Tư duy kinh doanh của DN xã hội chính là giải pháp phát triển bền vững
Đây là chia sẻ của TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội nghị 'Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững', sáng 28/8, tại Hà Nội.
Là chuyên gia đầu tiên đưa ý tưởng doanh nghiệp xã hội vào dự thảo Luật Doanh nghiệp 2014, TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội (DNXH) chính là sự văn minh của hoạt động kinh doanh trên thế giới. Phát triển DNXH là phát triển bền vững chứ không chỉ góp phần phát triển bền vững như các ý kiến thường được đưa ra.
Theo TS. Phan Đức Hiếu, DNXH tồn tại trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời. Mỗi câu chuyện về kinh doanh của DNXH đều có những xúc động riêng. Câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau của chị Tần Thị Su, dân tộc Mông là một ví dụ. Đó là điển hình của câu chuyện thoát nghèo, vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số. Doanh nhân Tần Thị Su không chỉ là lãnh đạo giỏi mà còn là một người không sợ ước mơ lớn.
“DNXH khác với các doanh nghiệp khác ở chỗ, họ bắt đầu kinh doanh với nỗi đau đáu về các vấn đề xã hội như môi trường, thoát nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số… Bởi vậy, họ tìm giải pháp kinh doanh xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội. Tư duy kinh doanh đó chính là giải pháp phát triển bền vững”, ông Hiếu nói.
Phó Viện trưởng Viện CIEM cũng cho rằng, người đứng đầu DNXH thông minh hơn bình thường. Họ có nghị lực phi thường và hướng tới mục tiêu xã hội vĩ đại. DNXH không dùng mô hình kinh doanh bình thường mà trước hết tìm kiếm lợi nhuận theo mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội. Bởi vậy, hoạt động kinh doanh của DNXH không làm cho sự cạnh tranh ngoài thị trường bị méo mó.
“DNXH gặp thách thức nhiều hơn và khó khăn chồng khó khăn. Tôi lo lắng DNXH bị làm chậm đi sự phát triển không phải vì luật mà vì một số cơ quan quản lý ngại đề cập và giải quyết các vấn đề mới”, ông Hiếu chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng: Với cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay, DNXH thực sự là một câu chuyện pháp lý khó khăn. DNXH không phải là phát triển bền vững mà là bền vững trong giải quyết các vấn đề xã hội. Họ vừa phải giải quyết được vấn đề xã hội, vừa phải phát triển theo yêu cầu chung là chấp nhận cạnh tranh và phải làm ra tiền. Do vậy, tùy thuộc vào cách phân bổ đầu tư vào vấn đề xã hội mà các cơ quan chứ năng có sự hỗ trợ phù hợp cho DNXH ra đời và phát triển hơn.