Tự hào phóng viên ảnh giành 2 giải thưởng tại cuộc thi 'Công nghệ từ trái tim'
Là tác giả duy nhất giành tới 2 giải thưởng tại cuộc thi ảnh và video 'Công nghệ từ trái tim', Lê Minh Sơn - phóng viên báo điện tử Vietnam Plus (TTXVN) khẳng định: 'Thật tuyệt vời khi kết hợp nhiếp ảnh báo chí và công nghệ'.
Là phóng viên ảnh phụ trách mảng công nghệ thông tin, đến với cuộc thi ảnh và video “Công nghệ từ trái tim”, Lê Minh Sơn như “cá gặp nước”. Nhưng việc giành tới hai giải thưởng ở cuộc thi này vẫn là một bất ngờ với anh.
Tác phẩm “Tour đêm Hà Nội - Du lịch bằng công nghệ” - Giải Ba hạng mục Ảnh bộ:
Tác phẩm “Tour đêm Hà Nội - Du lịch bằng công nghệ” giành giải Ba hạng mục Ảnh bộ của cuộc thi là hành trình khám phá tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học" ngay khi ra mắt. Tour du lịch gây ấn tượng mạnh với du khách và được coi là một trong những sản phẩm tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Cùng với đó, mô hình chợ không dùng tiền mặt đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên thông qua tác phẩm “Chợ 4.0 ở Việt Nam - Đi chợ không cần tiền mặt”, cũng giúp Lê Minh Sơn, giành giải Khuyến khích của cuộc thi ở hạng mục Ảnh bộ. Theo tác giả, mô hình Chợ 4.0 được coi là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số tại tỉnh Thái Nguyên. Mô hình này giúp người dân địa phương tiếp xúc với Công nghệ số, thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngay cả trong những giao dịch hàng ngày.
Tâm đắc với hai đề tài này, Lê Minh Sơn cho biết: “Khi nhận được 2 giải thưởng từ “Công nghệ từ trái tim” tôi rất bất ngờ và hạnh phúc. Thực sự những bộ ảnh của tôi chỉ ghi lại những gì đơn giản nhất, gần gũi với cuộc sống nhất.
Công nghệ không ngừng phát triển đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, mang đến những thay đổi to lớn cho cuộc sống của người dân Việt Nam. Từ những việc nhỏ nhất, công nghệ đã góp phần tạo nên sự tiện lợi, kết nối và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người.
Công nghệ thay đổi thói quen giao tiếp, thay đổi cách thức mua sắm, di chuyển, giải trí, học tập và làm việc.
Với tôi, công nghệ không phải là một cái gì đó quá xa xôi hay to lớn. Công nghệ chính là những gì nhỏ nhất gắn với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta đang tiếp cận công nghệ, tự bản thân thay đổi mỗi ngày mà chúng ta dường như không nhận ra. Đó có thể là việc thanh toán tiền bằng QRcode thay vì trả tiền lẻ, có thể là một tờ hóa đơn điện tử thay vì bằng giấy như trước kia.”
Tác phẩm “Chợ 4.0 ở Việt Nam - Đi chợ không cần tiền mặt” - Giải Khuyến khích hạng mục Ảnh bộ:
Thông qua các tác phẩm của Lê Minh Sơn, có thể thấy công nghệ được anh tiếp cận theo các góc nhìn dân sinh. Đó là một khu chợ trên Thái Nguyên, nhưng đã được ứng dụng công nghệ vào việc thanh toán nhanh và được bên đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ người dân hiệu quả.
Hay chùm ảnh Văn Miếu ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên nét đa dạng trong phát triển du lịch ở Thủ đô. Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch ban đêm tại một trong những địa điểm văn hóa đáng chú ý là một cách tiếp cận đầy mới lạ và hấp dẫn. Thông qua đó, khách tham quan có thể biết việc ứng dụng công nghệ đúng và phù hợp sẽ tạo nên sự khác biệt như thế nào.
Giải thưởng "Công nghệ từ trái tim - Technology with heart" là giải thưởng ảnh và video lần đầu tiên được Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức năm 2024.
