Tư duy làm giàu của CEO sở hữu 11 tỷ USD

Lớn lên ở một ngôi làng nông thôn Ấn Độ giúp Jay Chaudhry, Giám đốc điều hành Zscaler, thấm nhuần tư duy tiết kiệm, từ đó gây dựng khối tài sản trị giá hơn chục tỷ USD.

 Tuổi thơ đã ảnh hưởng nhiều đến tư duy kinh doanh của Jay Chaudhry. Đồ họa: Ánh Dương.

Tuổi thơ đã ảnh hưởng nhiều đến tư duy kinh doanh của Jay Chaudhry. Đồ họa: Ánh Dương.

Hiện ở tuổi 65, Jay Chaudhry (Ấn Độ) là nhà sáng lập kiêm CEO của công ty bảo mật đám mây Zscaler. Ông sở hữu khối tài sản ròng ước tính hơn 11 tỷ USD.

“Tôi không có nhiều ràng buộc với tiền bạc. Tôi cũng không có tiền khi còn nhỏ vì vậy tôi chưa bao giờ có khái niệm rằng mình phải mua món A, món B hay món C”, ông nói thêm.

Chaudhry cho hay ông chưa bao giờ thực sự quan tâm đến tiền bạc. Tuy nhiên, chính tư duy này đã giúp ông trở thành tỷ phú, theo CNBC Make It.

Tiết kiệm nhưng sẵn sàng mạo hiểm

Năm 1997, ông và vợ Jyoti Chaudhry nghỉ việc và dồn số tiền tiết kiệm cả đời, khoảng 500.000 USD, vào một công ty khởi nghiệp an ninh mạng có tên SecureIT. Hai người thấy được cơ hội phát triển của công ty trong ngành công nghiệp anh ninh mạng vốn còn non trẻ trong thời kỳ đầu bùng nổ internet.

Họ không nản lòng trước nguy cơ trắng tay vì vốn có lối sống "khá đơn giản" và không đòi hỏi phải chi tiêu nhiều. Chaudhry cũng tự tin rằng mình cũng có thể tìm được việc làm mới nếu SecureIT thất bại.

Ông cho rằng lối sống giản dị và không quan tâm đến những món đồ xa xỉ của mình ảnh hưởng từ gia đình. Trong khi một số người giàu có muốn chi tiền cho những thứ xa xỉ như nhà, thuyền và máy bay, ông lại thấy những tài sản đó thật rắc rối.

 Zscaler là một trong những gã khồng lồ trong ngành an ninh mạng. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Zscaler là một trong những gã khồng lồ trong ngành an ninh mạng. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Vợ chồng Chaudhry tiếp tục làm việc cùng nhau để đưa SecureIT phát triển. Chaudhry giữ chức vụ giám đốc điều hành trong khi vợ ông Jyoti giám sát các bộ phận tài chính, hệ thống và nhân sự trong giai đoạn đầu. Chưa đầy hai năm sau khi ra mắt SecureIT, họ đã bán công ty đi với giá khoảng 70 triệu USD bằng cổ phiếu.

Chaudhry cho biết họ đã sử dụng một phần số tiền đó để đầu tư thêm vào một số hoạt động kinh doanh khác và cuối cùng chi khoảng 50 triệu USD để thành lập Zscaler vào năm 2007. Công ty lên sàn vào năm 2018 và hiện được định giá khoảng 29 tỷ USD.

Mô hình kinh doanh của Zscaler có rủi ro cao hơn nhiều so với các hoạt động kinh doanh trước đây của ông. Một phần của "canh bạc" Zscaler là khoản đầu tư tài chính trị giá 50 triệu USD.

Dù chỉ chiếm một phần nhỏ giá trị tài sản ròng, số tiền đó gấp 50 lần số tiền trung bình mà các công ty khởi nghiệp thường chi cho nguồn tài trợ chính, theo tổ chức phi lợi nhuận Angel Resource Institute. Số tiền này còn gấp 100 lần những gì Chaudhry đầu tư vào công ty khởi nghiệp đầu tiên của mình.

 Jay Chaudhry bên vợ và các con của mình. Ảnh: @whitneyg.

Jay Chaudhry bên vợ và các con của mình. Ảnh: @whitneyg.

Chaudhry cho hay kinh doanh bảo mật đám mây vẫn chưa phải là một thị trường hoàn toàn phát triển vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì tin công ty có thể tạo ra sự khác biệt trong thế giới an ninh mạng luôn thay đổi.

Ông đặt cược vào dự đoán rằng các công ty sẽ cần phải loại bỏ các bức tường lửa lỗi thời và áp dụng các biện pháp bảo mật hiện đại hơn.

Quan điểm của ông về sự giàu có cũng góp phần vào sự thành công của công ty. Tư duy không ràng buộc với tiền bạc cho phép ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính cũng như đầu tư mạnh vào các dự án kinh doanh mà ông tin tưởng.

Vốn tự thân

Jay Chaudhry tin rằng đầu tư tiền của bản thân vào công việc kinh doanh sẽ cho kết quả lâu dài và tốt hơn. Cách tiếp cận này đối lập với một số công ty ở Thung lũng Silicon, nơi họ khởi nghiệp bằng cách huy động được số tiền tài trợ lớn và chi tiêu xa hoa cho những thứ như văn phòng sang trọng.

Tuy nhiên, bằng cách sử dụng vốn tự thân, Chaudhry cảm thấy có trách nhiệm và thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Trong những năm đầu thành lập Zscaler, ông giữ toàn quyền sở hữu công ty. Điều này cho phép ông đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Ông lưu ý rằng các nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalists VC) có thể từ bỏ một công ty khởi nghiệp nếu công ty không nhanh chóng tạo ra lợi nhuận. Điều này có thể gây rủi ro đáng kể cho các doanh nhân.

 Nguồn tài trợ bên ngoài có thể thúc đẩy tăng trưởng lẫn gây rủi ro cho các công ty mới khởi nghiệp. Ảnh minh họa: SevenStorm JUHASZIMRUS/Pexels.

Nguồn tài trợ bên ngoài có thể thúc đẩy tăng trưởng lẫn gây rủi ro cho các công ty mới khởi nghiệp. Ảnh minh họa: SevenStorm JUHASZIMRUS/Pexels.

Dù cuối cùng vẫn tìm kiếm nguồn tài trợ bên ngoài 5 năm sau khi thành lập Zscaler, Chaudhry vẫn giữ quyền kiểm soát bằng cách đảm bảo các nhà đầu tư bên ngoài chỉ nắm giữ khoảng 16% cổ phần trước khi công ty ra mắt công chúng.

Điều này cho phép ông giữ vai trò là người ra quyết định chính cũng như có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhân viên. Cách tiếp cận của Chaudhry trái ngược với quan điểm cho rằng huy động vốn bên ngoài là cần thiết để phát triển kinh doanh.

Dù nguồn tài trợ bên ngoài có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và đưa ra hướng đi hữu ích, phương thức này thường đi kèm với nhược điểm là doanh nhân có thể đánh mất quyền kiểm soát công ty đồng thời đối mặt với áp lực phải tập trung vào lợi ích ngắn hạn.

Tỷ phú Mark Cuban nhấn mạnh rằng các nguồn tài trợ cảm giác như một nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư mà có khả năng khiến họ ưu tiên lợi nhuận trước mắt hơn là thành công lâu dài.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tu-duy-lam-giau-cua-ceo-so-huu-11-ty-usd-post1487822.html