Từ metro Nhổn - ga Hà Nội đến nỗ lực hoàn thiện bức tranh giao thông đô thị ở Thủ đô

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao đã chính thức vận hành thương mại phục vụ hành khách từ sáng nay (8/8). Trước sự kiện này, không ít người đã ví tuyến tàu điện mới như thêm một nét vẽ cho bức tranh giao thông đô thị của Thủ đô.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoạn trên cao tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội gồm 8 ga, được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, gồm Nhổn (S1), Minh Khai (S2), Phú Diễn (S3), Cầu Diễn (S4), Lê Đức Thọ (S5), ĐH Quốc gia (S6), Chùa Hà (S7) và Cầu Giấy (S8).

Kết quả của 15 năm chờ đợi

MRB cho biết thêm, trong 3 tháng đầu (từ tháng 8 đến hết tháng 10/2024) tuyến sẽ mở vào 5h30, đóng tuyến vào 22h hàng ngày, định kỳ 10 phút/chuyến. Giá vé lượt (vé chặng) đi một ga là 8.000 đồng và đi cả tuyến là 12.000 đồng/lượt. Giá vé ngày và không hạn chế số lượt là 24.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Miên (70 tuổi), nhà gần ga Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), chia sẻ dù đã từng gặp không ít bất tiện trọng thời gian thi công dự án, nhưng đến hôm nay khi tuyến tàu điện chạy, bà cảm thấy xúc động.

“15 năm kể từ ngày khởi công, đây là một khoảng thời gian dài, đã từng có điều không hài lòng, cũng có những bất tiện xảy ra khi rào chắn được dựng lên, nhưng nay được nhìn thấy tàu chạy tôi cũng cảm thấy vui. Đặc biệt, tôi còn nghe nói tàu miễn phí cho người về hưu”, bà Miên tâm sự.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại (đoạn trên cao) sau nhiều năm chờ đợi.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại (đoạn trên cao) sau nhiều năm chờ đợi.

Có thể thấy, rất nhiều người dân Hà Nội chào đón tuyến tàu điện mới đi vào vận hành. Không chỉ miễn phí cho người đã về hưu (trên 60 tuổi), theo MRB, tàu metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ phục vụ miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi, người có công và người khuyết tật.

Giá vé tàu theo tháng loại phổ thông là 200.000 đồng/tháng. Giá vé tháng ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội

Đáng chú ý, trước khi đưa vào vận hành tuyến tàu điện, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy.

Hiện tại, 8 ga tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50m, khá thuận tiện cho người dân. Dọc tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn. Bên cạnh đó, có 32 điểm dừng xe buýt (mỗi chiều đi và về đều có 16 điểm).

Nỗ lực hoàn thiện bức tranh tổng thể

Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết đến nay toàn bộ đoạn trên cao từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử. Công tác nghiệm thu cũng đã xong, đủ điều kiện để vận hành thương mại.

Với đoạn ngầm, từ ga S9 đến S12, bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9, tiến độ tổng thể đạt 43,5%. Hoạt động thi công diễn ra trên tất cả công trường. Theo kế hoạch, việc khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025. Toàn bộ phần ngầm của dự án sẽ xong vào tháng 12/2027.

Việc tuyến tàu điện Nhổn – ga Hà Nội đi vào vận hành thương mại được nhiều người ví như thêm một nét vẽ trong bức tranh giao thông đô thị Thủ đô. Trước đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cũng đã được đưa vào vận hành, góp phần giảm tải đáng kể cho hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Đường sắt đô thị là giải pháp quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện giao thông thông đô thị tại Hà Nội.

Đường sắt đô thị là giải pháp quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện giao thông thông đô thị tại Hà Nội.

Dù vẫn có nhiều băn khoăn về tỷ lệ lấp đầy hành khách, doanh thu..., tuy nhiên, qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021) đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại.

Cả 2 tuyến đường tàu Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đều được đánh giá là giải pháp quan trọng, căn bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai. Hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và sinh thái.

Theo UBND TP. Hà Nội, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là dịch vụ công ích, giá vé cho tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đang hướng tới mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, giảm phương tiện giao thông cá nhân. Các tuyến được nhà nước trợ giá, vì vậy, doanh thu từ bán vé không được tính toán để bù đắp chi phí.

Hướng đến những mục tiêu lớn

Sau những kết quả ban đầu, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang chủ trì tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng đề án tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo Kết luận 49 ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị. Trong đề án có đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đầu tư phát triển cũng như tăng cường hấp dẫn, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị.

Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đã điều chỉnh và bổ sung thêm nhiều chính sách đột phá mạnh mẽ để TP Hà Nội ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển đường sắt đô thị.

Đặc biệt, Luật Thủ đô cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD). Đây là mô hình phổ biến ở các nước trong khu vực và các nước phát triển, bảo đảm hiện đại, đồng bộ bền vững.

Theo đó, trong khu vực TOD, TP Hà Nội được thực hiện chính sách sử dụng nguồn tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với vận tải hành khách công cộng. Điều này được kỳ vọng trong tương lai gần, giao thông công cộng nội đô sẽ đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân.

Trước đó, tại tọa đàm "Luật Thủ đô 2024 - Bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá" cuối tháng 7 vừa qua, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo nhiều nút thắt trong phát triển giao thông đô thị.

Cụ thể, Luật Thủ đô đã dành trọn 1 điều (Điều 31) để cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo các cơ chế chính sách cần thiết và bước đầu đã tháo gỡ được phần nào các vướng mắc cũ.

“Luật Thủ đô là cơ hội để chúng ta có thể sửa chữa, khắc phục những vấn đề chưa làm được. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực, đưa ra những cơ chế chính sách thật khả thi", ông Thành nhấn mạnh.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/tu-metro-nhon-ga-ha-noi-den-no-luc-hoan-thien-buc-tranh-giao-thong-do-thi-o-thu-do-1101553.html