Từ mùa xuân có Đảng đến thống nhất non sông
Tổng kết 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ, hậu phương kháng chiến. Cùng với cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường, Thanh Hóa đã huy động hơn 1 triệu dân công, đóng góp 20 triệu ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đắp đường, làm cầu phục vụ các chiến trường Bắc Việt, Bắc Lào. Bổ sung cho bộ đội chủ lực 2 tiểu đoàn, 34 đại đội, 6 trung đội bộ đội địa phương và 500 chiến sĩ du kích. Huy động gần 57.000 thanh niên tham gia bộ đội, 15.000 thanh niên xung phong chiến đấu công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc.
TP Thanh Hóa ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sau khi Đảng được thành lập, Xứ ủy Bắc Kỳ rất quan tâm đến việc thành lập tổ chức cộng sản ở Thanh Hóa. Được sự chỉ đạo của Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về Thanh Hóa bắt mối liên lạc với các chiến sĩ trong tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên ở các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân và xúc tiến thành lập các chi bộ đảng cộng sản. Chỉ trong thời gian ngắn, ở Thanh Hóa đã có 3 chi bộ đảng cộng sản được ra đời: Cuối tháng 6–1930, chi bộ đảng cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hàm Hạ (nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn). Đầu tháng 7–1930, chi bộ đảng cộng sản thứ 2 được ra đời ở Phúc Lộc (nay thuộc xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa). Giữa tháng 7–1930, tại làng Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), chi bộ đảng cộng sản thứ 3 ra đời. Ngày 29-7-1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Thanh Hóa được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân). Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của cách mạng tỉnh nhà. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng ở Thanh Hóa vượt qua bao khó khăn, thách thức, gian khổ đã giành được những thắng lợi quan trọng.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, làn sóng đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Thanh Hóa ngày càng dâng cao. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân huyện Hoằng Hóa bùng nổ và giành thắng lợi vào ngày 24-7-1945. Chớp thời cơ, Tỉnh ủy đã triệu tập hội nghị mở rộng vào ngày 13-8-1945 ở làng Mao Xá (xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa), nhận định tình hình, quyết định chủ trương biện pháp phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng, quần chúng nhân dân các huyện đã rầm rộ xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền. Đến chiều ngày 19-8-1945, quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền đã làm chủ ở 10 huyện. Đến ngày 21-8-1945, về cơ bản cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa đã giành được thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại tái xâm lược nước ta. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trước khi lên Việt Bắc, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian vào thăm Thanh Hóa (ngày 20-2-1947). Người đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu – căn cứ, hậu phương chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm và vinh dự cao cả, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Bị địch đánh phá từ nhiều hướng, nhưng Thanh Hóa vẫn giữ vững thế đứng của mình, làm thất bại mọi mưu đồ của chúng. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển nhiều ngành nghề thủ công nửa cơ giới để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu đáp ứng yêu cầu kháng chiến, kiến quốc. Cả hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, đảm bảo hậu cần cho tiền tuyến lớn. Chỉ tính từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du, cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng Thanh Hóa đã huy động đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch, động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Đối với Đảng nhân dân cách mạng và Chính phủ kháng chiến Lào, các cơ quan trung ương, khu III, khu IV, các đại đoàn quân chủ lực Việt Nam, các đơn vị Pa thét Lào, các đơn vị bộ đội tình nguyện giúp bạn Lào và hàng chục vạn đồng bào tản cư.... Thanh Hóa là căn cứ, là chỗ dựa vững chắc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (năm 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng nhân dân miền Nam vẫn phải sống trong ách thống trị bạo tàn của bè lũ Mỹ - ngụy. Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, nhân dân cả nước cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng với nhân dân miền Bắc, Thanh Hóa nhanh chóng thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh đã dồn sức xây dựng nhiều cơ sở công trình thiết yếu phục vụ đời sống. Phong trào thi đua xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến ở tất cả các ngành, các cấp được đẩy mạnh. Các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp như Đông Phương Hồng, Yên Trường, trong công nghiệp như cơ khí Thành Công, trong giáo dục như Hải Nhân... được nhân rộng trên toàn miền Bắc. Khi thất bại trong áp dụng “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, giặc Mỹ đã điên cuồng thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Ở vào vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn nối liền khúc ruột miền Trung, Thanh Hóa trở thành mục tiêu trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Nhưng bom đạn Mỹ không làm nhụt chí người xứ Thanh. Mặc cho bom đạn giặc ngày đêm tàn phá, người dân vẫn chắc tay cày, vững tay súng để tạo nên những cánh đồng “5 tấn thắng Mỹ”. Vừa chiến đấu và sản xuất, vừa bảo vệ và huy động nhân lực mở đường vận chuyển một khối lượng lớn người và của cho tiền tuyến lớn. Những chiến công Hàm Rồng – Nam Ngạn, Hoa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa) đã làm nức lòng nhân dân cả nước, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, nhiều phong trào thi đua đã được phát động liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, đó là các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”... lan tỏa khắp các vùng miền tạo nên khí thế hừng hực, hào hùng trong xưởng máy, công trường, đồng ruộng, trường học, trận địa. Vì miền Nam ruột thịt, Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đã chắt chiu để góp sức mình cho kháng chiến, góp phần quan trọng, to lớn vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh chiến đấu 10.158 trận đánh lớn, nhỏ; bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 57 tàu chiến của Mỹ. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã có hàng vạn gia đình có từ 3-5 con tòng quân nhập ngũ. 250.000 thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên nam, nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong. Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất nhân tài, vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước toàn thắng.