Tư lệnh ngành Giao thông chỉ đạo sớm nghiên cứu triển khai hợp đồng EPC, EC
Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng thêm các hình thức triển khai mới, nhất là tại các dự án hạ tầng có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới.
Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo số 117/TB – BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp về các hình thức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đánh giá của Tư lệnh ngành GTVT, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công do Bộ GTVT quản lý hiện nay chủ yếu được triển khai thực hiện theo trình tự thông thường.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ triển khai đầu tư các dự án có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới; vì vậy cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng để đa dạng hình thức thực hiện, phù hợp với từng công trình, dự án; nâng cao chất lượng công tác khảo sát thiết kế, tạo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chí phí trong đầu tư xây dựng.
Đây cũng là giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được tiếp cận, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và góp phần củng cố, phát triển, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ nghiên cứu, báo cáo những vấn đề còn vướng mắc và đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các giải pháp để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng EPC, EC; gửi báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 30/4/2023.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì, tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, báo cáo Bộ GTVT trong tháng 5/2023 để xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Đối với hình thức hợp đồng EC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu, báo cáo rõ về thẩm quyền của Bộ GTVT trong việc xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn áp dụng hình thức hợp đồng EC đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trường hợp không đủ thẩm quyền ban hành hoặc có thẩm quyền ban hành nhưng không thể giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn cần đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Thông tư mới để hướng dẫn việc lập hồ sơ mời thầu gói thầu EPC, EC tổ chức đấu thầu trong nước đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn để triển khai thực hiện.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, rà soát dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và trong quá trình xây dựng, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, đảm bảo quy định cụ thể các nội dung liên quan để có đủ cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức gói thầu hỗn hợp đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tiễn và đặc thù của ngành giao thông vận tải.
Đơn vị này cũng sẽ phải tập trung nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về xây dựng hiện hành, đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể về quản lý chi phí, lập dự toán gói thầu, quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình đối với hình thức gói thầu hỗn hợp đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Tại Việt Nam đang có 5 hình thức tổng thầu, gồm: Thiết kế; Thi công; Thiết kế (bước kỹ thuật) và thi công (EC); Tổng thầu thiết kế, cung ứng, thi công (EPC).
Trong đó, mô hình EC có tính logic cao, liên hoàn và đồng bộ được kỳ vọng sẽ khắc phục được những xung đột giữa thiết kế và thi công đã xảy ra, thúc đẩy tiến độ hoàn thành công trình và kiểm soát được chất lượng thi công xây dựng.
PGS.TS Trần Chủng đánh giá mô hình Tổng thầu EC có triển vọng là phương án hiệu quả trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông khi khắc phục được những tồn tại trước đây: “Trách nhiệm được xác lập rõ ràng khi gói thầu không bị “xé nhỏ”. Tổng thầu là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện cho các giai đoạn thực hiện dự án từ thiết kế kỹ thuật, thi công và hoàn thiện đáp ứng chất lượng và tiến độ đề ra của dự án đã được phê duyệt.
Với mô hình EC, Tổng thầu có trách nhiệm chọn lựa các nhà thầu phụ đặc biệt có khả năng đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện các công việc phức tạp và được chủ đầu tư thống nhất.
Nhờ có vai trò tổ chức quản trị điều hành dự án xuyên suốt từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật cho đến triển khai thi công xây lắp và xử lý các sự cố của tổng thầu EC, các giai đoạn thiết kế và thi công có sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học công nghệ có thể tham gia để tối ưu hiệu quả điều hành. Công tác quản lý dự án của chủ đầu tư do vậy cũng được giảm tải đáng kể.
Bên cạnh đó, dự án theo hình thức hợp đồng EC có thời gian triển khai được rút ngắn bởi các công tác thiết kế và xây dựng có thể thực hiện gối đầu nhau, thời gian và thủ tục hành chính phục vụ công tác lựa chọn nhà thầu được tiết giảm.
Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đủ lớn mạnh để đáp ứng vai trò tổng thầu EC. Đó cũng là cách khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển lớn mạnh vươn tầm quốc tế.