“Với tôi, công nghệ mang đến những tiện ích, kết nối và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, công nghệ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, mỗi người dân cần ứng dụng, sử dụng công nghệ một cách thông minh và có trách nhiệm để tận dụng tối đa lợi ích mà nó mang lại”, Lê Minh Sơn chia sẻ về góc nhìn riêng của mình với công nghệ.
Cơ duyên đến với nhiếp ảnh và nhiếp ảnh báo chí của Lê Minh Sơn rất tình cờ. Là sinh viên Học viện Báo chí, Lê Minh Sơn đã thích chụp và lưu giữ lại những khoảnh khắc đời thường ngay từ thời sinh viên. Anh đã tự sắm cho mình máy ảnh du lịch và bắt đầu đam mê từ đó.
Cho tới khi trở thành phóng viên của báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam), anh đã được giao phụ trách mảng ảnh, đời sống xã hội và sau đó là mảng công nghệ thông tin. Từ đó, Lê Minh Sơn bắt đầu dấn thân trở thành một phóng viên ảnh.
“Việc trở thành phóng viên ảnh thời điểm ban đầu khi mới vào nghề thực sự là một thử thách. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào. Thế nhưng mảng đời sống xã hội đã cho tôi được "thử lửa" với nhiều vấn đề thời sự để tôi có thể tác nghiệp, hoàn thiện các kỹ năng chụp, viết.
Phải đánh đổi hàng năm trời tôi mới có thể được gọi là "lành nghề" và cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng. Điều tôi thích nhất khi trở thành phóng viên ảnh chính là ghi lại những khoảnh khắc, có khi không bao giờ gặp lại bằng hình ảnh. Khi ngắm nhìn lại những bức ảnh mình chụp, dường như tôi được sống lại trong thời điểm đó, khoảnh khắc đó.
Năm 2018 tôi được tòa soạn giao phụ trách mảng công nghệ. Đây là một mảng tôi đánh giá “khó nhằn", vì gần như mình phải bắt đầu tiếp cận lại từ đầu. Thế nhưng khi bắt đầu phụ trách, tôi nhận ra rằng, sẽ thật tuyệt vời khi kết hợp nhiếp ảnh báo chí và công nghệ. Đó cũng là một góc nhìn thật khác, giúp người đọc vượt qua những rào cản ngôn từ khô khan để tiếp cận mảng công nghệ một cách sống động hơn”, Lê Minh Sơn khẳng định.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình để người yêu nhiếp ảnh, đặc biệt là các bạn trẻ muốn bắt đầu “tư duy bằng hình ảnh”, “kể câu chuyện bằng nhiếp ảnh”, Lê Minh Sơn cho biết: “Để xây dựng một bộ ảnh hoàn chỉnh và hấp dẫn người xem điều đầu tiên chúng ta phải hiểu “chúng ta đang chụp cái gì?”, “chúng ta đang kể một câu chuyện gì, dưới góc nhìn của ai?”.
Thực hiện một phóng sự ảnh cũng giống như chúng ta viết một bài báo, có nhiều dạng bài như phản ánh, bình luận... thì một phóng sự ảnh cũng tương tự. Để hấp dẫn người xem, ngoài yếu tố chọn được góc chụp "độc, lạ", phải đứng ở góc nhìn độc giả xem vấn đề chúng ta truyền tải có đủ sức thu hút người xem không.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, vì thế khi chụp cũng phải biết là chụp ai, cái gì, nội dung ảnh là gì... bức ảnh đó mới thật sự chạm đến tâm hồn của độc giả.
Các bạn trẻ ngoài việc phải chụp thật nhiều, cũng phải đi thật nhiều, đọc thật nhiều để có một góc nhìn riêng, khi đã có góc nhìn riêng, mỗi tác phẩm ảnh của các bạn sẽ có nội dung, "có hồn" hơn”.
Lê Minh Sơn là phóng viên ảnh báo điện tử VietnamPlus (TTXVN). Trước khi giành giải thưởng “Công nghệ từ trái tim”, anh từng đạt giải Nhì cuộc thi “Khoảnh khắc Báo chí” năm 2018, giải Nhất cuộc thi “Khoảnh khắc Vàng” năm 2019.