Từ lớp áo chống bụi đến thế giới muôn màu của bìa sách

Bước vào mọi hiệu sách, công chúng đều sẽ được chìm đắm trong một thế giới đầy màu sắc của bìa sách. Nhưng không dễ dàng để các thiết kế bìa sách đa dạng và phong phú như hiện nay.

Theo Euro News, hiện nay, bìa sách là một trong những yếu tố các đơn vị xuất bản luôn chú ý tới mỗi khi ra mắt tác phẩm. Với nhà xuất bản, bìa sách là cơ hội đầu tiên để gây ấn tượng với độc giả. Do đó, không ngạc nhiên khi phong cách thiết kế bìa sách đang rất đa dạng, từ cỡ chữ lớn, nhỏ, đậm nhạt, hình bìa trừu tượng hay rõ ràng, chất liệu bìa cứng, mềm hay thậm chí là vải, lụa…. Tất cả đều được tính đến tùy thuộc vào thể loại, chủ đề sách và đặc điểm đối tượng công chúng họ muốn nhắm tới, cả về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp….

 Không gian màu sắc trong hiệu sách. Ảnh: Brittle Paper.

Không gian màu sắc trong hiệu sách. Ảnh: Brittle Paper.

Tuy nhiên, không phải tự nhiên bìa sách có được quyền lực lớn như vậy. Cho đến thế kỷ 19, bìa sách chỉ đơn thuần là một tờ giấy bổ sung giúp bảo vệ sách khỏi bị hư hỏng và bụi bẩn trước khi đến tay độc giả.

Tiến sĩ Michael John Goodman, nhà thiết kế và chuyên gia về văn hóa in ấn, giải thích: “Những cuốn sách thời đó thường được gói trong một lớp giấy thường và khi người đọc mang về nhà, họ sẽ xé bỏ lớp giấy này giống xé bỏ giấy gói những món quà sinh nhật”.

Ông Goodman nói thêm: “Bìa sách thời đó cũng là nguyên mẫu cho 'lớp áo chống bụi' - lớp bìa có thể tháo rời đối với sách bìa cứng ngày nay”.

Và tình trạng trên dần thay đổi khi tạp chí văn học định kỳ The Yellow Book của Anh bắt đầu ra mắt những “lớp áo chống bụi” có hình ảnh và màu sắc. Những bản thiết đầu tiên của Aubrey Beardsley vào năm 1894 đã gây ấn tượng mạnh.

 Những ấn bản The Yellow Book thế kỷ trước đã cách mạng hóa bìa sách. Ảnh: Euro News.

Những ấn bản The Yellow Book thế kỷ trước đã cách mạng hóa bìa sách. Ảnh: Euro News.

Dần dần, cách làm của The Yellow Book được công chúng chú ý và đến đầu thế kỷ 20, thiết kế bìa sách đã trở thành một loại hình nghệ thuật được quan tâm.

130 năm sau khi The Yellow Book thay đổi thiết kế bìa sách, một trong những bìa sách đáng chú ý nhất hiện nay cũng có đặc điểm tương tự, đó chính là tác phẩm ăn khách Yellowface của Rebecca F. Kuang. Hình bìa của cuốn sách gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác: hai con mắt nhìn chằm chằm ra ngoài trên nền bìa màu vàng đậm.

Ellie Game, phó giám đốc nghệ thuật của nhà xuất bản HarperCollins cho biết: Hình bìa này đơn giản nhưng khéo léo. Đội ngũ thiết kế đã rất trăn trở với tác phẩm. Do nội dung cuốn sách rất được kỳ vọng, nên các nhà thiết kết cũng muốn có được thiết kế bìa tương xứng.

 Một mẫu bìa cuốn The Great Gatsby và cuốn Yellow Face. Ảnh: Euro News.

Một mẫu bìa cuốn The Great Gatsby và cuốn Yellow Face. Ảnh: Euro News.

Một bài toán mọi nhà thiết kế bìa phải đối mặt là “hình bìa sách phải khác biệt nhưng cũng phải thỏa mãn đông đảo độc giả” - đảm bảo cân bằng giữa tính nghệ thuật và tính thương mại.

Ông Goodman cũng cho biết: “Thiết kế bìa sách nằm ở điểm giao thoa hấp dẫn giữa nghệ thuật và thương mại”.

Bà Game đồng ý rằng “thông thường các nhà thiết kế luôn muốn làm điều gì đó hơi khác biệt một chút”, nhưng họ cũng phải thỏa mãn tâm lý của các nhà bán sách, đó là những phong cách bìa quen thuộc gần gũi hơn với người tiêu dùng và nhờ đó khách hàng biết về sản phẩm họ sắp mua.

