Tự hào truyền thống vẻ vang ngành tuyên giáo của Đảng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đội ngũ những người làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng đã kế thừa và phát huy tốt truyền thống yêu nước, khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần bồi dưỡng ý chí, lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo và khát vọng vươn lên của con người Việt Nam, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành tuyên giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm (ngày Quốc tế đỏ 1/8 gắn với sự kiện thành lập Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng) làm ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng và cũng là ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Ngược dòng lịch sử, ngày 5/3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra đời, từ đó công tác tuyên giáo luôn gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh. Ban Tuyên truyền và Ban Giáo dục - tiền thân của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sau này - được thành lập. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng cử một số cán bộ cốt cán của tỉnh phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng ở mỗi huyện, thị trong tỉnh. Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong mỗi giai đoạn cách mạng, công tác tuyên giáo của tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, vị trí đi đầu, tạo dựng tinh thần, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia sôi nổi các phong trào cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ do Đảng bộ đề ra.

Trong kháng chiến chống Pháp, công tác tuyên giáo đã tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng trong quần chúng Nhân dân hiểu về Đảng, về cách mạng, về đường lối kháng chiến và chính sách của Đảng nhằm tập hợp lực lượng quần chúng ủng hộ kháng chiến, đi theo cách mạng… Giai đoạn này, công tác tuyên giáo trên địa bàn tỉnh tập trung vạch rõ âm mưu gây phỉ của thực dân, đế quốc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời vận động đồng bào vùng cao không nghe theo phỉ; vận động phỉ ra hàng; tuyên truyền, vận động Nhân dân ổn định đời sống, đoàn kết tăng gia sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tỉnh Lào Cai đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ. Công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh thời kỳ này tập trung tuyên truyền về nhiệm vụ chiến lược ở 2 miền Nam, Bắc, động viên đồng bào các dân tộc Lào Cai hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, tích cực chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo vệ vững chắc biên giới…

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi tách tỉnh Lào Cai đến nay, trải qua chặng đường gần 33 năm tái lập, đổi mới và phát triển (1/10/1991 - 1/10/2023), ngành tuyên giáo Lào Cai tập trung tuyên truyền, giáo dục về đường lối đổi mới của Đảng, tham mưu cho cấp ủy đảng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, khoa giáo trong điều kiện mới. Ngành đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động hướng mạnh về cơ sở, nhất là trong việc giải tỏa những băn khoăn thời kỳ đầu đổi mới, những khó khăn, thử thách sau khi tái lập tỉnh. Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, cùng với các nghị quyết, chương trình, đề án hướng về cơ sở của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngành tuyên giáo tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đưa Lào Cai từ 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành tỉnh vùng động lực phát triển của khu vực Tây Bắc, tỉnh phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Trong những năm gần đây, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động. Với phương châm “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, ngành tuyên giáo luôn chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất cho cấp ủy nhiều giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng. Đổi mới mạnh mẽ việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng chuyển đổi số; tổng kết từ thực tiễn thành lý luận về kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới của tỉnh. Các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn học, nghệ thuật, lịch sử Đảng, khoa giáo được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thực chất. Các loại hình tuyên truyền phát huy hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo. Công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước các vấn đề nhạy cảm, sự việc phức tạp nảy sinh trên địa bàn tỉnh được tham mưu kịp thời. Tình hình dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được kịp thời nắm bắt, tập hợp và xử lý hiệu quả. Hoạt động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để giải quyết những việc có liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần quan trọng tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Trên chặng đường xây dựng và trưởng thành, từ buổi sơ khai ban đầu chỉ với vài ba cán bộ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách thì đến năm 2023 bộ máy, tổ chức với hệ thống mạng lưới tuyên giáo tiếp tục được hoàn chỉnh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã phát triển mạnh mẽ với 79 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện (trong đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có 23 đồng chí; ban tuyên giáo cấp huyện có 56 đồng chí) và hàng nghìn cộng tác viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đội ngũ cán bộ tuyên vận cơ sở. Từ chỗ đội ngũ cán bộ ngành chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ thì đến nay đã trưởng thành nhanh chóng về đội ngũ. Trong số 79 cán bộ ngành tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện thì trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước đã được nâng lên rõ nét. Trong số cán bộ chuyên trách toàn tỉnh có 1 tiến sỹ, 21 thạc sỹ, 50 cử nhân. Về lý luận chính trị, có 36 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân và tương đương; 36 đồng chí có trình độ trung cấp. Về quản lý nhà nước, có 32 chuyên viên chính, 35 chuyên viên. Toàn tỉnh có 294 báo cáo viên, trong đó có 5 báo cáo viên cấp Trung ương tại tỉnh, 50 báo cáo viên cấp tỉnh và 239 báo cáo viên cấp huyện. Về mô hình tuyên vận, toàn tỉnh có 152 ban tuyên vận, 1.536 tổ tuyên vận với 1.707 cán bộ tuyên vận cấp xã và 4.068 tuyên truyền viên tại thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, đề xuất, giúp cấp ủy đảng chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh. Từ thực tiễn công tác, nhiều đồng chí đã trưởng thành từ lĩnh vực tuyên giáo và đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh…

Thành tích đạt được trong hơn 7 thập niên qua của ngành tuyên giáo Lào Cai đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, của tỉnh và trên hết là đã dành được trọn vẹn sự tin yêu, trân trọng của Nhân dân.

Vinh dự và tự hào trước những thành tựu to lớn đã đạt được, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh càng ý thức được trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình. Trước thời cơ mới, vận hội mới song cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức trong thời đại bùng nổ thông tin và nhận thức đa chiều, những người làm công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, phẩm chất, rèn luyện kỹ năng, tinh thông nghiệp vụ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đi trước, mở đường để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành trong điều kiện mới. Trước hết, mỗi cán bộ ngành cần giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, nhất là rèn luyện kỹ năng nói, viết thuyết phục; nâng cao năng lực dự báo tình hình, khả năng tuyên truyền, thuyết phục, vận động Nhân dân. Các cấp ủy đảng cần tiếp tục dành sự quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản, trưởng thành từ thực tế, xứng đáng là lực lượng kế cận của ngành trong điều kiện mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị, tư tưởng của tỉnh bản lĩnh, tiên phong, trí tuệ, có tinh thần “7 dám”, gương mẫu đi đầu trên mặt trận tư tưởng của Đảng bộ tỉnh.

Tự hào truyền thống vẻ vang của ngành, trải qua bao khó khăn, thử thách, dù tên gọi, cơ cấu tổ chức có nhiều đổi thay, nhưng đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Trình bày minh họa: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tu-hao-truyen-thong-ve-vang-nganh-tuyen-giao-cua-dang-post371482.html