Tu Mơ Rông, Kon Tum: Đời sống đồng bào Xơ Đăng khởi sắc nhờ chính sách dân tộc
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, những năm qua, UBND huyện Tu Mơ Rông tập trung giải quyết tốt các chính sách cho bà con, trong đó quan tâm hàng đầu là đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung và chuyển đổi nghề.
Huyện Tu Mơ Rông từng được xem là một trong những vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi nghèo khó nhất tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có 6.726 hộ, với gần 27,8 ngàn người đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng, chiếm 95,52% dân số của huyện. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tu Mơ Rông luôn bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn, đạt được thành tựu mới trên nhiều lĩnh vực.
Tích cực chuyển đổi trồng mì sang trồng sâm
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đồng bào DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh diện tích các loại cây dược liệu. Đến nay, toàn huyện có gần 1.730ha cây cà phê, 342ha cây ăn quả, 186ha cây cắc ca, 1.729ha cây sâm Ngọc Linh, 1.309ha cây dược liệu khác. Thu nhập bình quân đầu người và đời sống của Nhân dân dần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 10,7 - 11,05%/năm.
Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển dược liệu để giúp đồng bào DTTS địa phương giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu đã được huyện xác định và tập trung nguồn lực thực hiện.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tại địa bàn tỉnh, toàn huyện Tu Mơ Rông có 360 ha đất rừng và 430 ha đất trống được quy hoạch phục vụ phát triển cây dược liệu. Đón đầu cơ hội, hiện trên địa bàn huyện có 28 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã với tổng vốn điều lệ hơn 152 tỷ đồng cùng tổng số thành viên là 428 người. Các hợp tác xã trên địa bàn huyện đều khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của địa phương, tích cực liên kết sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất-kinh doanh ngày càng ổn định, đi vào chiều sâu.
Thời gian qua, được chính quyền địa phương vận động nhiều bà con ở thôn Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi từ việc trồng cây mì sang trồng sâm dây để nâng cao thu nhập. Hiện, có đến 80% hộ dân Tu Mơ Rông trồng sâm dây, và hàng trăm hộ trồng sâm Ngọc Linh.
Người dân hưởng lợi nhờ chính sách dân tộc
Chị Y Khương - Trưởng thôn Ngọc Leang, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: Toàn thôn Ngọc Leang có 117 hộ gia đình, trong đó có 42 hộ nghèo. 3 năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng 8 căn nhà ở, 15 bồn nước, 7 con bò sinh sản cho bà con. Nhờ đó, đến nay, trong thôn không còn hộ thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. "Đời sống của bà con đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn Ngọc Leang đã thay đổi nhiều nhờ sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương", chị Y Khương bày tỏ.
Là hộ được hưởng lợi nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, anh A Phiên (dân tộc Xơ Đăng, thôn Ngọc Leang, xã Đăk Hà) không giấu được niềm vui mừng vì hồi cuối năm 2023, gia đình anh được ở trong ngôi nhà mới khang trang. Anh A Phiên kể: Trước đây, gia đình tôi ở trong căn nhà tạm bợ nên mùa đông rét lắm, vợ con tôi thường bị cảm lạnh. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên chính quyền các cấp đã hỗ trợ cho gia đình 44 triệu đồng. Vợ chồng tôi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thêm 40 triệu đồng nữa để xây căn nhà rộng 50m2. Có nhà mới, vợ con tôi không còn lo bị ốm vào mùa đông. Hiện nay, vợ chồng tôi có 2 ha đất trồng mì và nuôi 2 con bò sinh sản, có nhà cửa ổn định, chúng tôi sẽ chăm chỉ lao động, làm ăn để trả nợ.
Ở thôn Mô Pành, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, gia đình chị Rơ Duy Ni thuộc diện hộ nghèo và thiếu đất sản xuất. Vừa qua, chị được Nhà nước và các cấp chính quyền hỗ trợ cho gia đình lưới B40 (trị giá 10 triệu đồng) để phát triển chăn nuôi heo và các loại gia cầm. Nhờ có lưới B40 này, gia đình chị Rơ Duy Ni đã rào kín hơn 100m2 quanh vườn nhà để chăn nuôi gà thương phẩm. Chị Rơ Duy Ni rất vui vì từ nay, chị đã có thể yên tâm để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Không để bà con thiếu nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt
Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Phạm Xuân Quang cho biết: Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, UBND huyện đã tập trung giải quyết tốt các chính sách cho bà con, trong đó quan tâm hàng đầu là các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung và chuyển đổi nghề. Đây cũng chính là những nội dung của Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Đối với việc hỗ trợ đất ở, năm 2022, qua khảo sát của UBND huyện Tu Mơ Rông cho thấy, toàn huyện có 38 hộ DTTS không có đất ở. Đến nay, UBND huyện đã thực giải quyết được đất ở cho 31 hộ. Dự kiến đến hết năm 2024, sẽ hỗ trợ thêm 3 hộ có đất ở, nâng tổng số hộ được giải quyết đất ở lên 34/38 hộ.
Đối với việc hỗ trợ nhà ở, dự kiến đến hết năm 2024, huyện sẽ hỗ trợ cho 58/62 hộ đồng bào DTTS chưa có nhà ở, đạt gần 93,55% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1 hộ nghèo DTTS không có đất sản xuất, nên đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên theo định mức của UBND tỉnh quy định.
Đối với việc hỗ trợ nước sinh họat, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.198 hộ đồng bào DTTS, đạt 100% kế hoạch giai đoạn 2021-2025 huyện đề ra. Đồng thời, đang thực hiện đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, đến nay đã hoàn thành 3 công trình, phục vụ nước sinh hoạt cho 284 hộ dân tại các xã: Măng Ri, Văn Xuôi, Ngọk Yêu. Hiện còn 1 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn Ba Tu 1, Long Láy 1, Ngọc Đo ở xã Ngọk Yêu đang triển khai thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ nước sinh hoạt tập trung cho người dân.
Hiện nay, toàn huyện có 91,7% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu cấp thiết cho người dân, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với UBND các xã tiếp tục triển khai rà soát hỗ trợ nội dung nước sinh hoạt phân tán cho các đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định.
Tiếp tục thực hiện chương trình hành động, trong thời gian tới, UBND huyện Tu Mơ Rông đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung chính sách của Dự án 1 nói riêng, các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia nói chung đến toàn thể người dân trên địa bàn; chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia một cách chính xác, đảm bảo tính pháp lý; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), cùng các chương trình, dự án khác để mang lại hiệu quả và chất lượng cuộc sống cao nhất cho người dân.