Bà Game cho biết: “Đôi khi rất khó để thiết kế ra một hình bìa quá khác biệt, bởi vì hình bìa đó đi kèm với rủi ro là khách hàng không biết hình bìa thể hiện cho cái gì và họ không mua sách”.

“Đó là lý do ngày nay có một số khuôn mẫu thiết kế bìa đối với từng thể loại. Ví dụ như thể loại lãng mạn lịch sử hướng đến độc giả nữ thường có hình bìa là một người phụ nữ quay lưng bỏ đi”, bà Game tiết lộ.

Sự rập khuôn nhàm chán

Ngoài những khuôn mẫu truyền thống như vậy, sau khi một tác phẩm nào đó trở nên nổi tiếng, thiết kế bìa của chúng cũng nhanh chóng bị các cuốn sách cùng thể loại bắt chước. Goodman lưu ý, kể từ khi loạt truyện Thursday Murder Club của Richard Osman thành công, các tác phẩm tương tự đã bùng nổ và tất cả đều sử dụng kiểu chữ viết nguệch ngoạc và các yếu tố hình ảnh nhỏ của Thursday Murder Club cho trang bìa của họ.

 Bìa cuốn Thursday Murder Club. Ảnh: Penguin.

Bìa cuốn Thursday Murder Club. Ảnh: Penguin.

Hay các cuốn sách về phát triển trí tuệ cũng thường sử dụng kiểu chữ lớn trên nền hình bìa đơn sắc giống Atomic Habits hay Sapiens - những tác phẩm ăn khách cùng thể loại.

Với các nhà bán sách, giá trị thương mại là một yếu tố quan trọng, do đó, họ lo lắng khi các nhà thiết kế muốn mang tới những bản vẽ mới. Elisha Zepeda là một nhà thiết kế sách tự do và hiện cộng tác cùng một đơn vị thiết kế. Và khi nhận đơn hàng từ một đơn vị xuất bản, họ đã thiết kế được một hình bìa độc đáo, đan xen hình ảnh và văn bản theo một bố cục phức tạp. Hình bìa này phần nào đã giúp tác phẩm đó bán chạy. Tuy nhiên, sau đó, nhà xuất bản chưa thông qua bất cứ đề xuất nào tương tự, Zepeda chia sẻ.

Zepeda cũng thường xuyên thua cuộc khi phản bác việc sử dụng khuôn mẫu “người phụ nữ quay lưng”. “Mọi thứ quá giống nhau”, Zepeda bày tỏ với sự bất lực.

Cuộc cách mạng nhờ mạng xã hội

Tuy nhiên, với sự lên ngôi của mạng xã hội và các cộng đồng như BookTok, Bookstagram, các nhà xuất bản ngày càng thấy rằng họ có thể giới thiệu những bìa sách táo bạo, giàu sức gợi trên các nền tảng này và thu hút được đông đảo độc giả.

Bà Game chia sẻ: “Mọi người đang muốn những cuốn sách đẹp và đáng để họ bỏ tiền. Họ muốn thứ gì đó có thể đặt trên kệ của họ và trở thành một đồ vật thực sự đẹp mắt ngoài việc chỉ là một cuốn sách hay”.

Một trong những thay đổi rõ nhất mạng xã hội mang lại cho thiết kế bìa sách là nhiều nhà xuất bản không còn phát hành các trang bìa khác nhau ở các lãnh thổ khác nhau. Một khi một tấm hình bìa đã gây được ấn tượng với độc giả, nó sẽ được sử dụng toàn cầu. Ví dụ, hình bìa vàng của cuốn Yellowface được sử dụng cho mọi ấn bản in đa quốc gia.

Ngoài ra, Goodman chỉ ra sự thành công của các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle là một yếu tố khác khiến các nhà xuất bản “chú trọng nhiều hơn vào thiết kế sách, từ đó nâng cao giá trị sưu tập của sách giấy, vì nếu chỉ cần đọc sách thì độc giả đã có sách điện tử”.

Trong khi các nhà xuất bản luôn nghĩ đến lợi nhuận trên thị trường, thì đối với các nhà thiết kế, giá trị nghệ thuật là điều họ muốn mang tới cho người đọc. “Tôi không nghĩ mọi người vào hiệu sách đều là để đếm số đầu sách. Nếu có điều gì đó khiến bạn cầm cuốn sách lên thì đó cũng là vì sự đặc biệt và vì giá trị nghệ thuật của tác phẩm”, ông Zepeda nói.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-lop-ao-chong-bui-den-the-gioi-muon-mau-cua-bia-sach-post1476611.html