Tủ giao nhận thông minh có là giải pháp tương lai cho logistics đô thị Việt Nam?
Nhận hàng bất kể ngày đêm chỉ với một mã PIN, trong khi shipper có thể giao cả ngàn kiện hàng mỗi ngày mà không phải gõ cửa từng nhà – đó không còn là viễn cảnh xa vời nhờ các tủ giao nhận thông minh (Smart Locker).

Smart Locker trở thành một xu hướng tất yếu trong lĩnh vực giao nhận chặng cuối.
Trên thế giới, Smart Locker đang bùng nổ như một giải pháp logistics đô thị hiện đại, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, trước sự bùng nổ của thương mại điện tử và những bất cập trong giao hàng truyền thống, nhu cầu về các tủ giao hàng tự động tại chung cư, văn phòng, trường học… đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Xu hướng Smart Locker trên thế giới
Trên phạm vi toàn cầu, Smart Locker đã trở thành một xu hướng tất yếu trong lĩnh vực giao nhận chặng cuối. Nhiều quốc gia từ Á sang Âu đã triển khai mô hình tủ locker tự động ở quy mô lớn, thu được những thành công ấn tượng về chi phí và trải nghiệm khách hàng.
Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia dẫn đầu về tốc độ phủ sóng tủ locker. Tính đến năm 2024, quốc gia này đã lắp đặt hơn 1 triệu tủ giao hàng tự động trên toàn quốc – tương đương cứ 100 người dân có 1 tủ, xử lý khoảng 10% tổng số bưu gửi thông qua các tủ này.
Trong đó, doanh nghiệp vận hành lớn nhất là Hive Box (Fengchao). Chỉ sau chưa đầy một thập kỷ thành lập, Hive Box đã mở rộng mạng lưới lên 330.000 tủ với gần 30 triệu ngăn chứa, phục vụ 209.000 khu dân cư khắp 31 tỉnh thành. Mỗi ngày, hệ thống khổng lồ này xử lý hàng chục triệu bưu kiện, góp phần đưa tổng số đơn hàng qua locker tại Trung Quốc lên hơn 8,4 tỷ bưu phẩm/năm.
Nhờ mật độ tủ dày đặc, người nhận dễ dàng tiếp cận, tỷ lệ giao hàng thành công tăng lên và hãng vận chuyển không phải đi lại nhiều lần – lợi ích lớn cho cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn môi trường do giảm quãng đường xe chạy và khí thải. Có thể nói, tại Trung Quốc, tủ locker đã trở thành một phần không thể thiếu của hạ tầng logistics đô thị.
Tại Châu Âu, các nước cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng giao hàng qua locker nhằm tối ưu chi phí nhân công đắt đỏ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đức là quốc gia tiên phong từ sớm khi DHL ra mắt hệ thống Packstation (tủ nhận hàng tự phục vụ) từ năm 2001. Đến nay, DHL đã triển khai khoảng 9.000 Packstation trên khắp nước Đức, đến mức 90% dân số sống trong phạm vi chỉ 10 phút di chuyển tới một trạm Packstation gần nhà. Mạng lưới dày đặc này biến việc nhận bưu phẩm qua tủ thành thói quen phổ biến, tương tự như rút tiền ATM.
Tại Ba Lan, công ty InPost thậm chí còn gặt hái thành công vang dội hơn với mô hình Paczkomat. InPost xây dựng được mạng lưới hơn 20.000 máy locker khắp Ba Lan, chiếm tới 43% thị phần giao nhận bưu phẩm của quốc gia.
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường chuyển phát nhanh và thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng thần tốc. Số liệu cho thấy số người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đã đạt khoảng 57 triệu người vào năm 2023, tương đương hơn 50% dân số. Khối lượng đơn hàng thương mại điện tử theo đó tăng vọt, ước tính năm 2024 toàn thị trường xử lý khoảng 3,4 tỷ đơn hàng.
Dự báo tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì mức 15–20% đến năm 2030, đưa doanh thu ngành bưu chính chuyển phát cán mốc 60 tỷ USD. Sự bùng nổ này đặt ra áp lực khổng lồ lên khâu giao nhận cuối cùng – vốn là mắt xích tốn kém và dễ xảy ra trục trặc nhất trong chuỗi logistics.
Thực tế, giao hàng tận nhà truyền thống tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế trong bối cảnh mới. Thứ nhất, chi phí nhân công giao hàng ngày càng lớn. Để kịp phục vụ lượng đơn gia tăng, các công ty phải tuyển thêm shipper, trong khi chi phí lương thưởng, xăng xe đều tăng làm giảm biên lợi nhuận.
Thứ hai, việc giao đơn hàng đến từng nhà rất mất thời gian cho cả người giao lẫn người nhận do khách hàng nhiều khi phải chờ đợi ở nhà hoặc trong giờ làm để lấy hàng, còn shipper thì tốn thời gian gọi điện, tìm địa chỉ, lên thang bộ… cho mỗi đơn. Thứ ba, tỷ lệ giao hàng không thành công tương đối cao.

Smart Locker đang bùng nổ như một giải pháp logistics đô thị hiện đại, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành.
Theo ước tính, có trên 15% đơn hàng thương mại điện tử ở Việt Nam bị hoàn trả, một phần do khách đổi ý, phần khác do không liên hệ giao được. Ai cũng có thể thấy hình ảnh quen thuộc: shipper gọi khách nhiều lần không được, phải đem hàng về hoặc hẹn giao lại, gây tốn kém và chậm trễ.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn, giao thông tắc nghẽn và địa chỉ hẻm ngõ phức tạp khiến việc đi lại của shipper càng trở nên gian nan. Một tuyến giao hàng nội thành có thể kéo dài vì nhiều khâu phát sinh, từ việc bảo vệ chung cư không cho gửi đồ ở quầy, khách không có nhà, đến việc phải quay đầu giao lần 2 lần 3. Những bất cập này không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội (thời gian, nhiên liệu) mà còn tạo trải nghiệm chưa tốt cho cả người giao lẫn người nhận.
Trong bối cảnh đó, Smart Locker nổi lên như lời giải khả dĩ để nâng cao hiệu quả giao hàng chặng cuối tại Việt Nam.
Các tủ giao nhận tự động đặt tại khu dân cư, trường đại học, tòa nhà văn phòng có thể khắc phục trực tiếp nhiều vấn đề nêu trên. Thay vì phải đi từng căn hộ, shipper chỉ cần tập kết bưu phẩm vào tủ đặt ngay dưới sảnh chung cư, tiết kiệm công sức và thời gian đáng kể. Người nhận vắng nhà cũng không còn là trở ngại: hàng đã nằm sẵn trong tủ an toàn, khách có thể ghé lấy khi đi làm về hoặc bất kỳ lúc nào thuận tiện trong ngày. Điều này giúp giảm hẳn tỷ lệ giao trượt, hạn chế lượng đơn hoàn trả do không liên hệ được khách.
Tại Việt Nam, Viettel Post là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng hạ tầng tủ locker thông minh với thương hiệu Smart Box. Dự án được khởi động từ cuối năm 2024 và nhanh chóng mở rộng trong năm 2025.
Đến giữa năm 2025, Viettel Post đã triển khai trên 600 máy Smart Box đặt tại các khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trường đại học, bệnh viện ở nhiều tỉnh thành. Mạng lưới bước đầu này đã được cộng đồng đón nhận tích cực, giúp giải quyết được nỗi lo thất lạc hàng hóa ở chung cư và phiền toái do điện thoại giao hàng liên tục của shipper.