Tự hào tờ báo của tổ chức Công đoàn

Được thành lập từ nhu cầu của đoàn viên, người lao động và yêu cầu của tổ chức Công đoàn thành phố Hà Nội, hơn 30 năm qua, báo Lao động Thủ đô luôn xác định trọng trách và cũng là niềm tự hào là tờ báo của tổ chức Công đoàn để không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vừa phụng sự, vừa đồng hành với tổ chức Công đoàn, đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên chặng đường tiến về phía trước, xây dựng tổ chức Công đoàn, đội ngũ CNVCLĐ ngày càng vững mạnh.

Không ngừng đổi mới, phát triển

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến đời sống văn hóa, xã hội, đem lại diện mạo mới, sự “thay da, đổi thịt” rõ rệt ở các địa phương, nhất là các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Công trường, nhà máy, các khu công nghiệp đua nhau ra đời. Cùng với đó là sự phát triển chóng mặt của lực lượng lao động. Trước thực tế này, việc có một cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn, diễn đàn của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô trở thành một nhu cầu tất yếu. Do đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội, mà cụ thể là Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước báo chí cho ra đời tờ báo Lao động Hà Nội. Sau 13 số ra thử nghiệm, mà số đầu tiên phát hành vào ngày 28/7/1991, đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, báo Lao động Hà Nội tạm ngừng để củng cố bộ máy và cơ sở vật chất. Ngày 1/4/1993 báo Lao động Thủ đô chính thức ra mắt người lao động Hà Nội và bạn đọc trên cả nước…

Lao động Thủ đô đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của công nhân lao động.

Lao động Thủ đô đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của công nhân lao động.

Cũng như bao tờ báo trong thời kỳ đầu non trẻ, Lao động Thủ đô (khi ấy là Lao động Hà Nội) phải đối mặt với bộn bề khó khăn: cơ sở vật chất, phương tiện làm việc nghèo nàn; lực lượng cán bộ phóng viên, nhất là phóng viên ít ỏi, kinh nghiệm làm báo chưa nhiều. Trong điều kiện đó, vị trí của Lao động Thủ đô trong làng báo và trong mắt độc giả vô cùng khiêm tốn. Báo chỉ phát hành 1 kỳ/2 tuần, sau đó là 1 kỳ/tuần với 8 trang, in đen trắng. Dù vậy, những người làm báo Lao động Thủ đô không nản, luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực cố gắng, bền bỉ thực hiện mục tiêu đưa Lao động Thủ đô trở thành một tờ báo chính thống có uy tín, xứng đáng với niềm tin tưởng, kỳ vọng của tổ chức Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.

Đã có nhiều chiến lược, giải pháp phát triển Lao động Thủ đô được các thế hệ Ban Biên tập của Báo tìm tòi, triển khai thực hiện trong hơn 30 năm qua. Công cuộc cải tổ, nâng cấp tờ báo đặc biệt mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong những năm gần đây, khi Ban Biên tập báo Lao động Thủ đô tập trung vào những giải pháp then chốt đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ phóng viên đông về số lượng, chuyên nghiệp về nghiệp vụ làm báo đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tờ báo; cập nhật và áp dụng kịp thời xu hướng làm báo hiện đại, trong đó có việc phát triển báo Lao động Thủ đô điện tử; mở rộng, tăng cường các hoạt động xã hội, nối dài “cánh tay” Lao động Thủ đô tới mọi miền đất nước…

Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, lãnh đạo Báo vẫn tạo mọi điều kiện trang bị cơ bản đầy đủ phương tiện tác nghiệp cho phóng viên, thường xuyên tổ chức hoặc cử phóng viên tham dự các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ làm báo. Đặc biệt, Ban Biên tập Báo luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, phóng viên, có những chế độ khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời nên đã tạo động lực cố gắng cũng như chất keo kết dính của các cán bộ phóng viên với “ngôi nhà” Lao động Thủ đô, đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung.

Tự hào tờ báo Công đoàn

Trên tất cả, theo Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc, Lao động Thủ đô là tiếng nói của tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô, vì vậy, để báo phát triển, được đón nhận, Ban Biên tập luôn luôn chỉ đạo, đôn đốc các phóng viên phải bám sát, gắn bó chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở, lăn lội, gần gũi, đồng hành với đoàn viên, người lao động.

