Từ ngày 1/7/2024: tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay

Chiều 20/6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo định kỳ cung cấp một số thông tin báo chí. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: N.N

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: N.N

Triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao theo hướng gắn trách nhiệm của người đứng đầu và thể chế hóa đến từng cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ.

Tập trung xây dựng các phương án thực hiện chính sách về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định để thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Xây dựng và hoàn thành phê duyệt việc vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Chú trọng thực hiện việc tinh giản biên chế công chức và giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chủ trương của Đảng.

Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tiến hành khảo sát, xây dựng phương án sắp xếp các thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ phấn đấu đặt mục tiêu đến tháng 9/2024 sắp xếp 140 đơn vị; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 02/4/2024 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Bộ Nội vụ đã chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đến nay, 54/54 tỉnh, thành phố đã hoàn thiện Phương án tổng thể có thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, trong đó, có 18/54 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã gửi hồ sơ để thẩm định. Tinh thần là ngay khi nhận được hồ sơ của địa phương, Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định ngay để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Bộ Nội vụ đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo thẩm quyền Nghị quyết để các địa phương có cơ sở pháp lý để thực hiện bảo đảm đúng tiến độ đề ra (trước 30/9/2024).

Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thực hiện việc xét thăng hạng viên chức góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC trên từng lĩnh vực, trọng tâm là giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay 100% các cơ quan hành chính đã tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử.

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương phát động nhiều phong trào thi đua, thiết thực và hiệu quả.

Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật; chủ động nắm bắt tình hình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề phức tạp, các điểm nóng về tôn giáo, đất đai tôn giáo.

Tham mưu tổ chức thành công Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 và gặp mặt nữ lãnh đạo, quản lý cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương

Tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào CSDLQG về CBCCVC bảo đảm "đúng - đủ - sạch - sống". Đến nay, toàn bộ 100% Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDQLQG về CBCCVC.

Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số với sự tham gia của 22 bộ, ngành và 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian từ ngày 12/6 đến 16/6/2024 cho 19.493 lượt học viên tham gia bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Thông qua khóa đào tạo, tập huấn các học viên cơ bản đã nắm vững nội dung bài giảng qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, các dịch vụ công thiết yếu, các công nghệ phục vụ chuyển đổi số, an ninh và an toàn thông tin trong không gian số.

6 tháng cuối năm, Bộ ưu tiên nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách như: Xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật CBCCVC, Luật TCCP, Luật TCCQĐP; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương; Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành 10 Nghị định; Ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư thuộc lĩnh vực nội vụ.

Bộ Nội vụ sẽ tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội để thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 xong trong năm 2024 để các địa phương tập trung tổ chức đại hội đảng ở cơ sở vào năm 2025.

Kiên trì thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị và ĐVSNCL của bộ, ngành, địa phương; phối hợp với các bộ, ngành triển khai phương án sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và tiến độ của Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, hoàn thiện mô hình chế độ công vụ; hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC; đẩy mạnh cải cách TTHC trọng tâm là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện CCHC các Bộ, ngành, địa phương;

Tiếp tục tuyên truyền, phố biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật TĐKT năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua đó, tổng hợp, phát hiện những vẫn đề bất cập trong quá trình triển khai các quy định của Luật để chủ động tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; lĩnh vực văn thư, lưu trữ; công tác thanh niên; quản lý hội quỹ; thanh tra, pháp chế; hợp tác quốc tế; thông tin truyền thông.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó, tập trung hoàn thành 9 cơ sở dữ liệu ngành chuyên ngành nội vụ; đồng thời tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu CSDLQG về CBCCVC để đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CBCCVC; tiếp tục sử dụng nền tảng đào tạo trực tuyến mở (MOOC) để bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực nội vụ cho đội ngũ CBCCVC của Bộ và ngành Nội vụ để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tăng lương cơ sở đồng đều lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất với phương án chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thay vào đó sẽ tăng lương cơ sở hơn 30% lên 2.340.000 đồng từ 1/7/2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì họp báo. Ảnh: N.N

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì họp báo. Ảnh: N.N

Bộ trưởng chia sẻ, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, lớn, nhạy cảm, tác động tới hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tác động tới 50 triệu đối tượng hưởng các chính sách gắn với lương cơ sở. Do đó, khi triển khai vấn đề này cần phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, toàn diện, rõ đến đâu thực hiện tới đó, không thể nóng vội.

Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã có 21 cuộc họp từ tháng 12/2021 tới nay nhằm cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để ra được phương án cải cách tiền lương tốt nhất. Quan điểm và nguyên tắc đầu tiên đó là bảo đảm sự hài hòa, tương quan giữa các đối tượng, công bằng, bình đẳng.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương từ 1/7. Vì phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Nếu thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công thì mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%, không bao gồm tiền thưởng. Dựa vào đó, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%). Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.

Khi xây dựng bảng lương chức vụ chức danh lãnh đạo phát sinh mấy vấn đề. Khi bãi bỏ lương cơ sở với chức vụ chức danh lãnh đạo và bảng lương của CBCCVC thì tương quan giữa các đối tượng chưa đảm bảo. Công chức tăng rất thấp, trong khi đây là đối tượng tham mưu chiến lược, viên chức tăng khoảng 50%. Nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng nhiều đối tượng lại tăng rất thấp, rất nhiều đối tượng thấp hơn lương hiện hưởng. Những phát sinh này dẫn tới nhiều bất cập.

"Trước tình hình như vậy, buộc chúng ta chọn phương án tối ưu, hợp lý, công bằng, hiệu quả đó chính là điều chỉnh tăng đều 30%, trên cơ sở giữ mức lương cơ sở. Việc này không tác động và ảnh hưởng tới quy định của Đảng và văn bản quy định của nhà nước gắn với lương cơ sở" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% từ 1/7. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng.

Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 1/7/2024.

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng các nhà báo ở nhiều cơ quan báo chí trong năm qua luôn phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện các phóng sự tập trung, thường xuyên đưa tin, kịp thời, sinh động về các sự kiện, sự chỉ đạo điều hành, các hoạt động nổi bật cũng như các vấn đề, chủ đề về Nội vụ, phản ánh một các khách quan, trung thực. Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã trao tặng bằng khen cho 10 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-ngay-172024-tang-luong-co-so-cao-nhat-tu-truoc-toi-nay-385130.html