Từ những bức ký họa đầu thế kỷ 20 đến ngày Tết cổ truyền

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày lễ, Tết truyền thống, lễ hội dân gian đầy ý nghĩa và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa cho đến lễ, Tết đi săn, lễ, Tết ra xuân vào hè như Tết mưa giông, Tết Đoan ngọ (Tết giết sâu bọ)...

Đặc biệt, để tiễn mùa đông, tổ tiên ta đã ăn Tết cả, tức là Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, còn có Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, (rằm tháng Bảy) của Phật giáo và Tết Trung thu (rằm tháng Tám) của trẻ em... Mỗi lễ, Tết đều có nguồn gốc riêng và trong những ngày lễ, Tết ấy, người Việt Nam đều có cúng lễ lớn hay nhỏ, hoặc ở địa phương, hoặc trong cả nước. Qua những bức ký họa khắc gỗ được các họa sĩ, thợ khắc mộc bản, thợ in, nhà nho Việt Nam thực hiện theo chỉ đạo của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger (1885-1936), nhiều nét sinh hoạt của người Việt trong ngày Tết cổ truyền những năm đầu thế kỷ 20 đã được thể hiện rất sinh động.

Bàn thờ tổ tiên - Cây cau - Mời khách ăn trầu

Bàn thờ tổ tiên - Cây cau - Mời khách ăn trầu

Nghĩa chữ “Tết”

Chữ “ Tết ” ngày nay đã được một số nước sử dụng - như là một thứ “lễ” hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam mặt nào đó có khác biệt với những nước trong khu vực (Nhật, Hàn Quốc...).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cố truy nguyên chữ “Tết” để đẩy về với nguồn gốc của nó là “Lễ Tiết” của Trung Quốc - Tết do Tiết đọc “trệch” đi. Cách giải thích này phát triển rộng ra - nghe khá thú vị - như “Tết nhất” trong câu nói quen thuộc: “ Tết Nhất đến nơi ” cũng do đọc trại đi từ 2 âm Hán Việt “Tiết - Nhựt” (có nghĩa là ngày Tết).

Đáng chú ý hơn nữa là cụm từ “Ngày tư Ngày tết” trong đó chữ tư và Tết cũng xuất phát từ 2 chữ Hán Việt là “ Tiết tự”. “Tự” là thứ tự của năm, mùa, ngày, tháng. Vậy “Tiết tự” là theo thứ tự tính toán thời gian ấy mà đặt ra các loại hình “Tết”.

Nguyên đán (nguyên là đầu, đán là sớm mai) là sớm mai đầu năm. Nguyên đán hay còn là “Chính Đán” - tức “chính nguyệt chi đán” nghĩa là buổi sớm mai tháng giêng. Ngoài ra còn sử dụng từ Tam chiêu có nghĩa 3 cái sớm mai (sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).

Tết Nguyên đán

Ngày nay, dù ai trăm công nghìn việc, dù ai bôn ba nơi đất khách quê người cũng nôn nao trở về sum họp gia đình, gặp lại thân quyến thuộc chăm sóc bàn thờ tổ tiên.

Tết cả Việt Nam, hay còn gọi là Tết Nguyên đán - Tết bắt đầu vào ngày mồng một tháng giêng Âm lịch - là ngày lễ hội truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam.

Nếu muốn biết dân tộc Việt Nam có tục ăn Tết tự bao giờ thì thật khó có cơ sở trả lời chính xác. Song chắc chắn rằng những tục lệ ấy đã có từ những thế kỷ xa xưa, từ thời Lý, Trần, Lê... và mang ý nghĩa nhân sinh của nền văn hóa Đại Việt Thăng Long thuở trước.

Đó là những ngày đánh dấu mùa màng kết thúc. Mọi người được rảnh tay nghỉ ngơi để chào đón một mùa xuân mới, một chu kỳ mới đầy hứa hẹn sau một năm làm việc vất vả.

Đến ngày này, dù ai trăm công nghìn việc, dù ai bôn ba nơi đất khách quê người cũng nôn nao trở về sum họp gia đình, gặp lại thân quyến, chăm sóc bàn thờ tổ tiên, nhìn lại lũy tre, cây cau, giếng nước, bờ ao, con đê... Ai không về được coi như cuộc đời bất hạnh, vất vả, khổ cực.

Dưới cây cau, người nông dân Việt Nam, thuộc các tỉnh phía Nam thường trồng xen chuối, rau, dứa... để vừa tận dụng đất, vừa giữ ẩm và bón phân cho cau. Tuy nhiên, người nông dân sẽ không lạm dụng lối sản xuất phụ này, do có thể làm đứt rễ cau, từ đó hạn chế hiệu quả. Quảng Ngãi là khu vực khá nổi tiếng về việc lập vườn và trồng cau. Không nhà nào khi lập vườn mà không trồng dăm ba cây cau. Vườn rộng có khi phải có hàng trăm cây, như tại Nghĩa Thành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Quảng Ngãi và một vài huyện miền núi như Sơn Tây, Sơn Hà.

Những mối lo xa

Cuộc sống nông nghiệp cổ truyền của dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với thiên tai, bão lụt... đó là chưa nói đến chiến tranh giặc giã...

