Tự hào và trăn trở

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. 55 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào và tin tưởng báo cáo với Bác rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta 'ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn' như mong muốn của Người. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều điều trăn trở…

Bài 1:
NIỀM TIN VÀ TRĂN TRỞ CỦA BÁC TRƯỚC LÚC ĐI XA

Theo các tài liệu nghiên cứu về quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy Bác rất sáng suốt, minh mẫn khi viết bản Di chúc này. Người đã đặt niềm tin vào thế hệ kế tiếp, đau đáu lo cho hiện tại, tương lai của nước nhà, đã căn dặn bao quát tất cả công việc của đất nước sau khi Người đi xa…

Cách đây gần 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra hết sức ác liệt nhưng đã đạt những dấu mốc quan trọng, cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó còn khỏe và minh mẫn, Người đã bắt đầu viết “mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Theo đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác), Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau lúc 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 10-5-1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo, 11, 12 và 13-5-1965, cũng từ 9-10 giờ, Bác viết tiếp các phần còn lại.

Trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Ðảng - Ảnh tư liệu

Những năm sau này, cứ đến dịp sinh nhật Bác, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy tình hình đất nước. Đặc biệt là qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc.

Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm một trang viết tay. Ngày 19-5-1969, Bác sửa lần cuối.

Bản Di chúc công bố ngày 9-9-1969 trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là tập hợp nội dung toàn bộ các bản Di chúc của Người. Bản Di chúc công bố năm 1969 đã được tổng hợp, chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu và thời cuộc khi ấy. Về vấn đề này, Thông báo số 151-TB/TW ngày 19-8-1989 của Bộ Chính trị đã giải thích và khẳng định: “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) khẳng định, bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Cũng tại Thông báo số 151-TB/TW, tất cả nội dung thay đổi, sửa chữa đã được Bộ Chính trị báo cáo và giải trình cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc (đồ họa của TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc (đồ họa của TTXVN)

Phần mở đầu bản Di chúc Bác viết ngày 10-5-1969 (phần này được Bộ Chính trị công bố ngày 9-9-1969 trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh) chỉ có 128 từ thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vững bước tiến lên, giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc đọ sức với đế quốc "đầu sỏ" trên thế giới: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.

Không chỉ đặt niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tỏ rõ niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Niềm tin cách mạng đó ngày nay tiếp tục tiếp sức cho chúng ta vận dụng để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, vượt qua cơn gió ngược của thời cuộc, tin tưởng vào hiện thực hóa khát vọng dân tộc cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện mẹ Nguyễn Thị Suốt, người anh hùng đã chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, dưới bom đạn đế quốc Mỹ (30-12-1966) - Ảnh tư liệu

Bên cạnh niềm tin son sắt của Bác vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới có cơ sở khoa học chắc chắn bằng sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của thời đại, trong Di chúc của Người còn chứa đựng nhiều sự trăn trở của một người suốt đời vì nước, vì dân. Trong bản Di chúc năm 1965, Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đến năm 1968, Người viết cụ thể hơn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Đây là trăn trở của Bác và cũng là lời nhắc nhở với các thế hệ kế tiếp về một trách nhiệm quan trọng, nặng nề mà cũng hết sức thiêng liêng, bởi đó là sứ mệnh của một đảng cách mạng, một đảng không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên lượng những việc cần làm sau chiến tranh. Người nêu lên từng đối tượng cụ thể: “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…)”; “các liệt sĩ”; “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ)”; “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”; “phụ nữ”; “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…”. Về hình thức là sự nhắc nhở, nhưng ẩn sâu bên trong là niềm tin của Người về kết quả tốt đẹp mà Đảng sẽ dành cho nhân dân, dành cho từng đối tượng cụ thể.

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Phước hôm nay có quyền tự hào báo cáo với Bác rằng: Bình Phước đã và đang làm theo lời Bác dạy. Bình Phước đã góp sức cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, xây dựng quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời mong ước của Bác.

Ðại tá, nhà báo ÐỖ PHÚ THỌ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161980/tu-hao-va-tran-tro