Theo đó, các phóng viên Lao động Thủ đô đã bền bỉ, kiên trì, bám sát các sự kiện của tổ chức Công đoàn, từ Trung ương tới cơ sở không quản ngại không gian và thời gian để phản ánh nhanh nhất, kịp thời nhất các hoạt động của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động. Đó là những ngày cao điểm của dịch Covid-19, cùng với cán bộ Công đoàn bất chấp hiểm nguy tổ chức các chuyến xe siêu thị 0 đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn; là những trưa hè nắng gắt của tháng 5 - Tháng Công nhân bám sát bước chân lãnh đạo LĐLĐ Thành phố đi thăm, tặng quà, trao trợ cấp, hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động; là những sớm cuối đông buốt giá dậy từ tờ mờ sáng cùng với cán bộ Công đoàn tổ chức các chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê đón Tết… Có thể nói, mỗi cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô không chỉ là những người làm báo, mà còn là những cán bộ Công đoàn, cùng với tổ chức Công đoàn nỗ lực triển khai hoạt động vì mục tiêu “Ở đâu đoàn viên khó, ở đó có Công đoàn”.

Theo Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc,Lao động Thủ đô là cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô, vì vậy, để báo phát triển, được đón nhận, Ban Biên tập luôn luôn chỉ đạo, đôn đốc các phóng viên phải bám sát, gắn bó chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở, gần gũi, đồng hành với đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh bám sát, đồng hành với tổ chức Công đoàn, những người làm báo Lao động Thủ đô cũng không quên hướng về đoàn viên, người lao động. Bước chân những người làm báo Lao động Thủ đô đã đến từng khu nhà trọ, gặp gỡ, tiếp xúc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Những trăn trở của công nhân, người lao động về đồng lương eo hẹp, vật giá leo thang, đời sống khó khăn; thiếu nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con em; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không thuận lợi đến việc bị nợ đọng bảo hiểm xã hội, vi phạm chính sách quyền lợi… đều trở thành những băn khoăn, day dứt của chính những người làm báo. Từ đó, những trăn trở ấy được chuyển tải qua từng con chữ, bài báo, thành một kênh thông tin gửi tới lãnh đạo Thành phố, tổ chức Công đoàn, cơ quan chức năng kịp thời có những giải pháp giải quyết.

Nhìn lại những gì đã làm, những người làm báo Lao động Thủ đô không khỏi tự hào và cảm thấy nhẹ nhõm, khi thông qua những bài báo của mình, nhiều chủ doanh nghiệp đã có những thay đổi, hợp tác và hoặc giải quyết những tồn tại, đặc biệt có rất nhiều công nhân lao động được đóng bảo hiểm xã hội, được quan tâm hơn từ những bữa ăn ca, trang bị những tờ báo để đọc sau những giờ lao động mệt nhọc; có những người được quay lại làm việc bởi một quyết định buộc thôi việc oan sai; nhiều ông chủ đã coi trọng vai trò của Công đoàn…

Giai cấp công nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức rất lớn trong bối cảnh đất nước hội nhập, nhất là trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc). Để đồng hành cũng như bước tiếp cùng giai cấp công nhân lao động tiến ra biển lớn, hơn lúc nào hết cùng với hệ thống báo chí Thủ đô và đất nước, những người làm báo Công đoàn tự nhủ sẽ tiếp tục rèn luyện đạo đức, trau dồi nghiệp vụ làm báo, đoàn kết, một lòng góp phần không ngừng đổi mới nội dung, hình thức của tờ báo theo hướng thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều, nhanh nhạy, chính xác, hấp dẫn và có định hướng, phục vụ tốt nhất cho phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn.

Lãnh đạo và mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên Lao động Thủ đô cũng luôn nhắc nhở nhau sẽ tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với cơ sở, bám sát hơn nữa đời sống người lao động, phản ánh sâu sắc hơn nữa tiếng nói từ cơ sở, phản ánh được tình cảm, suy nghĩ của cán bộ Công đoàn, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để tờ báo thực sự gần gũi và giữ mãi được niềm tin yêu của bạn đọc, công chúng Thủ đô nói chung, cán bộ Công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô nói riêng.

Dù cho chặng đường biết bao gập ghềnh, thử thách, nhưng báo Lao động Thủ đô vẫn kiên trì trong mọi gian lao để luôn là người bạn gần gũi với bao cán bộ Công đoàn và người lao động. Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày với những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn; xây dựng giai cấp công nhân ngày một vững mạnh; góp phần vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.

Tú Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-hao-to-bao-cua-to-chuc-cong-doan-172466-172466.html