'Từ mẫu' của nhân dân hai bên biên giới
Dù ngày nắng nóng hay đêm đông giá rét, khi người dân cần, Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật, Trạm trưởng Trạm Quân dân y Việt – Lào, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La đều nhanh chóng có mặt để cứu chữa bệnh cho bà con. Vững vàng về nghiệp vụ, am hiểu ngôn ngữ đồng bào, tận tình khi hành nghề, anh được nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên biên giới Việt Nam - Lào rất tin yêu, mến phục. Vừa qua, người cán bộ quân y Biên phòng này được chính quyền huyện Sop Bao, tỉnh Houaphanh (Lào) khen thưởng vì đã kịp thời cứu sống 4 cháu bé là công dân nước bạn bị ngộ độc nấm rừng.
“Bộ đội Thuật là ân nhân của chúng tôi”!
Một buổi sáng cuối tháng 10-2024, tại Trạm quân dân y Việt – Lào, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có rất đông người dân đến khám, chữa bệnh. Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật cùng đồng đội ân cần thăm khám, cấp thuốc, dặn dò mọi người cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình. “Thời tiết đang chuyển mùa lạnh, bà con ta chú ý mặc ấm, ăn chín, uống sôi để phòng tránh bệnh, nhất là người già và trẻ nhỏ” - Thiếu tá Thuật đang siêu âm cho một bệnh nhân và chia sẻ với những người dân đang ngồi trong căn phòng nhỏ.
Công việc của quân y Biên phòng và đồng đội kéo dài đến gần trưa, khi sương trên những ngọn núi trước mặt dần tan, người dân tại Trạm quân dân y Việt - Lào đang dần thưa. Thời điểm này, có một người đàn ông gùi theo mấy quả bí nương, vừa bước vào và nói lớn: “Bộ đội Thuật đâu rồi, bố sang thăm các con đây”. Đang trong phòng làm việc, dường như nghe giọng nói của người quen, Thiếu tá Thuật chạy ra sân nắm lấy tay người đàn ông, rồi cùng đi vào bàn ngồi uống nước, trò chuyện vui vẻ.
Trong câu chuyện được biết, ông là Sồng A Chư, 62 tuổi, đến từ bản Muống, huyện Sop Bao, tỉnh Houaphanh, (Lào) sang cảm ơn Thiếu tá Thuật và đồng đội đã kịp thời cứu sống 4 đứa cháu của mình không may bị ngộ độc nấm. “Bộ đội Thuật là ân nhân của nhiều người dân ở các bản làng biên giới chúng tôi!”, ông Chư cho biết. Rồi người đàn ông mang quốc tịch Lào kể lại câu chuyện của gia đình, cách đây khoảng 1 tháng, khi ông trên nương về đến nhà thì phát hiện 4 cháu nội có nhiều biểu hiện bất thường về sức khỏe.
“Từ trên nương về đến nhà, tôi nhìn thấy 4 đứa cháu người lả đi, đặc biệt 2 đứa nhỏ tuổi hơn có triệu chứng tím tái, khó thở, mê man. Bằng kinh nghiệm thực tế, tôi nhận định có thể các cháu bi ngộ độc do ăn phải một loại nấm rừng. Mọi người trong bản nhanh chóng giúp gia đình đưa các cháu sang Trạm quân dân y Việt – Lào với hy vọng được quân y Biên phòng cứu mạng”, ông Chư cho biết thêm.
Nhớ lại thời điểm đó, Thiếu tá QNCN Phạm Thiện Thuật chia sẻ: “Buổi chiều hôm đó, khi tôi đang chăm sóc vườn cây thuốc nam thì nhận được điện thoại của đồng đội thực hiện nhiệm vụ ở cửa khẩu gọi xuống thông báo sự việc. Ngay lập tức, tôi trao đổi với anh em tại trạm chuẩn bị phương án, tận dụng thời điểm vàng quyết tâm cứu sống nạn nhân. Khi 4 cháu của “bố” Chư được đưa đến, qua thăm khám nhanh, tôi quyết định cùng đồng đội sử dụng thủ thuật gây nôn, tụt tháo làm sạch đường ruột, sau đó kết hợp truyền nước bổ sung giải độc. Sau khi các cháu qua cơn nguy kịch, chúng tôi đã chuyển nạn nhân về Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu để tiếp tục điều trị. Chỉ mấy ngày sau các cháu bình phục, trở về nhà”.
Cũng qua câu chuyện, ông Sồng A Chư cho biết thêm, bản làng nơi ông sinh sống và các khu dân cư lân cận nằm cách xa Trung tâm y tế huyện Sop Bao, giao thông cách trở, việc chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, quãng đường từ các bản làng của Lào đến cơ sở quân y của Biên phòng Việt Nam lại gần hơn nhiều. Khi đau ốm, bệnh tật, nhiều người dân Lào đã tìm đến để được cán bộ quân y khám, cấp thuốc miễn phí, trong trường hợp phải lưu trú điều trị dài ngày, sẽ được bộ đội hỗ trợ để ăn uống cùng. “Bộ đội Thuật nói được tiếng của người Lào, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho bà con, nhiều gia đình ở các bản biên giới chúng tôi xem quân y Biên phòng như người thân”, ông Chư khẳng định.
