Từ ngày 1/9, quy định xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm
Nhiều thay đổi trong quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sau khi Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực.
Bắt đầu từ ngày 1/9/2022, khi Nghị định số 41/2022/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định mới đối với các xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
Đây là một trong số thay đổi đáng chú ý sau khi được sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ngoài ra, Nghị định này bổ sung trong khoản 3 Điều 13 như sau: Không được sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Trong điều khoản thi hành Nghị định số 47/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ: Xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này.
Bên cạnh đó, một số điều khoản liên quan đến việc thu hồi Giấy phép kinh doanh trong điểm d khoản 7 Điều 19 cũng được sửa đổi, bổ sung như sau: Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị vận tải trong thời hạn 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.
Về phù hiệu được cấp lại sau khi bị thu hồi được trong khoản 7 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau: Sau khi hết thời gian bị thu hồi phù hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 23 như sau: Kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để phối hợp quản lý.
Bổ sung khoản 8 Điều 34 như sau: Từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.