Tự hào là chiến sĩ đơn vị tham gia giải phóng Trường Sa
Trung đoàn 38 (Đoàn Gio An, Sư đoàn 2) là đơn vị chủ lực cơ động đủ quân, ra đời trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, từng tham gia hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công xuất sắc trên hầu khắp các chiến trường trong nước và trên đất bạn Lào, Campuchia.
Mùa xuân năm 1975, sau khi cùng các cánh quân tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của Trung tá, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Thí, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 4 và các trung đội ĐKZ, trung đội 12,7mm của Trung đoàn 38 tiếp tục nhận lệnh phối hợp cùng các đơn vị khẩn cấp vượt biển ra giải phóng Trường Sa.
Lính bộ binh “vượt biển”
Tham quan phòng truyền thống Trung đoàn 38, chúng tôi thấy những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về hành trình vượt biển tham gia giải phóng Trường Sa được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất. Tuy là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng các chiến sĩ trẻ về đây nghiên cứu, học tập rất đông. Trầm ngâm trước danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Nhất Quang, Chính ủy Trung đoàn 38 tâm sự: “Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn hôm nay luôn tự hào về truyền thống, lịch sử vẻ vang của đơn vị. Ngày ấy, các thế hệ cha anh đã “vượt biển” tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa...”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Nhất Quang, ngày ấy, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Đại tá Nguyễn Chơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 triển khai lực lượng tham gia giải phóng Trường Sa. Ngay sau khi nhận được chỉ thị của Tư lệnh Quân khu, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 2 khẩn trương bàn bạc, trao đổi và quyết định giao cho Trung tá Nguyễn Thanh Thí, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 và Thiếu tá, Chính ủy Trần Dược trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4 và một bộ phận của Trung đoàn Pháo binh 368 phối hợp với biên đội 3 tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125 do các đồng chí Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam, Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng và Đoàn Đặc công 126 từ Hải Phòng vào hợp thành Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn đặc công 126 làm Tổng chỉ huy lực lượng giải phóng Trường Sa.
Tuy thời gian chuẩn bị gấp rút, song theo yêu cầu của cấp trên, Tiểu đoàn 4 đã tranh thủ tối đa mọi thời gian tiến hành huấn luyện bổ sung, giúp các chiến sĩ trẻ vốn chỉ quen tác chiến ở địa hình đồi núi thích nghi dần với môi trường sông nước. Tin chiến thắng từ khắp nơi liên tục truyền về như tiếp thêm động lực, niềm tin để bộ đội ta hăng hái, quyết tâm luyện tập. Đúng 4 giờ sáng 11-4-1975, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 và đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh cho các lực lượng rẽ sóng vượt trùng khơi, ra giải phóng Trường Sa.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 khi ấy đa phần là lính trẻ, lần đầu tiên đi biển dài ngày, lại gặp sóng lớn nên ai cũng mệt nhoài, hốc hác, xanh như tàu lá. Thế nhưng, rạng sáng 14-4, khi tàu vừa đến đảo Song Tử Tây, theo mật lệnh, họ lập tức lao mình xuống nước, dũng mãnh vượt qua những mỏm đá san hô lởm chởm, sắc lẹm, hình thành ba mũi tiến công, bí mật áp sát mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, quân địch trên đảo kháng cự khá yếu ớt, lần lượt kéo nhau về phía sau cố thủ. Sau gần một giờ chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây, bắt sống tên đảo trưởng và 32 sĩ quan, binh lính ngụy, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Từ Song Tử Tây, những ngày sau, các chiến sĩ tiếp tục vượt sóng, tiến công giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Mặc kẻ địch nhiều lần đưa quân phản kích, sau 18 ngày tính từ khi nhổ neo xuất phát tại Đà Nẵng, Tiểu đoàn 4 và lực lượng tăng cường của Trung đoàn 38 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Trên các đảo, hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Giải phóng kiêu hãnh tung bay là minh chứng hùng hồn cho khí phách, bản lĩnh, khát vọng hòa bình, độc đập, thống nhất non sông của cả dân tộc Việt Nam.
Hào khí Trường Sa trên Tây Nguyên
Tây Nguyên những ngày cuối tháng Tư, nắng rát mặt. Nhưng không khí trên thao trường rất sôi nổi, hào hứng. Những bước chân hối hả, rầm rập. Tiếng khẩu lệnh rền vang. Thiếu tá Nguyễn Nhật Vũ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 cho biết: “Giai đoạn hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm thường xuyên, đơn vị còn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ huấn luyện tác chiến biển đảo. Tuy còn không ít khó khăn, song những năm qua, Trung đoàn đã đầu tư củng cố và làm mới được 5 thao trường huấn luyện tác chiến biển đảo, giúp bộ đội làm quen với các bài bắn trên bờ, dưới nước, ban ngày, ban đêm, tấn công, phòng ngự… góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng tác chiến của toàn đơn vị. Tham gia diễn tập tác chiến biển đảo năm 2016, tại Vùng 4 Hải quân, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Cao to, nhanh nhẹn, có khả năng bơi lội tốt, Binh nhất Mấu Mịn, Phan Tấn Phúc, Phú Văn Thành, Tiểu đội Đại liên, Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 vẫn được đồng đội gọi vui là những chàng “Yết Kiêu” thời hiện đại. Mỗi lần đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập vượt sông, “bộ ba rái cá” luôn sẵn sàng hỗ trợ, bọc lót để các khẩu đội, trung đội bạn cùng băng băng về đích.
Trung sĩ Trương Quốc Tuấn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội SMPK 12,7mm cho biết: “Tìm hiểu lịch sử truyền thống đơn vị, chúng tôi luôn tự hào vì Trung đoàn 38 là một trong những lực lượng từng tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập, được góp phần nhỏ bé bảo vệ quê hương, đất nước, chủ quyền biển đảo thiêng liêng, trong môi trường quân ngũ chúng tôi luôn tích cực phấn đấu luyện rèn. Hành quân xa mang vác nặng, diễn tập vòng tổng hợp hay luyện tập vượt sông trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
“Cơ động, tiến công dũng mãnh, chốt giữ kiên cường” - truyền thống vẻ vang của Đoàn Gio An luôn được thế hệ trẻ hôm nay trân trọng, gìn giữ và phát huy bằng những hành động cụ thể, thiết thực; luôn tự hào là người chiến sĩ của đơn vị từng “vượt biển” tham gia giải phóng Trường Sa...