Tư duy mới, đột phá mới

Điều không thể phủ nhận, nếu ai đi xa đất nước hoặc Thủ đô Hà Nội, giờ có dịp quay về đều không khỏi ngỡ ngàng vì sự 'thay da đổi thịt ', tất cả đều có chung nhận định: Thay đổi khó tin. Nhưng bên cạnh niềm vui thì vẫn còn đó những trăn trở.

Ngồi trà sáng trong cái nóng oi nồng của Hà Nội những ngày trung tuần tháng 6, anh Trần Hoài Nam, một chuyên gia phần mềm vừa trở lại Thủ đô làm việc sau gần 8 năm định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh trầm ngâm kể: Hôm qua, đi vào Xuân Mai có việc, ỳ ạch mãi mới đến nơi. Tưởng con đường Ba La - Xuân Mai đã rộng thênh thang, nào ngờ vẫn như ngày xưa, nhỏ bé, bụi bặm và ách tắc. Thấy lạ, tối về nhà tra google, mới hay dự án mở rộng đoạn đường này được khởi công cuối năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027 (song với đà này có thể sẽ phải kéo dài - PV). Anh Nam nhấn mạnh: Thật không hiểu nổi, chỉ với hơn 21km đường mà dự kiến kéo dài nhiều năm.

Cử tri và người dân mong muốn sau khi hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách được hoàn thiện sẽ có bước đột phá mới về quản trị để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nói chung, các dự án được triển khai nhanh hơn không bị quá chậm như thời gian qua (Ảnh Quốc lộ 6 đoạn Ba La- Xuân Mai nhiều nơi vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong)

Cử tri và người dân mong muốn sau khi hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách được hoàn thiện sẽ có bước đột phá mới về quản trị để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nói chung, các dự án được triển khai nhanh hơn không bị quá chậm như thời gian qua (Ảnh Quốc lộ 6 đoạn Ba La- Xuân Mai nhiều nơi vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong)

Anh phân tích thêm và đặt câu hỏi, không tính đến sự thiệt hại về kinh tế vì các yếu tố đầu vào như tỷ giá, giá nguyên vật liệu, giá đất do thời gian kéo dài… mà xét về mặt cơ chế đang còn “điểm nghẽn” nào đó chưa được khơi thông? Từ cách đặt vấn đề của anh Nam, về nhà tự liệt kê cái gọi là cơ chế (hành lang pháp lý) xem có nghẽn gì không thì nhận thấy ở tầm vĩ mô chúng ta có tương đối đủ các luật, văn bản dưới luật cho quản lý Nhà nước và điều hành nền kinh tế. Ở tầm Thủ đô, Quốc hội cũng từng thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố, từng ban hành Luật Thủ đô và tại kỳ họp thứ 7 này sẽ thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nghĩa là các vấn đề về pháp lý, về hành lang pháp lý và cơ chế đã, đang được khơi thông, tại sao chỉ con đường hơn 21km theo dự kiến phải triển khai lên đến 5 năm, có khi còn kéo dài hơn. Với một dự án nguồn vốn không quá lớn, độ phức tạp cũng không quá lớn (mỗi giải phóng mặt bằng) mà chậm thế, vậy với các dự án khác thì sao? Nên nhớ, cách đây hơn 10 năm, một doanh nghiệp tư nhân thi công đại dự án khu đô thị Royal City tại quận Thanh Xuân có đến 3-4 tầng dưới lòng đất, họ chỉ mất hơn 2 năm triển khai. Chính vì vậy, cũng cách đây mấy năm, trong một phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng nêu vấn đề tại sao cùng một cơ chế chính sách, dự án vào tay tư nhân triển khai đều nhanh, còn các doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan Nhà nước làm chủ đầu tư thường chậm, thậm chí rất chậm?

Nhìn vào cách đặt vấn đề trên, có lẽ không hẳn nằm ở “điểm nghẽn” cơ chế mà quan trọng nằm ở sự quản trị và vận hành của hệ thống. Nếu không có phương thức quản trị và vận hành tốt thì cơ chế có cởi trói đến mấy mọi thứ vẫn rất khó nhanh. Những dự án như mở rộng quốc lộ 6, mở rộng đường Láng đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy và các dự án khác đang rất cần được thực hiện với những tư duy đột phá mới.

H.Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-duy-moi-dot-pha-moi-172368.html