Từ tài nguyên thầm lặng đến động lực phát triển

Di sản văn hóa gồm những hiện vật, công trình hay lễ hội truyền thống tồn tại qua hàng thế kỷ là một nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ để bảo tồn mà còn có thể khai thác một cách bền vững nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, di sản văn hóa vẫn thường bị coi là những tài nguyên thầm lặng, ít được chú trọng khai thác đúng mức. Khi mà thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của các ngành công nghiệp sáng tạo và du lịch, việc nhận thức và phát triển di sản văn hóa như một động lực phát triển là một vấn đề cấp bách và cần được quan tâm đặc biệt.

Biến di sản thành “tài sản”

Di sản văn hóa không chỉ là những dấu ấn của quá khứ mà còn là những tài nguyên quý giá có thể khai thác để tạo ra giá trị bền vững cho tương lai. Trong bối cảnh phát triển kinh tế, nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngày càng trở nên cấp thiết. Từ những ngôi chùa cổ kính, các lễ hội truyền thống, cho đến những di tích lịch sử - văn hóa, mỗi phần di sản đều chứa đựng một tiềm năng lớn không chỉ về mặt giáo dục, mà còn về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác di sản như một nguồn lực phát triển kinh tế vẫn là một câu chuyện dài với không ít thách thức và cơ hội.

Tài nguyên thầm lặng cần được khai phá

Với nền văn hóa đa dạng và phong phú, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản khổng lồ, từ các di sản vật thể như Hoàng thành Thăng Long, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Cố đô Huế, đến di sản phi vật thể như dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, hay Đờn ca tài tử Nam Bộ... Những di sản này vừa là chứng nhân lịch sử vừa là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, đồng thời có tiềm năng to lớn trong việc phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa.

Thực tế, một số địa phương đang làm tốt việc tận dụng lợi thế về di sản văn hóa để tạo sự kết nối giữa người dân và tạo động lực để phát triển kinh tế. Chẳng hạn tại Quảng Bình, việc khai thác tiềm năng du lịch từ di sản thiên nhiên và văn hóa giúp địa phương này phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Khu di tích Phong Nha - Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên thế giới, không chỉ thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm mà còn tạo ra một loạt các ngành dịch vụ, từ lưu trú, ăn uống đến vận chuyển, giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương.

 Điệu múa Xoang truyền thống của người Ba Na ở Kon Tum - Ảnh: Tuấn Trần

Điệu múa Xoang truyền thống của người Ba Na ở Kon Tum - Ảnh: Tuấn Trần

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất, chia sẻ về sự kết hợp giữa di sản và du lịch tại Quảng Bình: “Di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành một thương hiệu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chúng ta cần phải kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và khai thác, đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch có tính sáng tạo, kết nối với các ngành nghề khác”.

Là một trong những địa phương sở hữu các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, Hà Nội đang tiên phong trong việc sử dụng các di sản và mô hình công nghiệp văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua chuỗi sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. Đây là một xu hướng mới trong việc khai thác di sản, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Ngoài việc tôn vinh những giá trị truyền thống, sự kiện còn tạo ra các giá trị kinh tế bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch, các ngành công nghiệp sáng tạo và tạo ra một cú hích trong việc cải thiện đời sống cộng đồng.

Sau 4 năm tổ chức (từ 2021), Lễ hội “đánh thức” những di sản có tuổi thọ hàng trăm năm tưởng như đã “ngủ quên”, thành địa điểm văn hóa hấp dẫn như nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, hay Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ hiện nay), rồi hội trường Ngụy Như Kon Tum đẹp như cung điện tại Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) lần đầu tiên du khách được vào tham quan… Với hơn hàng nghìn sự kiện trong đó có sự góp sức, chung tay của nhiều cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo, huy động nhiều loại hình sáng tạo như: Thiết kế, thời trang, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc… Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã thu hút hàng triệu du khách, trong đó sự kiện năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” có sự tham gia của khoảng 300.000 lượt người dân và du khách. Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô.

Đánh giá về Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Lễ hội thực sự gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội, Việt Nam mà cả ở khu vực và trên thế giới. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo ấy mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa là không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Như thế, một lần nữa, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyên vọng của Nhân dân và thực tiễn của cuộc sống”.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, còn nhiều di sản văn hóa ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác đầy đủ như một nguồn lực phát triển kinh tế. Trường hợp của Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), một di tích quốc gia đặc biệt có lịch sử 2.300 năm tuổi, là ví dụ tiêu biểu về một di sản vẫn đang “ngủ quên”. Nói như PGS.TS. Nguyễn Văn Huy (Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản VUSTA) tại tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển” cách đây ít lâu, thì “đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ khi Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia. Đến giờ chúng ta không thể ngồi chờ thêm nữa”.

Tại hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch”, diễn ra ở Ninh Bình tháng 10/2024, PGS.TS. Bùi Thanh Thủy (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích là đảm bảo tính liên tục, không đứt gãy của truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, khi các di tích trở thành tài nguyên du lịch sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn. Cộng đồng địa phương ở bất kỳ vùng nào đã và đang phát triển về du lịch đều nhận ra lợi ích này.

