Từ Hy Thái hậu và bữa tiệc 'chưa từng có' tốn 400.000 lượng vàng
Bữa tiệc do Từ Hy Thái hậu tổ chức năm 1874 được cho là một trong những cuộc ăn chơi tốn kém bậc nhất trong lịch sử.
Cuối thế kỷ XIX, khi chế độ phong kiến ở Trung Quốc ngày càng suy yếu, nguy cơ bị thực dân phương Tây xâm lược đến gần, Từ Hy Thái hậu hiểu rằng cách tốt nhất là dùng ngoại giao để giải thoát.
Vào dịp Tết Nguyên Đán (1874), thái thú Lý Hồng Chương được giao sứ mệnh gặp gỡ các đại thần phương Tây, mở đầu cho mối giao hảo này. Một bữa tiệc linh đình nhất thời Thanh đã được tổ chức tại Duy An Cung.
Bữa tiệc bảy ngày bảy đêm
400 khách được mời dự tiệc, có đến 140 món ăn, 1.750 người phục dịch. Tiệc bắt đầu vào đúng giao thừa năm 1874, kéo dài đến giờ tý đêm mồng 7 Tết, hao tốn 98 triệu hoa viên Trung Quốc (khoảng gần 400.000 lượng vàng).
Để chuẩn bị cho bữa tiệc, ngay từ rằm tháng 2 năm Quý Dậu (1873), mỗi tỉnh ở Trung Quốc phải tiến cử 10 đầu bếp giỏi nhất vào kinh thành hội ý thực đơn. Sau 2 tháng bàn bạc, họ đưa ra thực đơn gồm 140 món ăn, trong đó có 7 món đặc biệt. Trong 7 đêm yến tiệc, mỗi đêm chỉ dùng một món.
Vào đêm 30 Tết, tất cả khách mời của buổi tiệc tề tựu tại Duy An Cung, thái hậu xuất cung. Sau ba tiếng ngọc khánh báo hiệu yến tiệc bắt đầu, các khách mời ngồi cách nhau một mét, sau lưng có 2 hầu nam và nữ đứng phục dịch.
Theo sách Bí sử hậu cung, mỗi ngày, nhà bếp dọn lên 20 món. Mỗi lần dùng một món ăn mới, Từ Hy Thái hậu sẽ gõ khánh ngọc, một viên thái giám lại vòng tay xướng tên món ăn.
Điều khiến bữa tiệc này đi vào sử sách không chỉ dừng lại ở quy mô và thời gian kéo dài liên tục cả tuần, nó còn nổi tiếng bởi những món sơn hào, hải vị độc đáo và hiếm có trong sử sách.
Những món ăn có một không hai
Trong số 140 món ăn phục vụ được hoàng cung dâng lên, chuột sâm (Sâm Thử) chính là món độc đáo nhất.
Chuột được nuôi trong lồng kính, ăn các loại sâm hảo hạng và uống nước suối cho đến khi sinh con, đến đời thứ ba thì chuột mới thực sự “thập toàn đại bổ”. Khi món ăn đặc biệt này được dọn ra, mọi người nhìn nhau, thái hậu cầm nĩa xúc một con chuột bao tử ăn để cho mọi người làm theo.
Theo sách Bí sử hậu cung, trước món ăn “có một không hai này”, sứ thần phương Tây khiếp sợ, không ai dám động đũa, Thái hậu cười và nói bà tiếc không thể thấm nhuần được văn minh Âu – Mỹ của các sứ giả, nhưng riêng về cái ăn thì thấy quả là các sứ thần chậm tiến, không biết được cái gì ngon, bổ.
Sau chuột sâm là món “não hầu” – óc khỉ. Bấy giờ, vùng gần núi Thiên Hoa vùng Sơn Đông có rừng lê được gọi là Lê Ngọc Căn trị được các bệnh cam, thận, nhiệt uất, ho kinh niên. Rừng lê bị một bầy khỉ ở đó ăn hết, vì vậy thịt khỉ ở đây thơm, ngon, đại bổ, ăn vào trị được bệnh bán thân bất toại.
Từ Hy Thái hậu hạ lệnh phải bắt được 200 con khỉ chưa thay lông, mỗi con được thưởng 110 lượng vàng. Số khỉ Thiên Hoa Sơn đem đãi khách là 80 con, cứ 5 người ăn một bộ óc khỉ.
80 con khỉ này được tẩm bổ hàng ngày, mỗi con được đặt trong cái lồng nhỏ, khoét một cái lỗ vừa đủ để đầu khỉ ló lên, lồng có gông khá chắc để khỉ không thể nhúc nhích được.
Lúc ăn, người hầu sẽ cầm chiếc chày ngà và giáng xuống đầu khỉ, cú đập này đương nhiên đã được tập luyện, đủ để con khỉ xấu số chết ngay. Sau đó, rưới nước sâm nóng lên đầu khỉ để óc tái đi. Quan khách sẽ dùng muỗng bạc để thưởng thức món ăn.
“Tượng tinh” – tinh khí của voi, là món ăn kết hợp giữa tổ yến được lấy từ các đảo ngoài khơi biển Nam Hải, nấu bằng nhân sâm và đường Chủng Càu Chỉ, hòa chung nước lê Vân Nam cùng bột Kiết Châu Phấn, nấu khô lại rồi tạo thành hình con voi, cuối cùng bỏ vào lò nung cho thật chín và chắc.
Món tiếp theo là Cỏ Phương Chi – loại cỏ chỉ mọc duy nhất một lần trong năm trên phiến đá ở ngọn núi Thái Hàng, được nấu với Long Tu. Người ăn sẽ sảng khoái tinh thần, suốt cả tháng không thấy mệt mỏi.
Trứng công cũng là món ăn cực hiếm của bữa tiệc. Thịt công đã quý, trứng lại càng quý hơn nữa. Nấu món này cần đến 100 con khỉ được huấn luyện để trộm trứng công. Kết quả thu được 500 trứng đãi khách, nhưng số khỉ “hy sinh” mất một phần ba.
Ngoài những món tiêu biểu trên, bữa tiệc còn vô số món ăn độc đáo và tốn kém khác như món “heo sữa Phúc Châu”, hay “Sơn Dương Trùng” – loại dê núi được chăm sóc cẩn thận, hàng ngày được cho ăn bằng loại cỏ “Đông trùng hạ thảo”, là vị thuốc bổ ở Vân Nam và Quảng Tây…