Phát huy bài thuốc quý trong dân gian
Trong những ngày lưu lại khu vực biên giới xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, chúng tôi được nghe người dân nói, hiểu thêm nhiều điều về cán bộ Quân y Biên phòng. Trong câu chuyện, người dân đồng bào các dân tộc thiểu số chia sẻ rằng, Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật giỏi cả Tây y lẫn Đông y, lại rất hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, cuộc sống của nhân dân biên giới. Không chỉ trực ở trạm, khi nhân dân cần, bất kể ngày nắng nóng, đêm khuya giá rét, anh đều lên đường đến các bản làng để cứu chữa cho người gặp nạn.
Câu chuyện được ông Vì Văn Pui, bản Bó Sập, xã Lóng Sập kể lại: “Tôi còn nhớ như in vào đêm 15-12-2023, trên đường đi rừng về không may bị rắn độc cắn khiến bản thân và gia đình rất lo lắng. Khi biết chuyện, một người trong bản đã chạy lên trạm quân dân y để báo cho anh Thuật xuống giúp đỡ. Bởi bà con ở đây biết rất rõ, quân y Biên phòng không chỉ giỏi chữa bệnh về Tây y mà còn có nhiều bài thuốc nam khác rất hiệu quả. Trong đêm đông giá rét, anh Thuật đã nhanh chóng có mặt, mang theo cây phèn đen được trồng ở vườn thuốc nam của trạm để giã lấy nước cho tôi uống, dùng bã đắp vào vết thương. Sau đó, bộ đội Thuật đã đưa tôi lên Trạm quân dân y Việt – Lào để tiếp tục điều trị. Tôi đã thoát chết thần kỳ, rồi khỏi hẳn, lao động trở lại bình thường”.
Khi tiếp xúc, một điều dễ nhận thấy là Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật có khuôn mặt hiền lành, giọng nói trầm ấm, dễ gần. Chúng tôi hỏi: “Nghe bà con chia sẻ, cùng với kiến thức Tây y, anh còn có nhiều bài thuốc nam chữa bệnh rất hiệu quả?”. Nghe vậy, Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật chia sẻ: “Đúng là tôi có cả chứng chỉ hành nghề Đông y nữa. Cũng là duyên số, mình học thêm kiến thức để giúp đỡ bà con”.
Qua câu chuyện được biết, Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật quê ở thành phố Hải Phòng, năm 2005, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đã viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự. Rồi với tình yêu biên giới, anh đã quyết tâm ôn, thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quân y 1 để thực hiện mong muốn phục vụ lâu dài trong quân đội. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Y sĩ đa khoa, cán bộ quân y trẻ được điều động lên biên giới Sơn La nhận nhiệm vụ quân y đồn Biên phòng.
Nhờ những thành tích trong quá trình công tác, đến năm 2017, Thiếu tá Thuật được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm xá quân dân y Việt – Lào, điều hành và trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên biên giới. “Gần 20 năm gắn bó với các địa bàn biên giới khác nhau, tôi nhận thấy rằng cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn quá khó khăn, vất vả. Từ đó, tôi luôn trăn trở nâng cao nghiệp vụ, học tiếng dân tộc, tiếng Lào để làm sao góp sức chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân một cách hiệu quả nhất”, Thiếu tá Thuật chia sẻ. Nhiều năm qua, cùng với số thuốc được phân cấp, quân y Biên phòng đã liên hệ nhiều nơi kêu gọi nguồn xã hội hóa để có thêm thuốc men dự phòng tại trạm tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo.
Đặc biệt năm 2019, Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật đã đề xuất được cấp trên tạo điều kiện để theo học chứng chỉ hành nghề Đông y tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Sơn La. “Trong quá trình công tác, tôi nghe người dân địa phương nói trên địa bàn có nhiều cây, bài thuốc nam quý, chữa bệnh hiệu quả nhưng đang có nguy cơ mai một. Từ đó, tôi quyết tâm học thêm Đông y để phát huy lợi thế cây thuốc có trong tự nhiên vào việc chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời góp phần giữ gìn những bài thuốc nam của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một. Trong quá trình khám bệnh, có trường hợp tôi chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc tây nhưng có lúc chỉ hướng dẫn để bà con sử dụng cây cỏ xung quanh vườn để tự chữa bệnh”.
Đúng như tên gọi, cơ sở y tế của lực lượng BĐBP do Thiếu tá QNCN, Y sĩ Phạm Thiện Thuật phụ trách đang nỗ lực chăm lo sức khỏe cho nhân dân sinh sống hai bên biên giới Việt Nam - Lào. Trung bình mỗi năm, ở đây khám, chữa bệnh miễn phí cho khoảng 1.200 lượt người dân Việt Nam và Lào, qua đó góp phần vun đắp niềm tin của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới với Quân đội, chính quyền địa phương.