Do đó, muốn chuẩn bị ăn một cái Tết vui vẻ và chu đáo, người Việt Nam phải biết lo toan mọi thứ. Sự lo toan này ít được các nhà nghiên cứu Việt Nam học chú ý đến vì nó ẩn nấp trong cuộc sống hàng ngày.

Nay dưới mắt nhà nghiên cứu Henri Oger mọi việc phải được lôi ra trưng bày.

Trước hết, chúng ta hãy theo Henri Oger đến thăm một gia đình gọi là làm ăn có dư dả. Không phải để xem họ trang hoàng hay sắm sửa được gì mà chính là xem cái chuồng gà, nuôi vịt hay nuôi lợn.

Đối với người Việt Nam, nói là ăn Tết ba ngày nhưng hầu như là đã chuẩn bị gần cả năm. Con gà, con lợn... phải lo nuôi từ bây giờ để vào ngày cận Tết chúng lớn là vừa.

Đối với những nhà có điều kiện gói bánh chưng thì cũng ngay từ đầu tháng chạp đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí đến những chiếc lá để gói bánh - như lá dong chẳng hạn, những chiếc lạt để buộc bánh chưng, bánh giò... cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm. Họ lo như thế nào?

Riêng đối với bánh chưng, nhà nào quen gói bằng lá luộc chín thì sau khi luộc xong là đem bó vào cột nhà để khi đem ra dùng là có ngay.

Còn nhà ai thích gói bằng lá sống - nghĩa là không luộc lá - để bánh có màu xanh, thì cũng đến ngày rằm tháng chạp phải lo mua sắm, đề phòng ngày giáp Tết giá cả lên xuống không biết đâu mà lường.

Đối với việc chuẩn bị cho nồi bánh chưng – thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng đòi hỏi phải có hai chất liệu chính: Gạo nếp và thịt lợn. Ở nông thôn miền Bắc, trong số mấy sào ruộng hạn hẹp của gia đình dùng để trồng lúa - thường được trích ra vài miếng để cấy lúa nếp.

Nhưng phải nếp cái hoa vàng, nếp cái thơm ngon hạt sóng đều, khi đồ xôi cúng thì mới dẻo. Thịt gói bánh phải là thịt lợn vỗ từ tháng 7, tháng 8. Có nhà lại lo xa hơn - thả lợn ngay từ vụ lúa chiêm mới kịp béo cả tạ khi giáp Tết.

Ở nông thôn miền Bắc, có nhiều nhà quanh năm làm thợ, chạy chợ hay mua bán... nên thiếu người chăm chút cho đám ruộng, cho con lợn nên đã phải họp nhau 5,7 nhà mà lập hội (ngôn ngữ thường dùng khi trước là “đánh đụng) bánh chưng, hội giò. Chủ hội đứng ra thu tiền ít nhiều tùy theo yêu cầu của từng nhà để lo nuôi lợn, cấy lúa hay đong gạo.

Như vậy đến Tết, Hội giải quyết đủ gạo, lợn để gói bánh, gói giò cho các thành viên trong hội.

Còn đối với các vật liệu khác như đỗ xanh, lá dong thì có thể được phân công cho thành viên khác. Lo thịt, lo bánh, còn phải lo cả mấy cái vại dưa hành muối sẵn từ đầu tháng chạp để kịp ăn vào dịp Tết.

Henri Oger còn cho ta một bức ký họa, một người đang sửa vườn lan để cho hoa nở theo ý muốn của mình! Ngoài chơi hoa, chơi cảnh, họ còn chơi mai, trà, quất, bích đào, hồng đào, hải đường... Nói chung là chơi quả. Tất cả cũng đều được chuẩn bị vun xén trước.

Họ còn lo vun trồng tưới xén mảnh vườn cho kịp đơm hoa, kết trái. Muốn thế, họ nắm vững kỹ thuật từ ghép cây, bấm ngọn, tuốt lá đến thúc nụ, hãm hoa. Riêng đối với loài hoa thủy tiên - một loại hoa vàng nở vào mùa rét, họ lo gọt tách từ tháng chạp để hoa kịp nở vào đầu mùa xuân.

Nói đến quả, chúng ta nhớ đến mâm ngũ quả ở nông thôn. Ở Kẻ Chợ thì phải kể đến quất. Mâm ngũ quả bày trên bàn thờ, quất bày ở giữa nhà cho cảnh Tết thêm vui, thêm no ấm. Quất cần chậu sành men màu da lươn, sản xuất ở Hương Canh, Thổ Hà, Quế Quao... Đây là những nơi làm chum, vại nổi tiếng.

Quất cũng phải chăm sóc cho trái nhiều và sai, vàng mọng, bóng. Lá quất xanh màu sáng và không tối. Thân quất thẳng đứng, cành cứng, nhưng phải chọn loại kim quất đặc biệt của Việt Nam thì mới quý.

Bên cạnh đó, tùy nơi tùy nhà, người Việt Nam còn biết quây quần nhau lại, lo chung cho ba ngày Tết, như tục chơi giò bánh. Những người theo tục này cứ tháng tháng góp tiền, mua hốt xong để lại một phần giao nhà cái số tiền chờ Tết đến là lo mua gạo thịt làm giò gói bánh chưng, chia đều cho những người chung bát với họ.

PGS.TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-nhung-buc-ky-hoa-dau-the-ky-20-den-ngay-tet-co-truyen-151950.html