Từ ngại giao tiếp đến bán hàng online thành công

Không chỉ dừng lại ở vai trò chăm sóc gia đình, ngày càng nhiều phụ nữ vùng nông thôn, miền núi đang vươn lên mạnh mẽ, tự tin làm kinh tế, lan tỏa giá trị bản thân và hỗ trợ cộng đồng. Câu chuyện của chị Tạ Thị Hồng ở xã Văn Miếu, tỉnh Phú Thọ đại diện cho tinh thần ham học hỏi nhằm 'giảm nghèo' thông tin, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chia sẻ của phụ nữ nơi đây.

Bắt đầu với 2 luống rau và 10 con gà

Một ngày của chị Hồng bắt đầu như bao ông bố bà mẹ khác: Lo bữa sáng, đưa con đi học, rồi tranh thủ lúc rảnh trả lời khách, chốt đơn, đóng hàng. Đầu giờ chiều, chị đi lấy hàng về sơ chế, chiều tối lại soạn đơn mới, gửi bưu điện. Tối đến, chị dành thời gian đăng bài, trò chuyện với khách cũ. Có những hôm mệt bã người, nhưng khi nghe khách khen "hàng của chị ngon lắm", mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Có những hôm buôn bán không thuận lợi nhưng thay vì bỏ cuộc, chị ngồi xem lại bài đăng, chỉnh giá, quay video kể chuyện. Chính cách kiên trì đó giúp chị duy trì được đơn hàng, dù có chậm nhưng đều đặn

Có những hôm buôn bán không thuận lợi nhưng thay vì bỏ cuộc, chị ngồi xem lại bài đăng, chỉnh giá, quay video kể chuyện. Chính cách kiên trì đó giúp chị duy trì được đơn hàng, dù có chậm nhưng đều đặn

Ít ai biết, chị Hồng từng rất e dè, ít nói, không dám bày tỏ ý kiến trong các buổi sinh hoạt thôn bản. Nhờ Hội LHPN xã triển khai mô hình làm vườn sạch và nuôi gà nhỏ lẻ, chị mạnh dạn đăng ký, bắt đầu với chỉ 2 luống rau và 10 con gà. Hiệu quả bất ngờ khiến chị dần mạnh dạn hơn, tự tin thử bán rau qua Zalo, rồi dần dần chuyển sang Facebook, học livestream, đóng gói sạch đẹp.

Chị Hồng bắt đầu làm kinh tế với mấy luống rau và đàn gà

Chị Hồng bắt đầu làm kinh tế với mấy luống rau và đàn gà

Nhớ lại thời gian đầu bán online, chị Hồng kể: "Tôi từng không biết gì về kinh doanh. Đăng bài cũng phải học cách viết cho hấp dẫn, học cách chụp ảnh, trả lời khách sao cho khéo. Nhiều hôm sửa bài cả buổi chiều mà đăng lên vẫn không có ai hỏi. Cũng nản lắm, nhưng nghĩ đây là đặc sản quê mình, mình không cố thì ai mang đi giúp?".

Khách hàng đầu tiên của chị chủ yếu là bạn bè, người quen, những người con xa quê nhớ vị rau sắn chua, măng khô, thịt chua đậm đà. Dần dần, nhờ uy tín và chất lượng, khách quen giới thiệu thêm bạn bè. Chính những phản hồi tích cực là động lực lớn nhất, giúp chị tin vào giá trị sản phẩm, tự tin hơn từng ngày.

Chị chia sẻ: "Phú Thọ là vùng trung du có nhiều đặc sản núi rừng, mình có gì bán đấy. Ví dụ, rau sắn phải được hái đúng mùa, ủ chua đúng tay, nếu không sẽ bị đắng hoặc hỏng. Măng thì phải luộc nhiều nước, phơi khô trong điều kiện nắng nóng. Tôi làm kỹ lắm, vì nghĩ đơn giản thôi: Cái gì mình không ăn được thì không bán cho khách".

Khó khăn lớn nhất, theo chị Hồng, là khâu vận chuyển. "Tôi từng gửi cả chục hũ thịt chua, đóng hộp kỹ mà bên giao hàng làm hỏng, khách trách, mình mất tiền, còn xót của. Nhưng rồi mình học dần, cải thiện dần", chị kể. Có những hôm hàng tồn cả chục túi rau sắn chua, nhìn mà xót xa. Những lúc ấy, thay vì bỏ cuộc, chị ngồi xem lại bài đăng, chỉnh giá, quay video kể chuyện. Chính cách kiên trì đó giúp chị duy trì được đơn hàng, dù có chậm nhưng đều đặn.

Lan tỏa tinh thần tự tin và sẻ chia

Điều chị Hồng trân trọng nhất khi bán hàng không chỉ là khoản thu nhập giúp nuôi con, dành dụm lúc ốm đau, mà còn là cảm giác tự tin, được công nhận và thấy bản thân có ích. "Có khách bảo lâu lắm mới được ăn lại rau sắn đúng vị mẹ nấu, hay gửi ảnh cả nhà cùng ăn. Những điều giản dị ấy làm tôi thấy công việc này thật sự ý nghĩa", chị xúc động kể.

Chị Hồng nhớ lại, trước đây chị chỉ biết đi làm thuê hái chè, hết ngày thì thôi. Giờ bán hàng online, phải tính vốn, xoay vòng, lo rủi ro. Lúc đầu lo lắm, sợ lỗ, sợ thất bại. Nhưng may mắn, chị được chồng, gia đình động viên, Hội LHPN xã hỗ trợ vốn và hướng dẫn. Nhờ vậy, chị mới mạnh dạn làm.

Từ người có tính rụt rè, nay chị Hồng không chỉ tự tin bán hàng mà còn trở thành "cố vấn" cho chị em trong xóm. "Có mấy bạn nữ hỏi cách chụp ảnh, cách đóng gói, tôi đều sẵn sàng chỉ dẫn. Tôi nghĩ phụ nữ nên hỗ trợ nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Giúp người khác cũng là cách để mình học hỏi, trưởng thành hơn", chị chia sẻ.

Câu chuyện của Chị Hồng cho thấy, việc "giảm nghèo" không chỉ nằm ở thu nhập, mà còn ở việc tiếp cận thông tin, công nghệ và kỹ năng mới. Việc phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, làm kinh tế không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp họ tự tin hơn, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội, lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng.

Ngày nay, công nghệ 4.0 mở ra cơ hội chưa từng có cho phụ nữ nông thôn, miền núi. Từ những sản phẩm tưởng như chỉ để ăn trong nhà, nay đã trở thành đặc sản vươn xa, kết nối người xa quê và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm", nhiều chị em không chỉ thay đổi cuộc sống chính mình mà còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh.

Chị Tạ Thị Hồng và hàng nghìn phụ nữ khác đang từng ngày chứng minh rằng: Chỉ cần dám bước ra khỏi vùng an toàn, học hỏi không ngừng và tin vào giá trị của bản thân, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Họ không chỉ "giảm nghèo" về kinh tế, mà còn "giảm nghèo" về tri thức, tự tin hơn, hạnh phúc hơn và lan tỏa tinh thần vươn lên cho cả cộng đồng.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-ngai-giao-tiep-den-ban-hang-online-thanh-cong-20250716154220258.htm