Thách thức trong khai thác di sản văn hóa

Tính đến năm 2024, cả nước có 8 di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 di sản văn hóa Phi vật thể của thế giới, cùng hàng ngàn di tích và di tích quốc gia đặc biệt. Đây chính là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch. Ngoài ra, việc Việt Nam liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á” do World Travel Awards bình chọn, cùng nhiều danh hiệu du lịch của các địa phương được các tổ chức thế giới trao tặng từ 2019 đến năm nay cho thấy, giá trị di sản văn hóa Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút du khách.

 Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: Tuấn Trần

Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: Tuấn Trần

Mặc dù vậy, việc khai thác di sản văn hóa một cách hiệu quả để đóng góp vào sự phát triển kinh tế vẫn gặp phải không ít thách thức. Những khó khăn trong việc bảo tồn giá trị di sản trong khi phát triển các sản phẩm du lịch, rồi sự thiếu hụt cơ chế quản lý và bảo vệ hiệu quả, hay thậm chí là sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa là những vấn đề còn nan giải. Nếu các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh không được quản lý và bảo tồn đúng cách, chúng sẽ dễ bị xuống cấp hoặc mất đi những giá trị độc đáo ban đầu.

Trong những năm gần đây, không ít chuyện buồn xảy ra khi việc tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích ở nhiều nơi đã phá vỡ đi hiện trạng, thậm chí là xâm hại vào vùng lõi của di sản. Chẳng hạn như câu chuyện sử dụng máy xúc khi bảo tồn đền tháp Bánh Ít (Bình Định), vụ phá giếng cổ ở Thanh Hóa, công trình xây đường bê tông dẫn lên núi Cái Hạ ở vùng lõi di sản Tràng An, hay những sai phạm về xây dựng làm phá vỡ môi trường cảnh quan của di sản ở Vịnh Hạ Long, Hà Giang, Đà Lạt…. Đây là hậu quả của công tác quản lý chưa đồng bộ và ý thức cộng đồng còn hạn chế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết. Vai trò của các bên tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích, khai thác phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có sự phân cấp, xác định trách nhiệm, phân chia lợi ích rõ ràng. “Kết quả huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ tôn tạo di tích chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của các di sản văn hóa. Sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - du lịch, đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo còn hạn chế, bất cập”, bà nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, việc Quốc hội thông qua Luật Di sản sửa đổi năm 2024 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam. Luật sửa đổi không chỉ nhấn mạnh vai trò của di sản như một tài sản quốc gia cần được bảo vệ, mà còn đưa ra những quy định cụ thể nhằm đẩy mạnh sự kết nối giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hóa và du lịch sáng tạo.

Cần chiến lược khai thác đồng bộ

Tuy nhiên, trong việc phát huy hiệu quả giá trị di sản, bên cạnh hành lang pháp lý thì yếu tố con người và cách làm cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Di sản văn hóa có giá trị to lớn, song muốn biến chúng thực sự trở thành “lực lượng vật chất” thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cần phải có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Phát triển các sản phẩm du lịch từ di sản cần làm một cách khoa học và bài bản để không chỉ tăng trưởng ngành du lịch mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển các ngành dịch vụ khác.

 Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Đình Trung

Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Đình Trung

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, chúng ta cần biến những di sản thành sản phẩm sống động thông qua các trải nghiệm thực tế. Điển hình như là tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, hay Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, nơi các di sản được thắp sáng bởi hơi thở hiện đại, thu hút hàng triệu du khách và góp phần tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ về cách làm ở địa phương, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Ninh Bình luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh. “Đã có hàng nghìn lượt di tích được trùng tu tôn tạo; nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc; nhiều di tích, danh thắng đã trở thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế...”, ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định. Chính quyết tâm và đường đi đúng đắn, Ninh Bình đang trở thành điểm sáng trong việc khai tác di sản để phát triển du lịch.

Những yêu cầu đòi hỏi khác là Việt Nam cần cải cách hành chính, xây dựng một hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản. Các cơ chế ưu đãi, chính sách thuế hợp lý và sự hỗ trợ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp trong việc khai thác di sản sẽ tạo ra động lực lớn để phát triển lĩnh vực này. Phát biểu tại tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới”, ông Lê Hồng Thái, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội, đánh giá: “Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời tạo ra các chính sách ưu đãi về thuế sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào việc khai thác di sản. Điều này không chỉ giúp phát triển du lịch mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng”.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá di sản, như xây dựng bản đồ di sản số, tổ chức các tour tham quan trực tuyến để tăng cường khả năng tiếp cận cho du khách toàn cầu.

Di sản văn hóa không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai bền vững. Từ “tài sản ngủ quên” đến nguồn lực phát triển, di sản văn hóa cần được bảo tồn, khai thác hiệu quả và sáng tạo để trở thành động lực kinh tế, xã hội và văn hóa mạnh mẽ. Điều đó đòi hỏi không chỉ cần chính sách đồng bộ, sự chung tay của cộng đồng, mà còn cần tư duy đổi mới trong cách nhìn nhận giá trị của di sản. Đây vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, biến những “câu chuyện cũ” thành những bước tiến bền vững cho mai sau.

Hoài Đức

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-tai-nguyen-tham-lang-den-dong-luc-phat-trien-post328140.html