Tư duy năng suất nuôi dưỡng sự phát triển, nâng cao khả năng thích ứng
Theo chuyên gia, việc xây dựng tư duy năng suất giúp mỗi cá nhân có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến lãng phí và mang tới những giải pháp hiệu quả trong công việc.
Trong bối cảnh tốc độ thay đổi của thị trường đang nhanh hơn bao giờ hết, nhu cầu về thời gian và năng lượng ngày càng tăng cao. Việc hiểu cách khai thác và giữ gìn tư duy năng suất trở nên vô cùng quan trọng.
Các chiến lược và phương pháp thực hành giúp chúng ta mở khóa toàn bộ tiềm năng. Tư duy năng suất không chỉ về việc quản lý thời gian mà là nuôi dưỡng tư duy giúp chúng ta không ngừng phát triển, nâng cao khả năng thích ứng và tập trung vào kết quả hướng tới thành công.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) phân tích, trong một thời đại mà sự thành công được đánh giá bởi năng suất, việc hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất là điều vô cùng quan trọng. Một trong những yếu tố quyết định nhưng thường bị bỏ qua, đó chính là tư duy năng suất cá nhân (PPM).
Theo ông Hiệp, tư duy định nghĩa là tập hợp các thái độ và niềm tin được ai đó duy trì, bao gồm niềm tin và giả thuyết ảnh hưởng tới cách một cá nhân nhận thức, phản ứng với tình huống. Tư duy năng suất cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mức độ nhận thức năng suất.
Để có được tư duy năng suất, mỗi cá nhân cần hiểu biết về 4 động cơ thúc đẩy năng suất, bao gồm: Tập hợp (Engagement), khai sáng (Enlightment), kiến tạo (Enginerring) và phát triển (Evolution). Tuy nhiên, cải thiện năng suất là một quá trình kéo dài qua 6 bước chuyển dịch về tư duy: đầu tiên là tư duy đổi mới sáng tạo, tiến tới tư duy về chuyển đổi số; quản trị tinh gọn, quản lý hệ thống, văn hóa tối ưu nguồn lực và cuối cùng là văn hóa cải tiến.
Tại STAMEQ, để thay đổi cách nghĩ về tư duy năng suất cá nhân, 6 chương trình đã được đưa vào nội bộ bao gồm: Chương trình hợp tác phát triển giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc STAMEQ; Chương trình triển khai thực hiện nội dung kỷ cương, kỷ luật trong các hoạt động tại STAMEQ; Chương trình học tập ngoại ngữ; Chương trình định hướng cho tiến trình trung hòa carbon của STAMEQ; Chương trình tăng cường hoạt động 5S tại STAMEQ; Chương trình học tập STAMEQ.
Bên cạnh đó, phát triển nền tảng ViPA – sản phẩm của Viện Năng suất Việt Nam để giúp STAMEQ và doanh nghiệp Việt Nam đo lường sự sẵn sàng chuyển đổi số và năng suất với 16 tiêu chí trong 4 lĩnh vực: quản lý doanh nghiệp, quản lý năng suất, cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số và sản xuất thông minh.
Một điểm đặc biệt mà TS. Hà Minh Hiệp đề cập đó chính là người trẻ rất cần tư duy năng suất cá nhân. Người trẻ có thể gặp nhiều khó khăn khi mới tiếp cận với tư duy năng suất cá nhân, bao gồm thiếu khả năng tiếp cận nguồn lực, mức thất nghiệp trong xã hội cao.
Trong bối cảnh đó, tư duy năng suất cá nhân có thể đem lại nhiều lợi ích như: Tập trung hơn vào hiệu quả, phát triển kỹ năng quản lý thời gian; Thích ứng với thay đổi, kỹ năng mới, cải tiến công nghệ liên quan đến công việc; Làm quen với việc nhìn nhận thách thức như cơ hội để phát triển; Khuyến khích người trẻ suy nghĩ sáng tạo, đổi mới; Chuẩn bị cho thành công về lâu dài và phát triển cá nhân.
Còn đối với tổ chức, doanh nghiệp khi áp dụng tư duy năng suất cá nhân phải vượt qua thói quen ngại thay đổi, cùng với đó, tập trung đào tạo toàn diện, xây dựng kênh giao tiếp xử lý các mối quan ngại và phản hồi của nhân viên để giúp giải quyết vấn đề, lập ra ban chuyên trách giám sát liên tục việc thực hành của nhân viên.
Có thể nói, tư duy năng suất sẽ góp phần giúp hiệu quả hoạt động của các cá nhân nói riêng cũng như doanh nghiệp nói chung được nâng cao, góp phần giúp giải quyết bài toán về năng suất của thị trường lao động, tạo tiền đề để Việt Nam vươn lên trong khu vực và quốc tế.