cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung như đền, chùa, đình, miếu, phủ…
Việc cấm đốt vàng mã nếu muốn dứt điểm có lẽ phải bắt đầu từ việc cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, sản xuất, kinh doanh vàng mã không thuộc diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã, hàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong Danh mục đóng thuế. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này được ấn định với mức rất cao: 70%. Nhưng quản lý thuế trong lĩnh vực “nhạy cảm” như sản xuất, kinh doanh hàng mã cũng là việc không hề dễ dàng.
4. Rất nhiều ngành nghề kinh doanh đã bị đình trệ, doanh thu giảm sút rõ rệt trong “tháng cô hồn”. Ngoài khởi công, động thổ, khai trương bị tạm hoãn, các cửa hàng thời trang vắng vẻ, các sàn giao dịch bất động sản cũng trong cảnh ảm đạm. Thậm chí, tại một số nơi, công tác bổ nhiệm, điều động, chỉ định, luân chuyển cán bộ lãnh đạo cũng không diễn ra vào “tháng cô hồn” cho dù không có bất kỳ quy định nào được thể chế bằng văn bản.
Vẫn biết pháp luật với văn hóa, phong tục và hủ tục, tín ngưỡng với mê tín luôn tồn tại một ranh giới. Có thể thấy, hàng mã hay “tháng cô hồn” vẫn là một vấn đề rất khó để ràng buộc vào khung pháp lý.
Trước mắt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hạn chế, tiến tới loại bỏ đốt vàng mã là cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các nơi thờ tự. Cùng với đó, cần hiểu đúng về những tập tục văn hóa tốt đẹp trong tháng Bảy âm lịch. Loại bỏ quan niệm lệch chuẩn “tháng cô hồn” với những thói quen kiêng cữ… không giống ai của một bộ phận không nhỏ người Việt.
Bởi muốn bước tới vũ đài văn minh, chúng ta không thể mãi sống bằng tư duy âm lịch và để giấc mơ “hóa vàng” theo làn khói.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-duy-am-lich-va-nhung-giac-mo-bang-giay-post93423.html