Tư pháp Tây Nam Bộ nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ
Chiều ngày 8/12, tại Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì Hội nghị Giao ban công tác tư pháp khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo và Chánh Văn phòng Sở Tư pháp các tỉnh, thành trong khu vực.
Trình bày kết quả công tác tư pháp năm 2023 các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Trong năm 2023, Sở Tư pháp các địa phương trong khu vực đã chủ động, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ về công tác tư pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, công tác xây dựng pháp luật được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của cấp ủy, chính quyền. Công tác kiểm tra VBQPPL được quan tâm chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, kết luận kiểm tra đảm bảo khách quan, chính xác. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính được quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đáng chú ý, công tác PBGDPL thường xuyên đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng để tham mưu triển khai các hoạt động hướng về cơ sở. Đồng thời, coi công tác PBGDPL là giải pháp thúc đẩy việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Qua đó, tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho các hoạt động tham mưu và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác PBGDPL, hòa giải cơ cở và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong giai đoạn mới.
Song đó, trong công tác bổ trợ tư pháp, các địa phương thực hiện có hiệu quả việc thanh, kiểm tra các tổ chức hành nghề, tạo chuyển biến về nhận thức và tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức hành nghề. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm, có khởi sắc mới. Công tác trợ giúp pháp lý, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước được các Sở Tư pháp triển khai thực hiện đều tay, mang lại hiệu quả tích cực, thuận lợi cho người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp các tỉnh Tây Nam Bộ cũng còn những hạn chế nhất định.
Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chưa đảm bảo về tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác hộ tịch, PBGDPL còn thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương... “Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ muốn lắng nghe những chia sẻ, trao đổi, hiến kế của các địa phương về cách làm hay, mô hình sáng tạo đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn đang đặt ra trong hoạt động tư pháp của các địa phương trong khu vực cũng như cả nước trong thời gian tới”, ông Bình nhấn mạnh.
Ở góc độ tư pháp địa phương, bà Phạm Thị Ngọc – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau cũng như nhiều địa phương khác cũng gặp khó khăn, vướng mắc do số lượng công việc quá lớn. Bên cạnh những nhiệm vụ cố định, địa phương còn giao cho ngành tư pháp thêm nhiều nhiệm vụ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc pháp lý về đất đai, xây dựng… Từ đó, Sở Tư pháp Cà Mau kiến nghị Bộ tiếp tục quan tâm, xây dựng nguồn lực cán bộ công chức, viên chức tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở tư pháp các địa phương còn trình bày ý kiến về nhiều vấn đề liên quan: công tác xây dựng VBQPPL, lĩnh vực lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý…
Đối với những ý kiến, kiến nghị của các Sở Tư pháp địa phương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ trực tiếp hướng dẫn, giải thích và tháo gỡ khó khăn cho tư pháp địa phương. Nói về công tác nhân sự và biên chế, bà Bùi Thị Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) cho biết, thời gian qua Bộ rất quan tâm và có văn bản gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy quan tâm tuyển dụng, bố trí đối với cán bộ tư pháp, hộ tịch cấp xã. Trên thực tế còn có công chức tư pháp – hộ tịch kiêm nhiệm, từ đó cần kiến nghị để bồi dưỡng cho đủ tiêu chuẩn và không để kiêm nhiệm các chức danh khác.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao kết quả công tác tư pháp các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian qua. Các địa phương đã không ngừng nỗ lực, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của bộ và thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá cao những ý kiến phát biểu của lãnh đạo tư pháp các địa phương. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm, trăn trở của lãnh đạo các Sở Tư pháp mong muốn có giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo Thứ trưởng, đối với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương cần tập hợp thành nhóm vấn đề để tổ chức hội nghị chuyên đề, cùng thảo luận chuyên sâu để tháo gỡ. “Sở tư pháp 12 tỉnh trong khu vực và các đơn vị thuộc Bộ cần làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, xem đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, do vấn đề trên Bộ hay ở địa phương, hay do cả hai. Để từ đó bàn giải pháp sát tình hình thực tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với sự cố gắng và nỗ lực của tư pháp các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tin tưởng, năm 2024, sẽ là năm thành công của tư pháp các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành trong khu vực và góp phần vào thành tựu chung của tư pháp cả nước.