Từ ngày 1-1-2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh: Người dân phấn khởi
Nhiều người dân phấn khởi khi biết thông tin từ ngày 1-1-2021, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ở các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đến bất cứ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước để điều trị bệnh nội trú mà vẫn được BHYT chi trả như đi đúng tuyến.
Sau 5 năm thông tuyến BHYT tuyến huyện, theo Khoản 15, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, bắt đầu từ 1-1-2021, tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám chữa bệnh (KCB) và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc.
* Tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh
Theo quy định hiện hành, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, sang năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%. Mức chi trả này áp dụng từ năm 2021 trở đi.
Quy định mới này là một tin vui đối với nhiều người tham gia BHYT. Bà Nguyễn Thanh Quý (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Bệnh tật không ai muốn, nhưng khi có bệnh ai cũng muốn được điều trị tại các bệnh viện có chất lượng tốt, được hưởng những kỹ thuật chuyên sâu. Giờ BHYT đã cho thông tuyến tỉnh trong toàn quốc, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến tỉnh mà mình muốn”.
Còn ông Trần Đức Mạnh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cũng phấn khởi cho hay: “Tôi bị sạn thận sắp tới phải mổ lấy sỏi. Theo BHYT đúng tuyến tôi phải phẫu thuật tại bệnh viện tuyến tỉnh ở Đồng Nai. Do các con tôi làm việc ở TP.HCM, nếu được thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, tôi có thể phẫu thuật tại một bệnh viện tuyến tương đương ở TP.HCM mà vẫn được hưởng BHYT đúng tuyến thì quá tốt, đỡ cho con cái đi lại chăm sóc”.
* Các bệnh viện nỗ lực nâng cao chất lượng
Thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh. Song, quy định mới này cũng sẽ là thách thức đối với các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước; thúc đẩy các bệnh viện nâng cao chất lượng KCB, đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ để thu hút bệnh nhân; có giải pháp giải quyết quá tải hoặc sụt giảm bệnh nhân.
Đồng Nai hiện có 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Hiện 2 bệnh viện này đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật cao, các phương pháp điều trị hiện đại nên lâu nay đã tiếp nhận một lượng bệnh nhân trong tỉnh và từ các khu vực lân cận đến KCB. Khi quy định về thông tuyến nội trú tuyến tỉnh được triển khai, chắc chắn sẽ phải tiếp nhận lượng lớn người bệnh từ các vùng lân cận của các tỉnh: Bình Dương, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đổ về, 2 bệnh viện khả năng sẽ quá tải hơn nữa.
BS CKI Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, BHYT thông tuyến tỉnh là quá thuận lợi cho bệnh nhân. Để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận người bệnh ngoại tỉnh, bệnh viện sẽ phải chuẩn bị thêm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao chất lượng điều trị để thu hút sự quan tâm, tin tưởng của người bệnh cũng như công tác phục vụ và dịch vụ tiện ích cho người bệnh và thân nhân của họ.
Theo BS Loan, hiện bệnh viện đang xây dựng tòa nhà 10 tầng, dự kiến giữa năm 2021 sẽ đưa vào sử dụng. Đây sẽ là cơ sở được dùng cho công tác giảm tải phòng bệnh, đồng thời là nơi tiếp nhận thêm một lượng lớn bệnh nhân dự kiến sẽ đến sau khi việc thông tuyến chính thức được triển khai.
Còn Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã được xây mới khang trang, đúng chuẩn với quy mô 1,4 ngàn giường. Theo BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hiện nay đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện cơ bản là đủ, tay nghề chuyên môn cao, các trang thiết bị y tế hiện đại, đầy đủ, triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến... Dù bệnh viện đang ở tình trạng quá tải, nhưng để chuẩn bị đón thêm bệnh nhân khi thông tuyến, bệnh viện đang có kế hoạch sắp xếp, chuẩn bị để có thể đảm đương tốt được công tác KCB cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, khi thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, lượng bệnh nhân ngoài tỉnh sẽ đến Đồng Nai đông hơn, đi kèm là người thân chăm nuôi. Vì thế, cần có hàng loạt dịch vụ tiện ích đi kèm như: dịch vụ lưu trú cho thân nhân, ăn uống, giặt ủi, xe đưa rước... đồng thời cũng cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực bệnh viện và xung quanh bệnh viện.
Từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh chỉ áp dụng cho điều trị nội trú. Riêng người có thẻ BHYT đi khám ngoại trú trái tuyến tỉnh vẫn không được quỹ BHYT hỗ trợ chi trả chi phí KCB.