Tự giữ phương tiện giao thông vi phạm
Tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính (VPHC) là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn hậu quả, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC... đã được quy định rõ trong Luật Xử lý VPHC.
Tuy nhiên, thời gian qua, xung quanh việc tạm giữ phương tiện giao thông VPHC đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là tình trạng có nơi lực lượng chức năng lạm dụng việc tạm giữ phương tiện; thủ tục trả lại phương tiện còn rườm rà, thậm chí còn có hiện tượng cán bộ chức năng “gây khó dễ” khiến không ít người vi phạm “bỏ của chạy lấy người”.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người bị tạm giữ phương tiện giao thông thiếu ý thức đã không hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết, dẫn tới một thực tế là ở hầu hết các địa phương trên cả nước đều xuất hiện những bãi tạm giữ phương tiện VPHC bị quá tải trầm trọng, thiếu các điều kiện cần thiết để quản lý, bảo quản phương tiện theo quy định.
Thật xót xa khi bắt gặp những bãi tạm giữ phương tiện giao thông với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc, trong đó có nhiều ô tô, xe máy thuộc loại “xe sang” chậm hoặc không được chủ sở hữu nhận lại đang nằm phơi mưa, dãi nắng, xuống cấp từng ngày. Dù vì lý do gì thì tình trạng này cũng khó chấp nhận bởi không chỉ gây lãng phí rất lớn do xe bị hư hỏng, xuống cấp, khiến không ít người dân mất đi phương tiện làm ăn... mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngày 6-6 vừa qua, vụ cháy bãi xe tang vật, xe vi phạm do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh quản lý, khiến hàng trăm chiếc xe máy, một số ô tô và cơ sở vật chất trong bãi xe bị thiêu rụi hoàn toàn, là một ví dụ.
Để giải quyết bất cập nói trên, từ năm 2013, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép người VPHC nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định thì có thể được tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, thay vì để cơ quan chức năng tạm giữ. Nghị định số 138/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 tiếp tục quy định cụ thể hơn điều này.
Theo đó, phương tiện giao thông VPHC thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC (trừ các phương tiện của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa...), nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ, nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi công tác rõ ràng, có nơi giữ, bảo quản phương tiện hoặc có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể tự giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định đã có, thế nhưng trong thực tế, không nhiều trường hợp được tự giữ, bảo quản phương tiện do người dân không nắm rõ luật, trong khi đó có lúc, có nơi lực lượng chức năng vẫn lạm dụng việc tạm giữ. Để người đủ điều kiện tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm là giải pháp “lợi cả đôi đường”, góp phần quan trọng hạn chế những bãi tạm giữ xe quá tải như hiện nay. Vì vậy, cần tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân; chấn chỉnh tình trạng lạm dụng việc tạm giữ phương tiện. Mặt khác cần có quy định, giải pháp phù hợp để xử lý kịp thời các phương tiện giao thông VPHC đã quá thời hạn tạm giữ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tu-giu-phuong-tien-giao-thong-vi-pham-697342