Từ gầm cầu thang đến giảng đường đại học

21 năm sống dưới gầm cầu thang chung cư Bình Thới (quận 11, TPHCM), đứa trẻ bụi đời Nguyễn Thanh Sang (sinh năm 2003) ngày nào đã từng bước nỗ lực thay đổi số phận mình, trở thành cậu sinh viên giỏi Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM.

Gầm cầu thang chung cư Bình Thới, quận 11, TPHCM là nơi Sang và bà ngoại sống

Gầm cầu thang chung cư Bình Thới, quận 11, TPHCM là nơi Sang và bà ngoại sống

Sống với định kiến “trẻ bụi đời”

Gia đình Sang di cư lên TPHCM cách nay gần 20 năm, cuộc sống khó khăn đến nỗi bà ngoại phải làm bảo vệ, giữ xe để 8-9 người trong nhà có thể tá túc dưới khoảng không gian dưới gầm cầu thang của chung cư, tối đến không đủ chỗ nằm thì chia nhau lên nằm trên nóc sân thượng, tắm rửa, đi vệ sinh ở miệng cống, nấu ăn trên vỉa hè. Sang kể: “Tuổi thơ là một kỷ niệm không thể quên. Cha mẹ ly hôn mỗi người một nơi, em sống lang thang với bà. Trước cổng chung cư có công viên, bà và em trực đêm, mặc kệ sương gió, bắc ghế bố nằm ngoài cổng để giữ xe, dắt xe kiếm tiền. Ban ngày bà bán vé số, lượm ve chai, không lúc nào được nghỉ ngơi. Ở góc công viên có bãi rác, từ 9 tuổi, em kéo rác của từng nhà trên 4 lầu chung cư tập kết xuống đấy. Tuần mấy buổi lau chùi hành lang, dọn bãi rác, đổi lấy 2 triệu đồng/tháng. Đối với bà cháu em, bãi rác đó như một núi vàng trước mặt, nhờ đó mà có đồng ra đồng vào nuôi hai bà cháu”.

Sống bụi đời, làm “trùm” khu công viên nên Sang đi học cũng chỉ chơi với các bạn quậy nhất trường. Suốt thời cấp 1, cấp 2, sáng đi học chủ yếu đánh nhau, tối bày đủ trò ngoài phố... Sang kể lại: “Lúc ấy điểm của em luôn xếp trung bình, ở mức sát với yếu. Những bạn ngoan xem em như vô hình, không thích chơi chung. Còn em mặc định trong đầu mình là bụi đời thì mãi là bụi đời. Tương lai cảm giác đen tối lắm”.

Định kiến này diễn ra ngay trong gia đình Sang. Cha mẹ ly hôn, ở với mẹ thì ám ảnh với những chầu nhậu nhẹt, đánh nhau của mẹ và cha dượng mỗi tối; cuốn gói sang nhà ba thì vợ sau của ba “giáo dục” bằng chửi bới, đánh đập, chê trách cậu bé là trẻ lang thang. Ba chê học dở, vô dụng, so sánh với con riêng của vợ. Sang rất nhạy cảm, vì thế, ở nhà cậu gần như chỉ tự nói chuyện với bản thân và khóc một mình, cảm thấy mình như không biết đi đâu, không còn lối thoát.

Tỉnh thức và giành lại cuộc đời

Lớp 10, Sang vào học tại trường công có điểm chuẩn thấp nhất thành phố và va vào một nhóm bụi đời khác, đánh lộn “đẳng cấp” hơn. Đỉnh điểm là đội của Sang thắng trong một cuộc thi đá banh nhỏ của trường. Các bạn học trò bên thua không phục, thế là sau giờ học kéo cả toán “dân anh chị”, xách ba chỉa, mã tấu đến. Cuộc đụng độ này vô tình trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh Sang khi nhận thấy không thể cứ mãi sống kiểu sống vô định như thế. Đúng lúc này, mẹ Sang có thêm một người con trai. Trở thành anh hai, Sang cảm thấy có trách nhiệm hơn, ý thức tự học cũng tăng cao. Sang xin đi học thêm ở một trung tâm gần nhà, học hỏi các bạn giỏi, nghe lời thầy cô nên dù ban đầu đầy tự ti, luôn trốn ở bàn cuối nhưng Sang vẫn bám lớp, học hành nghiêm túc. Lên lớp 12, Sang lần đầu chạm được danh hiệu học sinh giỏi, được cô bầu làm lớp trưởng.

Cũng vào thời điểm đó, trong một lần tình cờ nghe người quen của cô giáo chủ nhiệm kể về trải nghiệm làm việc cho ngành logistics, cậu bé rất thích, muốn mình được vươn lên làm việc trong môi trường như vậy. Cứ vài tuần cậu lại đạp xe đi về 10 cây số từ nhà đến cổng Trường ĐH Giao thông Vận tải nhìn ngắm, ước ao… Sang bắt đầu lao vào hành trình học tập để “đổi đời”, đáng tiếc, kết quả thi ĐH năm đó vẫn thiếu nửa điểm. Tuy nhiên, lúc này, hệ đào tạo liên kết quốc tế của trường yêu cầu học sinh nếu đạt 5,5 điểm IELTS sẽ được nhận vào học. Bắt lấy cơ hội đó, Sang học miệt mài ngày đêm và cuối cùng đã đạt được ước mơ của mình. Dù vẫn phải chạy xe ôm, bưng bê phục vụ, dạy gia sư… để trang trải học phí nhưng kết quả học tập trong trường ĐH của Sang luôn ở mức giỏi.

Sang hòa đồng nhanh, tham gia hầu như mọi cuộc thi của trường tổ chức, tình nguyện làm những việc khó, không ai làm. Lọt tốp cuộc thi MC, giải nhất hùng biện tiếng Anh… khiến Sang được các thầy cô biết đến, tạo cơ hội làm trợ giảng tiếng Anh cho tân sinh viên, mời dẫn chương trình, phát biểu trong các clip quảng bá các hoạt động của trường. Chị Phan Hà, hiệu trưởng một trung tâm tiếng Anh, nơi Sang được mời đến để dạy, nhận xét: “Ở chỗ tôi, Sang dạy cho thiếu nhi từ 9-15 tuổi, độ tuổi yêu cầu phải vừa dạy, vừa dỗ. Sang rất có trách nhiệm, tìm hiểu từng trường hợp để nắm bắt được tâm lý của các em nên việc dạy rất hiệu quả, các bé rất quý, quấn quýt Sang”.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-gam-cau-thang-den-giang-duong-dai-hoc-post745730.html